Chính quyền Mỹ lo ngại về vai trò của nhiều công ty TQ trong việc trợ giúp Bắc Kinh điều hành các “trung tâm đào tạo” đối với người Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương. Và bởi vậy, Mỹ tính mở rộng “danh sách đen” sau Huawei
“Danh sách đen” của Mỹ
Mỹ đang cân nhắc xem liệu có nên đưa Hikvision, Zhejiang Dahua và một vài công ty khác thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị, camera giám sát của Trung Quốc vào danh sách đen nhằm cấm họ tiếp cận các linh kiện và phần mềm của Mỹ hay không, Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho hay.
Theo nguồn tin của Bloomberg, chính quyền Mỹ đang lo ngại về vai trò của những công ty này trong việc trợ giúp Bắc Kinh điều hành các “trung tâm đào tạo” đối với người Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương, miền Tây Trung Quốc.
Nguồn tin của Bloomberg cho hay, thực ra, việc Hikvision và Dahua hỗ trợ cho hoạt động của Bắc Kinh ở Tân Cương đã bị các nhóm nhân quyền chỉ trích. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ vẫn chưa có các bước đi cụ thể trong thời gian qua vì các cuộc đàm phán thương mại nhạy cảm với Trung Quốc. Những cuộc đàm phán này hiện đang bị đình trệ.
Ngoài ra, người ta còn sợ rằng các máy quay của Hikvision và Dahua, vốn được trang bị tính năng nhận diện khuôn mặt, có thể được sử dụng để phục vụ công tác do thám.
Thông tin xuất hiện sau khi chính quyền của Tổng thống Trump cấm “người khổng lồ viễn thông” Huawei của Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ, một động thái khiến cổ phiếu của các nhà sản xuất chip như Qualcomm, Intel của Mỹ giảm mạnh và đe dọa tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời làm gián đoạn quá trình ra mắt hệ thống mạng không dây thế hệ kế tiếp.
Cùng với cuộc thương chiến đang khiến thị trường toàn cầu chao đảo, Washington còn gây áp lực, buộc cả đồng minh, lẫn đối thủ tránh sử dụng Huawei để phục vụ cho 5G – hệ thống mạng thế hệ mới sẽ hỗ trợ cho mọi thứ từ xe tự lái, cho tới robot phẫu thuật – yếu tố tạo nên xương sống cho nền kinh tế hiện đại.
Hikvision và Dahua, cùng với đối thủ Yitu nằm trong số những nhà cung cấp thiết bị giám sát lớn nhất thế giới. Các công ty này đã thu lợi lớn từ nỗ lực chưa từng có tiền lệ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm theo dõi 1,4 tỉ dân của đất nước.
Khoảng 176 triệu máy quay đã được lắp đặt để giám sát đường phố, tòa nhà và các khu vực công cộng ở Trung Quốc năm 2016, trong khi số lượng máy quay ở Mỹ là 50 triệu, trung tâm phân tích IHS Markit cho hay.
Camera của Hikvision hiện đang được bán khắp thế giới. Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thiết bị của công ty này có khả năng nhận diện khuôn mặt trên diện rộng. Chính đặc điểm này đã giúp Hikvision xây dựng ưu thế trong một thị trường mà BIS Reasearch định giá ở mức 32 tỉ USD trong năm 2017 và sẽ tăng trưởng 16%/năm cho tới năm 2023.
Hiện chưa rõ những công ty nào sẽ bị Washington đưa vào “danh sách đen” cùng với Huawei.
Mục tiêu cuối cùng của ông Trump
Bloomberg nhận định: Động thái kể trên của Mỹ có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc và đặt ra câu hỏi liệu Mỹ có tiếp tục nhắm tới các tập đoàn hàng đầu khác của Trung Quốc hay không.
Tâm điểm trong “chiến dịch” của ông Trump là mối nghi ngại về việc các công ty Trung Quốc hỗ trợ Bắc Kinh do thám toàn cầu trong khi nước này thúc đẩy tham vọng trở thành cường quốc công nghệ.
Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Huawei vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran và hồi năm ngoái còn “thiết kế” vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của Huawei với cáo buộc bà này liên quan tới gian lận ngân hàng.
Theo Bloomberg, với lời đe dọa mới nhất từ phía Mỹ, Bắc Kinh sẽ càng lo sợ về khả năng mục tiêu cuối cùng của ông Trump là nhằm kiềm chế Trung Quốc, châm ngòi cho một cuộc chiến tranh lạnh giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Ngay sau khi New York Times đưa tin về khả năng áp lệnh cấm này, cổ phiếu của Hikvision và Dahua ở Thâm Quyến đã bị sụt giảm.
Theo Trí Thức Trẻ