Dù đã hơn 60 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Bạch Phượng (còn gọi là bà Hai Trị, ngụ ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM) ngày nào cũng cầm biển đưa học sinh qua đường. Hơn một năm qua, bà đã trở thành “biển báo giao thông di động” giúp các em học sinh sang đường an toàn.
Nhà bà Hai Trị đối diện con đường từ trường THCS Tân Kiên dẫn ra đường Hưng Nhơn. Đoạn đường này không có biển báo và rất nguy hiểm với các em học sinh. Càng về trưa, lượng xe ô tô, xe tải, container chạy qua càng nhiều, di chuyển với tốc độ rất nhanh. Nhiều hôm bà Hai Trị thấy các cháu cứ đứng bên kia đường nhìn nhau mãi mà không dám qua, hoặc có em mới sang được nửa đường thì sợ quá không dám đi tiếp. Bà Hai Trị băn khoăn mãi việc làm sao giúp các cháu học sinh qua đường một cách dễ dàng, an toàn. Hai hôm sau, bà lấy bút viết dòng chữ: “Tạm dừng xe cho các em học sinh qua đường” lên tấm bìa các-tông.
Chờ giờ học sinh tan học, bà đội nắng, cầm tấm bảng nguệch ngoạc chữ viết chạy ra giữa đường phân luồng giao thông, dẫn các em qua. Thấy chữ viết trên tấm bảng quá nhỏ, sợ các tài xế không nhìn thấy, chủ tiệm rửa xe sát vách nhà bà lấy bút tô cho nét chữ đậm hơn.Từ ngày có bà cùng tấm bảng, các em học sinh yên tâm hơn mỗi khi sang đường.
Sài Gòn giờ học sinh tan tầm trời nóng như đổ lửa. Mặt đường Hưng Nhơn vốn nhỏ hẹp, bụi mù mịt càng thêm nóng nực, ngộp thở sau những lượt xe ô tô tải vụt qua. Thế nhưng, bà Hai Trị không chịu ngồi trong nhà tránh nắng mà lại tất tả đội nón lá, rút vội đoạn ống nước bằng nhựa PVC rồi treo lên đó tấm biển có ghi dòng chữ: “Tạm dừng xe cho học sinh qua đường” chạy ra, giơ cao tấm biển để điều tiết giao thông, xin đường cho các em học sinh.
Bà đứng giữa hai làn xe ồn ào lướt qua. Mỗi khi thấy xe lớn, không có ý định giảm tốc độ, bà hướng thẳng tấm biển về phía chiếc xe, khoát tay xin đường. Nhận thấy hai dòng xe chậm lại, bà ân cần dẫn đoàn học sinh băng qua. Khi các em đã an toàn, bà ra hiệu cho các tài xế lưu thông bình thường.
Thấy bà làm “chuyện lạ lùng”, nhiều người chê cười. Họ nói bà “rỗi hơi”, “lo chuyện bao đồng”… Tuy nhiên cũng không ít người thấy được ý nghĩa, tính nhân văn trong công việc ấy. Họ trân trọng, cảm ơn bà bằng nhiều cách. Nhiều phụ huynh học sinh mỗi khi thấy bà đội nắng, chen giữa hai làn xe lại nói lời cám ơn, chúc bà sức khỏe. Các phụ huynh cũng cho biết, những ngày đông xe, họ phải nhờ vào sự điều tiết giao thông và tấm biển của bà để sang đường đón con.
DKN