Tiếp bước những Cà phê, Bánh mì, Áo dài, Phở,… chocolate Việt nếu được vinh danh trên truyền thông quốc tế có thể được xem là một “quyền lực mềm” mới của Việt Nam, mang lại lợi ích không nhỏ về kinh tế, văn hoá…
Những con số hàng triệu đô la để quảng bá du lịch, đến câu chuyện hiện hữu về Cà phê Việt, Bánh mỳ Việt, Phở…
Từ năm 2007 – 2013, Việt Nam thường xuyên chi hơn 1 triệu USD/năm để quảng bá du dịch trên CNN và BBC. Thành phố Hà Nội chi 2 triệu USD để hình ảnh của Thủ đô đăng tải trên hãng truyền hình Mỹ CNN nhằm quảng bá du lịch trong 2 năm 2017 – 2018.
Năm 2015, Chính phủ Singapore đã thông qua gói tài chính trị giá 15 triệu USD nhằm thực hiện một loạt các biện pháp quảng bá ở quy mô quốc tế nhằm tăng số lượng du khách quốc tế đến với Đảo quốc Sư tử. Chiến dịch toàn cầu thu hút du khách thông qua việc xúc tiến các kênh như hàng không, khách sạn, dịch vụ bán lẻ cũng như các hoạt động giải trí.
Nhìn rộng hơn, các quốc gia du lịch hàng đầu Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, hay rộng ra tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, tới rất nhiều quốc gia, địa phương không tiếc tiền chi cho việc quảng bá tên tuổi, hình ảnh của mình đến với thế giới.
Super Bowl là sự kiện thể thao với quy mô đình đám nhất nước Mỹ. Một suất quảng cáo trên chương trình này có cái giá khó tin: 7 triệu USD cho 30 giây lên sóng – tương đương hơn 165 tỷ đồng. Thế nhưng, rất nhiều doanh nghiệp, và quốc gia sẵn lòng chi trả để xuất hiện trước truyền thông quốc tế.
Nhưng luôn có nhiều hơn một cách để làm điều đó. Những câu chuyện văn hóa độc đáo như Cà phê Việt, Bánh mì Việt Nam, và Phở Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của truyền thông thế giới, một cách tự nhiên, với cái giá rẻ hơn rất nhiều con số hàng triệu USD – thậm chí là… 0đ.
Năm 2023, trên chuyên trang ẩm thực Taste Atlas – được mệnh danh là “bản đồ ẩm thực thế giới”, cà phê sữa đá Việt Nam, đứng vị trí đồng hạng nhất trong Top 10 thức uống cà phê được đánh giá cao nhất thế giới.
Trong nhiều năm qua, cà phê Việt Nam liên tục được vinh danh và khen ngợi trên hàng loạt báo chí quốc tế uy tín như CNN, The New York Times, Canada The Travel,…
Không những vậy, Cà phê Việt Nam cũng luôn là thức uống được các chính khách quốc tế, nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Mỹ Obama, các ngôi sao nổi tiếng thế giới dành lời khen và mong đợi thưởng thức khi đến Việt Nam.
Không những danh tiếng ngày càng vang xa trên truyền thông thế giới, chất lượng cà phê Việt Nam còn chinh phục người tiêu dùng tại hơn 80 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Một ví dụ khác là bánh mì. Bánh mì Việt Nam từ lâu đã được thừa nhận ngon trên khắp thế giới. Vừa qua, chuyên trang ẩm thực nổi tiếng Taste Atlas vừa công bố bánh mì Việt Nam đứng đầu danh sách 100 loại bánh bánh mì kẹp ngon nhất thế giới.
Ngày 24/3/2011, từ “bánh mì” đã được công nhận trong Từ điển tiếng Anh Oxford kèm theo ghi chú “Là loại sandwich của Việt Nam”. Món ăn đường phố này cũng được đưa vào trong nhiều từ điển nổi tiếng thế giới khác như Cambridge, Merriam-Webster…
Bánh mì Việt Nam được tờ The Guardian chọn là một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới năm 2012. Bánh mì Việt cũng xuất hiện trên BBC với bài báo có tựa đề “Có phải bánh mì Việt Nam là bánh kẹp ngon nhất thế giới?”, hay chương trình No Reservation của CNN.
Và nhắc tới những dấu ấn của Việt Nam trên truyền thông quốc tế, không thể bỏ qua món Phở – một trong những món ăn được người Việt quảng bá nhiều nhất tại nước ngoài và cũng là món ăn được biết đến nhiều nhất của Việt Nam. Hãng truyền thông CNN (Mỹ) mới đây đã xếp hạng món phở của Việt Nam ở vị trí thứ 2 trong danh sách 20 món nước ngon nhất thế giới. Chuyên trang ẩm thực nổi tiếng Taste Atlas cũng vinh danh Phở Việt Nam trong danh sách 100 món ăn ngon và nổi tiếng nhất thế giới, xếp thứ 3 trong top 10 món có nước dùng từ thịt ngon nhất thế giới.
Phở Việt Nam cũng liên tục được vinh danh và nhắc tới trên rất nhiều kênh truyền thông quốc tế lớn như Business Insider, Sydney Morning Herald, The Travel, South China Morning Post, Reuters, The Culture Trip, SBS, Nat Geo,…
‘Cánh chim mới’ mang tên chocolate Việt Nam
Chưa quá phổ biến như cà phê, bánh mì, Phở,… nhưng chocolate đang dần nổi lên như một thực phẩm hấp dẫn, có giá trị và điểm thu hút riêng, góp phần đưa cái tên Việt Nam ra với thế giới. Với những đặc điểm riêng biệt và hương vị độc đáo, chocolate Việt có tiềm năng trở thành một biểu tượng văn hóa và thương hiệu quốc gia mạnh mẽ.
Khi nhắc đến chocolate, ngay cả chính người Việt vẫn thường nghĩ ngay tới các quốc gia châu Âu như Anh, Bỉ, Thụy Sĩ,… Nhưng thực tế, chocolate Việt Nam đang dần có tiếng nói trên thị trường quốc tế.
Châu Phi là nơi cung cấp cacao – nguyên liệu sản xuất chocolate lâu đời, nhưng gần đây, một số quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam đang nổi lên là vùng trồng nguyên liệu cacao chất lượng tốt. Thế giới đang trải qua cơn khủng hoảng nguyên liệu chocolate, nhiều nhà sản xuất đang có nhu cầu nhập nguyên liệu cacao từ Việt Nam. Nhiều thương hiệu sản xuất chocolate lớn đã mở nhà máy ở Việt Nam, ưu tiên dùng nguyên liệu Việt Nam để đưa ra quốc tế.
Hiện nay ở nước ta có ba vùng trồng ca cao chính, là đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ. Tuy còn nhiều trở ngại về quy mô, sản lượng, nhưng với lợi thế chất lượng cacao cao – do thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp và cách lên men tự nhiên để tạo nên sự độc đáo, cộng với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu sản xuất nội địa mạnh, hứa hẹn cái tên Việt Nam sẽ còn thêm nổi danh trên thị trường cacao quốc tế.
Chocolate Việt Nam đang dần vươn mình mạnh mẽ trên thị trường quốc tế, cả ở mảng nguyên liệu cacao, chocolate nguyên liệu lẫn chocolate thành phẩm
Một số thương hiệu chocolate Việt Nam đã ra mắt và được thị trường quốc tế đánh giá cao, đạt được giải thưởng trên thế giới như Marou, Stone Hill, Legendary, Miss Ede, Alluvia,…
Một thương hiệu Chocolate Việt Nam đã được tạp chí New York Times đánh giá là ngon và tinh tế nhất thế giới, được nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá cao, trở thành một trong những loại chocolate được săn lùng nhiều nhất. Chocolate Việt cũng được trang tin tức Bloomberg.com nhắc tới với những lợi ngợi khen.
Nhưng một điều hiếm người biết, Chocolate Việt Nam không chỉ có loại thành phẩm, mà còn đang nổi lên ở một dòng sản phẩm khác – đó chính là chocolate nguyên liệu. Khi nhắc tới chocolate Việt Nam, nhiều người Việt thành thị sẽ nghĩ ngay tới Marou, với những nhà sáng lập là người nước ngoài và được hậu thuẫn mạnh bởi quỹ Mekong Capital. Một thương hiệu chocolate thuần Việt khác cũng dần mang dấu ấn là Alluvia – có nghĩa tiếng Việt là ‘Phù Sa’, thương hiệu thuộc Công ty Ca Cao Xuân Ron Chợ Gạo, được sáng lập bởi gia đình chị Nguyễn Ngọc Điệp – anh Nguyễn Hải Yến vào năm 2013. Bên cạnh đó, một ‘cánh chim’ đáng chú ý khác là Fancy Foods nằm trong hệ sinh thái Nhất Hương – doanh nghiệp sản xuất và phân phối nguyên phụ liệu ngành bánh, ngành pha chế hàng đầu Việt Nam. Với gần 30 năm kinh nghiệm trong ngành thực phẩm, Nhất Hương tiên phong và tạo dựng được uy tín hàng đầu với sản phẩm nổi tiếng là kem làm bánh & kem pha chế chất lượng cao.
Khai trương nhà máy đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, đối diện với khó khăn, gồng lỗ tới tận ngày nay, nhưng Fancy Foods vẫn kiên trì mang Chocolate chất lượng cao made-in-Vietnam tới những thị trường khó tính hàng đầu thế giới. Sau hơn 5 năm phát triển, doanh nghiệp này đã đưa chocolate nguyên liệu xuất khẩu tới 16 quốc gia, đặc biệt là các đối tác lớn tại tại Hàn Quốc, Đài Loan, Trung, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Lào. Với chocolate thành phẩm, Fancy Foods sản xuất gia công cho một thương hiệu lớn để xuất khẩu sản phẩm tới những thị trường cực kỳ khó tính như Hoa Kỳ, Canada, Nhật.
Ở mảng chocolate thành phẩm, đại diện Fancy Foods cho biết, đây là một trong những đơn vị đi đầu thử nghiệm thành công phương pháp nghiền và sấy thăng hoa trong nhiệt độ lạnh chocolate với trái cây và các loại nguyên liệu khác, để cho ra thành phẩm có độ ngọt thấp, tan nhanh trong miệng, lại giữ được độ ngọt và sự hòa quyện như chocolate sữa chua, chanh, hoa hồng, dâu tây, sầu riêng, rong biển, ớt cay,…
Theo tiết lộ, Fancy Foods chuẩn bị ra mắt dòng sản phẩm chocolate bọc hạt và chocolate trộn mang thương hiệu Queenam. Được biết, đây là loại chocolate thượng hạng được sản xuất với công nghệ nghiền, trộn và sấy thăng hoa ở nhiệt độ thấp. Từ đó mang tới thành phẩm giữ nguyên được vị bùi, thơm, ngậy cùng sự bổ dưỡng của các loại hạt và cũng như hương thơm, vị đặc trưng của những nguyên liệu đặc trưng chất lượng cao theo tiêu chuẩn Châu Âu.
Tiếp bước cà phê, bánh mì, Phở và rất nhiều cái tên khác từ ẩm thực tới du lịch Việt, việc phát triển và quảng bá chocolate Việt trên thị trường quốc tế của những Marou, Fancy Foods,… không chỉ đem lại lợi ích về mặt kinh tế mà còn giúp xây dựng hình ảnh tích cực về ẩm thực, văn hóa, du lịch nói riêng và đất nước, con người Việt Nam nói chung, trên trường quốc tế.
Ngọc Tú-Theo Đời sống Pháp luật