Tàu Hải Dương Địa Chất 8, con tàu khảo sát thăm dò dầu khí của Trung Quốc đã rời khỏi vùng biển của Việt Nam hôm thứ Năm 24/10, sau ba tháng gây ra cuộc đối đầu căng thẳng với lực lượng tuần duyên Việt Nam ở khu vực Bãi Tư Chính, Reuters dẫn thông tin hàng hải cho biết.
Sáng nay, tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng ít nhất 2 tàu hộ tống của Trung Quốc đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, theo dữ liệu từ Marine Traffic, một trang web theo dõi tàu bè quốc tế.
Con tàu này, cùng các tàu hộ tống có vũ trang đã tiến vào khu vực Bãi Tư chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đầu tháng 7, tạo ra căng thẳng ngoại giao giữa Hà Nội và Bắc Kinh. Việt Nam nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút đội tàu vi phạm, còn Trung Quốc tố cáo ngược lại rằng các hoạt động dầu khí của Việt Nam ở khu vực này đã động chạm tới lợi ích của Trung Quốc.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, trong đó chồng lên vùng đặc quyền kinh tế của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
“Trung Quốc không muốn bất kỳ một công ty không thuộc ASEAN nào khoan dầu ở Biển Đông”, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, thành viên của Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế nhận định.
Ông Hợp cũng cho rằng Trung Quốc chỉ rút tàu thăm dò khỏi biển Việt Nam sau khi giàn khoan Hakuryu-5 chấm dứt việc khoan dầu ở Lô 06.1 của Việt Nam vốn do công ty dầu khí Nga Rosneft thực hiện.
Các nhà quan sát hàng hải cũng nhận định các tàu hộ tống của Trung Quốc đã vận hành “theo một cách thức đe dọa” để quấy rối hoạt động khoan dầu của Việt Nam.
“Trung Quốc quyết tâm gây áp lực cho Việt Nam để chấm dứt hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí chung với các đối tác nước ngoài trong khu vực”, ông Hợp Nói.
“Rất có khả năng Trung Quốc sẽ đưa một giàn khoan tới địa điểm mà tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã tiến hành thăm dò địa chất ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”, ông Hợp nhận định.
Năm ngoái, Tập đoàn dầu khí Việt Nam Petro Vietnam cũng phải dừng một dự án khai thác dầu khí hợp tác với công ty Tây Ban Nha Repsol sau khi chịu áp lực từ Trung Quốc.
Tuần trước, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Phú Trọng kêu gọi sự kiềm chế trên Biển Đông, đồng thời khẳng định Việt Nam “không nhân nhượng” về vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Hôm thứ Hai, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa tuyên bố Biển Đông là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc và “chúng ta sẽ không cho phép một tấc lãnh thổ của tổ tiên bị cướp đi”.
Đức Trí