Với hầu hết mọi người, kiếm được nhiều tiền nghĩa là đã làm giàu thành công. Nhưng thực sự, đó mới chỉ là một nửa chặng đường bạn cần vượt qua. Trận chiến thực sự nằm ở nửa phần đường còn lại, khi bạn phải đấu tranh để giữ những đồng tiền mà mình kiếm được.
*Dưới đây là chia sẻ của Natasha Zo, chuyên gia quan hệ truyền thông quốc tế và là người sáng lập công ty PR, trên trang Entrepreneur.
Hãy tưởng tượng bạn đang ở trong phòng điều khiển quan sát hình ảnh từ hàng loạt camera giám sát. Mỗi màn hình sẽ hiển thị một khía cạnh khác nhau trong công việc kinh doanh của bạn. Một cái biểu thị mức độ hài lòng của khách hàng, một cái khác cho thấy tinh thần của nhân viên, cái tiếp theo cho thấy tình trạng tiếp thị, rồi tài chính, pháp lý của bạn, v.v.
Bây giờ hãy tưởng tượng những màn hình đó lần lượt chuyển sang màu đen.
Đó chính là những gì đã ập tới với tôi chỉ trong vỏn vẹn 2 tháng. Tôi gần như bất lực khi chứng kiến từng thứ một sụp đổ. Trang web công ty bị sập, email bị mất, Instagram bị mạo danh, tất cả gây khó khăn trong việc liên hệ với các đầu mối truyền thông và khách hàng.
Tiếp đó, tài khoản PayPal rồi tài khoản ngân hàng của công ty lần lượt bị đóng băng, khiến một lượng lớn tiền mắc kẹt trong đó..
Có thể thấy, xây dựng thì mất rất lâu, rất rất lâu nhưng chỉ cần 1 vết nứt xuất hiện trong công trình, nó có thể khiến cả một doanh nghiệp sụp đổ chỉ trong vài ngày.
Hậu quả để lại là tôi gần như đánh mất một nửa gia sản của mình, nhưng mặt khác, tôi cũng tỉnh ra một số bài học sau đây.
1. Các mối quan hệ là tài sản chính
Hãy tưởng tượng kênh liên lạc thông thường như Facebook, Instagram, Email… của bạn bị trục trặc. Ai sẽ nỗ lực tìm mọi cách để liên hệ với bạn?
Điều tương tự cũng xảy ra với thương hiệu của bạn: Liệu có ai chú ý tới việc thương hiệu của bạn ngừng đăng bài trên mạng xã hội? Ai sẽ viết thư để kiểm tra chỉ vì họ không nhận được tin tức từ bạn trong một thời gian? Ai sẽ tìm cách liên hệ ngay cả khi trang web của bạn ngừng hoạt động?
Khi bản thân rơi vào trường hợp đó, tôi rất mừng vì mọi người vẫn tìm thấy mình thông qua các bài báo, các podcast mà tôi đã thực hiện trước đây, cũng như liên hệ qua LinkedIn và email cá nhân.
Hãy tưởng tượng kênh liên lạc thông thường như Facebook, Instagram, Email… của bạn bị trục trặc. Ai sẽ nỗ lực tìm mọi cách để liên hệ với bạn?
Quá trình này khiến tôi hiểu ra rằng, có những mối quan hệ thực sự mạnh mẽ hơn cả công nghệ. Đây là một trong những tài sản thường bị định giá thấp trong một doanh nghiệp.
Chúng ta dựa vào công nghệ, nhưng thường thì ngay cả giải pháp an toàn nhất cũng làm chúng ta thất bại. Nếu bạn muốn ở lại, hãy xây dựng các mối quan hệ và một thương hiệu tồn tại lâu hơn bất kỳ công nghệ nào.
2. Trong kinh doanh, bạn cần thêm chút gai góc
Tôi đến với kinh doanh từ nghề báo, một công việc yêu cầu bạn phải luôn thể hiện sự lịch sự và niềm nở với các đối tượng. Quy tắc này cũng trở thành một phần tiêu chuẩn hoạt động của tôi trong kinh doanh.
Thế nhưng, khi tài khoản ngân hàng của công ty bị phong tỏa, nguồn tiền mặt cạn kiệt, hạn trả lương đang đến gần, tôi vẫn ngày ngày gọi điện lịch sự và vui vẻ cho phía ngân hàng nhưng chẳng đi đến đâu cả.
Khi mọi thứ dần tuyệt vọng, một người bạn đã nhắn tôi: “Thử làm dữ lên.”
Thế là lần này, tôi gọi điện tới ngân hàng với thái độ rất gắt gỏng, thậm chí còn nhắc tới việc “cầu cứu” trên mạng xã hội và truyền thông nếu họ vẫn không thể giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng hơn.
Thật không ngờ, cách làm này lại hiệu quả. Tôi không khuyến khích mọi người làm theo, nhưng trên thực tế, chúng ta luôn cần đôi phần sắc sảo để đạt được thứ mình muốn.
Tôi không khuyến khích mọi người làm theo, nhưng trên thực tế, chúng ta luôn cần đôi phần sắc sảo để đạt được thứ mình muốn.
3. Phải trả lời câu hỏi: Doanh nghiệp có thể hoạt động bao lâu nếu không có bạn?
Trong suốt hai tháng, tôi phải xử lý vô số trục trặc bất ngờ, đồng nghĩa với thời gian tập trung cho việc kinh doanh bị giảm đi. Khi vượt qua 2 tháng khó khăn, tôi lại đau đớn nhận ra rằng, nền tảng kinh doanh cũng đang đứng trên bờ vực nguy hiểm.
Tuy có mối quan hệ khách hàng mạnh mẽ, đội ngũ được đào tạo bài bản nhưng điểm yếu của chúng tôi là thiếu tính độc lập, quy trình bán hàng chưa vững và phần lớn vẫn phụ thuộc vào tôi.
Chỉ một chút sóng gió như vậy đã khiến tôi cảm thấy bản thân hơi giống một bà cụ quá cẩn trọng: Luôn thích đặt những viên ngọc trai cũ của mình vào một chiếc rương có tới ba khóa an toàn, rồi giấu chiếc rương ở phía sau tủ bảo vệ.
Tuy công việc kinh doanh của tôi còn chưa lớn vào lúc này, nhưng trách nhiệm của tôi đối với khách hàng và đội ngũ nhân sự thì không hề nhỏ. Do đó, nếu hàng loạt lớp khóa an toàn và bảo vệ có tác dụng, giúp tôi ngủ ngon hàng đêm, thì hãy cứ làm như vậy.
Nguồn: Entrepreneur-Theo Phương Thuỳ-Theo Trí Thức Trẻ