2019 là một năm đáng quên đối với tỷ phú giàu nhất Nhật Bản – Masayoshi Son, ông trùm “cướp bóc” thế kỷ 21
Hồi tháng 1, ông chủ của tập đoàn SoftBank vẫn đang ở đỉnh cao, thoải mái viết những tấm séc hàng tỷ USD cấp vốn cho các kỳ lân công nghệ, từ startup chia sẻ không gian làm việc WeWork đến công ty thiết kế phương tiện giao hàng tự hành Nuro. Nhưng khi năm 2019 gần khép lại, ông đang phải gồng mình để tung ra gói cứu trợ 9,5 tỷ USD cho startup bên bờ khủng hoảng của Adam Neumann. Từ chỗ 47 tỷ USD, mức định giá của WeWork giờ chỉ còn là 8 tỷ USD, thậm chí một số người còn đưa ra con số 0 tròn trĩnh.
Năm 2019 tồi tệ của SoftBank không chỉ dừng lại ở đó. Các nhà đầu tư bắt đầu có cảm giác rằng bất cứ công ty nào mà Son mang lên sàn cũng đều có vấn đề. Và bạn không phải tìm kiếm đâu xa để có được chứng cứ: cổ phiếu của Uber và Slack – đều được quỹ Vision hậu thuẫn – đều lao dốc sau khi niêm yết. Đối với các quỹ đầu tư mạo hiểm vốn dựa vào IPO để thoát ra và chốt lời, cảm giác này giống như “nụ hôn thần chết”.
3 năm vừa qua, Son đã tung tiền vô tội vạ, đe dọa sẽ ủng hộ đối thủ của 1 startup nếu như những nhà sáng lập của nó từ chối nhận tiền đầu tư của ông, hoặc có trường hợp Son sẽ đầu tư vào các đối thủ và cuối cùng ép họ sáp nhập. Những chiến thuật không mấy dễ chịu này chỉ bắt đầu gây phiền hà khi các vụ IPO bị thổi phồng bắt đầu xì hơi. Và giờ chúng ta bắt đầu nhận ra rằng Son giống như 1 nhà tư bản bảo thủ đang cố gắng sáng tạo lại mô hình kinh doanh bóc lột người lao động của thế kỷ 19 hơn là 1 ông trùm công nghệ.
Nhìn vào danh mục của Vision Fund sẽ thấy rõ hơn điều đó. Thay vì đầu tư vào những công nghệ như AI hay thiết kế chip, 40% danh mục tập trung ở các công ty logistic và vận chuyển như Uber và các phiên bản tương tự Uber trên khắp thế giới. Những lái xe trên các con phố ở Thượng Hải và Jakarta sẽ không có bảo hiểm hay chế độ lương hưu, họ chỉ được trả công trên mỗi chuyến đi. Theo phóng sự điều tra mới được New York Times công bố, chuỗi khách sạn và nhà nghỉ Oyo của Ấn Độ bị cáo buộc chèn ép các chủ kinh doanh nhỏ lẻ.
Nhưng chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, khi mà nguồn vốn con người đóng vai trò quan trọng và các cuộc biểu tình của công nhân đang nổ ra ở nhiều nơi. Chỉ riêng ở Trung Quốc, 3 kỳ lân được SoftBank hậu thuẫn đã tổ chức 32 cuộc biểu tình trong năm ngoái. Do đó chỉ là vấn đề thời gian trước khi chính phủ các nước can thiệp và yêu cầu chế độ bảo vệ người lao động tốt hơn. Nếu áp dụng quan điểm của Karl Marx rằng miếng bánh lợi nhuận doanh nghiệp là trò chơi có tổng bằng 0 phân chia giữa người lao động và nhà tư bản, phần của Son chắc chắn sẽ bị thu hẹp đáng kể. Nói cách khác, đối với rất nhiều startup mà SoftBank đã rót vốn, con đường dẫn đến trạng thái có lãi còn rất dài và cam go, thậm chí có thể dẫn đến kết cục tệ nhất là phải đóng cửa.
Là 1 nhà tư bản cũng không có gì xấu, nhưng thực tế là SoftBank đang đi vay quá nhiều và có quá ít tiền mặt. Xét theo con số sau hợp nhất, tổng nợ ròng phải chịu lãi của SoftBank là 4.500 tỷ yên (tương đương 41 tỷ USD.
Hiện tại, SoftBank đang hoạt động như 1 cỗ máy trơn tru được tra đủ dầu mỡ. Nhưng tập đoàn sẽ sớm mắc kẹt với những khoản đầu tư của Vision Fund. Tồi tệ hơn, Son còn ra tay giải cứu WeWork. Ngoài chuyện bơm vốn giải cứu, SoftBank phải tìm ra cách trả nợ tiền thuê văn phòng lên tới 47 tỷ USD.
Những ngân hàng Nhật Bản – vốn nhiều năm nay có quan hệ thân thiết với Son và thu được khoản phí khổng lồ từ ông – đang phải suy nghĩ lại.
Tính đến tháng 9, quỹ Vision mới chỉ lãi 11,4 tỷ USD – mà phần lớn là trên giấy tờ – trên khoản đầu tư 76,3 tỷ USD được triển khai trong hơn 2 năm. Tiger Global Management, một nhà đầu tư chủ động khác chuyên rót vốn và các kỳ lân ở giai đoạn muộn, có thành tích tốt hơn nhiều.
Nếu có điều gì Son làm tốt thì đó là thiết kế báo cáo tài chính. Kể cả sau khi đã tung ra gói cứu trợ, núi nợ của WeWork bằng cách nào đó sẽ không xuất hiện trên bảng cân đối kế toán của SoftBank, với lập luận rằng dù nắm 80% cổ phần nhưng SoftBank không nắm đa số quyền biểu tuyết. Một ví dụ khác là những thống kê về các khoản đầu tư. Nếu SoftBank mua cổ phần ở 1 startup và sau đó đổ thêm tiền vào đây với mức định giá cao hơn, tập đoàn ghi nhận đó là lãi. Trong quý II, SoftBank đã ghi nhận khoản lãi chưa thực hiện lên tới 3,8 tỷ USD, mà một phần đến từ nhiều vòng đầu tư vào Oyo.
Trong số 11,4 tỷ USD thặng dư vốn mà quỹ Vision ghi nhận, chỉ có 4 tỷ USD đã được thực hiện, và chỉ từ 2 thương vụ: bán công ty thương mại điện tử Flipkart ở Ấn Độ cho Walmart và những giao dịch đúng thời điểm ở Nvidia.
Bước vào thập kỷ tiếp theo, cuối cùng Son cũng sẽ phải lật bài. Có rất nhiều startup từ 10 tỷ USD trở lên đang được SoftBank ấp ủ, từ Bytedance đến Didi Chuxing. Khi những công ty này lên sàn, chúng ta sẽ nhanh chóng nhận ra Son thực sự là người có tầm nhìn vĩ đại hay chỉ là 1 nhà tư bản tầm thường “có quá nhiều tiền” và cũng mắc rất nhiều sai lầm.
Tham khảo Bloomberg
Theo Thu Hương