Từ người tiên phong, Google ở thời điểm hiện tại bị coi là kẻ chậm chân trong cuộc chiến AI.
Năm 2016, vài tháng sau khi trở thành CEO của Google, Sundar Pichai đã đưa ra tuyên bố: Google – cái tên đã trở thành đồng nghĩa với tìm kiếm, giờ đây sẽ là công ty ưu tiên và đi đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là quyết sách lớn đầu tiên của Pichai sau khi nắm quyền điều hành công ty.
Trước đó 2 năm, Amazon đã vượt mặt Google bằng việc ra mắt trợ lý giọng nói Alexa. Vì thế, tại một sự kiện năm 2016, Google ra mắt Assistant để cạnh tranh với Alexa đồng thời thể hiện định hướng liên quan tới AI của Pichai.
7 năm sau, Google có vẻ như vẫn ở hoàn cảnh tương tự: Một lần nữa bị đánh bại trong lĩnh vực mà lẽ ra họ phải là người thống trị. Tuy nhiên, lần này, mọi thứ còn tồi tệ hơn khi kẻ soán ngôi là OpenAI – một startup tương đối nhỏ ở San Francisco chứ không phải gã khổng lồ rủng rỉnh tiền như Amazon.
Sản phẩm của OpenAI – ChatGPT, được xây dựng bằng cách sử dụng bước đột phá công nghệ mà chính Google đã đi tiên phong tự nhiều năm trước. Dù chỉ mới phát hành từ tháng 11 năm ngoái nhưng ChatGPT đã nhanh chóng thu hút sự chú ý trên toàn cầu mặc dù Google từng công bố công nghệ tương tự có lên LaMDA từ 2 năm trước.
Tệ hơn nữa, đối thủ công cụ tìm kiếm chính của Google là Microsoft (công ty tuyên bố đầu tư 10 tỷ USD vào OpenAI) mới đây đã công bố phiên bản mới của Bing với các tính năng trò chuyện với AI thậm chí còn tiên tiến hơn ChatGPT.
Trong bài phát biểu, CEO Microsoft – Satya Nadella đã tuyên bố kỷ nguyên mới đối với mảng tìm kiếm. “Cuộc đua bắt đầu từ hôm nay. Chúng tôi sẽ tiến nhanh và sẽ tiếp tục đưa ra những sản phẩm mới”, ông cho biết. Thông báo được đưa ra 1 ngày sau khi Google gấp rút phát hành chatbot Bard để cạnh tranh với ChatGPT.
Theo Forbes, “con voi trong phòng” (cụm từ trong tiếng Anh dùng để chỉ một vấn đề hệ trọng ngay trước mắt nhưng mọi người đều tránh nói về nó) trị giá 1,3 nghìn tỷ USD đã được chú ý. Sau khi tuyên bố tình trạng báo động đỏ, Pichai đã mời 2 nhà đồng sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin quay trở lại xem xét chiến lược AI của công ty.
Tất nhiên, Google vẫn là ông lớn công nghệ được nể trọng nhưng dường như đối thủ của họ, bao gồm cả những công ty lớn lẫn những startup mới nổi, không còn sợ hãi trước sức mạnh của Google bất chấp việc doanh thu hàng năm của gã khổng lồ tìm kiếm là 280 tỷ USD.
Có thể nói, Google đã thể hiện tham vọng AI của mình từ nhiều năm trước. Cách đây 5 năm, Pichai đã công bố Duplex – dịch vụ AI tạo âm thanh giống người thật có khả năng đặt bàn nhà hàng giúp người dùng.
AI này được lập trình bằng cách bắt chước những từ như “ừm”, “ờ”, ngập ngừng và điều chỉnh giọng nói. Mục tiêu là để tự động đặt lịch hẹn ngay cả với những nhà hàng không có hệ thống đặt lịch trực tuyến.
Màn ra mắt được đánh giá là ấn tượng và khiến mọi người kinh ngạc. Tuy nhiên, không ít người dùng cảm thấy bối rối khi không biết liệu Duplex có tự nhận mình là người máy hay không. Các hãng tin trên khắp thế giới cũng tranh luận liên quan đến vấn đề đạo đức của việc máy móc giả làm con người.
Forbes nhận định rằng công nghệ tiên tiến gắn liền với sự thiếu tầm nhìn xa của con người sẽ đem lại kết quả không mấy tốt đẹp. Tờ New York Times gọi Duplex của Googla là “khá rùng rợn” vì người ở đầu dây bên kia không biết rằng mình đang nói chuyện với một thực thể không phải con người.
2 cựu quản lý của Google cho biết những phản ứng tiêu cực trên đã khiến Google chần chừ trong việc ra mắt các sản phẩm AI sau này.
Năm 2020, Google lại bị chỉ trích vì sa thải 2 nhà nghiên cứu về đạo đức AI là Timnit Gebru và Margaret Mitchell sau khi họ cho rằng công nghệ AI tích hợp trong công cụ tìm kiếm có xu hướng bất bình đẳng giữa người da trắng và da màu.
“Rõ ràng là Google đã từng đi trên con đường mà họ có khả năng thống trị các mô hình ngôn ngữ như ChatGPT. Tuy nhiên, những quyết định được đưa ra một cách thiển cận trước đó đã đặt công ty vào vị trí dè chừng với các chỉ trích như hiện tại”, Mitchell chia sẻ với Forbes.
Năm 2017, một nhóm các nhà nghiên cứu của Google đã tiến hành nghiên cứu về AI có tên “Attention Is All You Need”. Đây được coi là nền tảng cho công nghệ AI tạo nội dung như ChatGPT hiện nay.
Thời điểm hiện tại, 7 trong số 8 tác giả dự án đã rời Google. Trong đó, 6 người tự thành lập công ty riêng và 1 người gia nhập OpenAI. Aidan Gomez – 1 trong 7 nhà nghiên cứu, chô biết môi trường ở Google quá gò bó. “Quyền tự do khám phá là một vấn đề lớn với tập đoàn khổng lồ như Google. Tôi không thể tự do đổi mới sản phẩm. Vì vậy, tôi quyết định tự mình xây dựng”, Gomez chia sẻ.
Năm 2004, Google đã vượt qua Yahoo về vốn hóa thị trường, chỉ 2 tháng sau đợt IPO trị giá 23 tỷ USD của mình. Sự thăng hoa của Google và sự suy tàn của Yahoo được coi là trường hợp điển hình của “Thế tiến thoái lưỡng nan của nhà đổi mới”. Đây là học thuyết giải thích lý do các công ty lớn đánh mất vị trí dẫn đầu thị trường vì không chịu thay đổi những sản phẩm cũ, đang được sử dụng rộng rãi và phát triển công nghệ, sản phẩm mới.
Theo Forbes, gần 2 thập kỷ sau, Google dường như đang phải đối mặt với kịch bản tương tự, trở thành “Yahoo thứ hai” vì sự xuất hiện của ChatGPT. Emad Mostaque – CEO của Stability AI, nhận định: “Nỗi sợ mảng kinh doanh cốt lõi bị ăn mòn đã khiến Google chậm chân. Lúc này, vị thế của họ dường như đã bị lung lay”.
Nguồn: Forbes-Theo Nhịp sống thị trường