“Nhà khởi nghiệp phải chuốc lấy rủi ro cho chính mình để được đền bù bằng một phần thưởng bằng tài chính hay bằng tinh thần thật xứng đáng”, đó chính là nhận định của doanh nhân Lý Quí Trung khi chia sẻ về start up trong thời kì “bình thường mới”.
Doanh nhân Lý Quí Trung gắn liền với vai trò đồng sáng lập Phở 24 với hơn 70 cửa hàng tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Vừa là chuyên gia hàng đầu trong lãnh vực F&B, ông còn là một doanh nhân trí thức có nhiều đóng góp và chia sẻ giá trị đối với cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ông còn được biết tới trong vai trò giáo sư đại học thỉnh giảng và tác giả của nhiều đầu sách có giá trị, doanh nhân.
Mới đây, vị doanh nhân này đã đúc kết kinh nghiệm 25 năm kinh doanh với đầy đủ cung bậc cảm xúc, màu sắc, từ làm thuê đến làm chủ, từ thành công đến thất bại trong cuốn sách “Start up trong thời kỳ bình thường mới” của mình. Cuốn sách cũng ghi lại những trăn trở của ông về những dự án còn đang ấp ủ trên đường băng chờ ngày cất cánh. Những lời khuyên đặc biệt chia sẻ cho các nhà khởi nghiệp được ông nhắn nhủ:
Định nghĩa của hai chữ “khởi nghiệp” bằng tiếng Việt
Sức mạnh và sự hấp dẫn của một dự án kinh doanh, dù là rất nhỏ, đối với một người khởi nghiệp cho chính mình nó rất khác với công việc tại một cơ ngơi lớn hơn nhưng do người khác làm chủ. Nó đi từ con số không và chiếm toàn bộ thời gian và sức lực của mình bất kể kết quả kinh doanh ra sao. Nó làm mình rũ bỏ gần như tất cả mọi thứ xung quanh chỉ để tập trung vào một thứ duy nhất: sự thành công của đứa con tinh thần mình đẻ ra.
“Một tiệm phở hay một nhà xưởng mấy mét vuông ngay trong sân nhà không còn quan trọng nữa, mà là ngọn lửa bên trong nhà khởi nghiệp”. Nhưng để nhận diện và thổi bùng nó lên thành một ngọn lửa khởi nghiệp thành công mỹ mãn, nhà khởi nghiệp cần sở hữu nhiều thứ khác ngoài một ý tưởng kinh doanh độc đáo, trong đó phải kể đến kiến thức và tư duy của một doanh nhân thực thụ.
Khởi nghiệp, cần được định nghĩa bằng tiếng Việt, là “khởi đầu của một sự nghiệp cụ thể là một công ty, một doanh nghiệp hay một công việc kinh doanh nói chung” mà nhà khởi nghiệp phải chuốc lấy rủi ro cho chính mình để được đền bù bằng một phần thưởng bằng tài chính hay bằng tinh thần thật xứng đáng.
Tiền không phải là tất cả, nhưng thiếu nó thì vô cùng khó khăn
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu một người muốn khởi nghiệp mà không có tiền và không thể huy động được từ bất cứ ai? Câu trả lời thật đơn giản, là việc khởi nghiệp đó chưa chín muồi, chưa thể tiến hành được, vì rõ ràng cỗ máy start-up vẫn còn thiếu nhiên liệu để vận hành. Không có tiền, không có bột thì sao gột nên hồ!
Chỉ khi bạn đã có một số vốn nhất định trong tay, thì mới nghĩ đến việc huy động thêm từ các nguồn khác: quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư tư nhân và nhà đầu tư chiến lược… như những phần thưởng cộng thêm.
Ý tưởng kinh doanh: hãy biến TỐT trở thành RẤT TỐT
Khởi nghiệp trong một thời kỳ vừa chịu ảnh hưởng bởi của đại dịch, vừa chịu ảnh hưởng của thời kỳ chuyển đổi số tăng tốc thì thật là đặc biệt, với thử thách và cơ hội gần tương đương nhau.
Thời kỳ sắp tới, sẽ không còn là “cá lớn nuốt cá bé”, mà sẽ là “cá nhanh nuốt cá chậm”. Yếu tố công nghệ, mô hình khởi nghiệp tinh gọn, mô hình kinh tế chia sẻ, tất cả đều là những mảnh ghép khá tương đồng của bức tranh có tên là tốc độ.
Chiếm lấy trái tim mọi người
Mỗi doanh nghiệp phải tư nghĩ ra những cách riêng của mình để gây ấn tượng và thiết lập sợi dân tình cảm với khách hàng. Sẽ không có một công thức chung nào cho tất cả mọi người.
Hãy chú ý đến free publicity. Nhiều thương hiệu ở Việt Nam cũng lên ngôi nhà tiếng nói và sự ủng hộ của free publicity, của giới truyền thông. Nhờ họ mà thông điệp từ các nhà khởi nghiệp được truyền đi một cách thuyết phục và rộng rãi, và từ đó một sợi dây tình cảm vô hình đã được thiết lập một cách tự nhiên. Nên nhiều khi người ta nói là chính truyền thông mới đẻ ra thương hiệu, chứ không phải quảng cáo. Nhìn từ góc độ marketing điều này hoàn toàn có lý.
Ngọc Tú-Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị