Với lối kiến trúc đặc biệt, “Trung Quốc đệ nhất kỳ thôn” khiến du khách cứ đi vào là lạc lối, không tìm được đường ra.
Ở Trung Quốc, có một ngôi làng rất đặc biệt tên là làng Bát Quái Gia Cát. Không chỉ nổi tiếng là nơi định cư của hậu duệ đời thứ 27 của Gia Cát Lượng, ngôi làng này còn được biết đến với câu chuyện khách du lịch thường không dám tự đi vào một mình mà luôn cần người hướng dẫn. Vậy bí mật của ngôi làng này là gì?
“Trung Quốc đệ nhất kỳ thôn”
Vào cuối đời Tống đầu nhà Nguyên (khoảng năm 1340), hậu duệ của Gia Cát Lượng là Gia Cát Đại Sư đã xây dựng làng Bát Quái Gia Cát ở phía tây thành phố Lan Khê, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Theo sử sách, ngôi làng này trước đây có tên là Cao Long, rộng 2,3km2. Vì là nơi định cư của 1/4 hậu duệ của Gia Cát Lượng nên cấu trúc tổng thể của làng cũng được thiết kế và bài trí theo “Bát trạch” của Khổng Minh.
Theo đó, người ta lấy ao Chung Trì làm trung tâm, tám con ngõ nhỏ hướng về tám hướng tạo thành bát quái. Những con ngõ trong làng có nhiều khúc quanh, thoạt nhìn như bức tranh 3D tinh tế và bí ẩn.
Địa hình của làng Gia Cát khá giống lòng chảo, ở giữa thấp và bằng phẳng, xung quanh cao dần lên. Nước chảy từ mọi hướng và tụ lại ở khu vực trung tâm ngôi làng, tạo thành một cái ao gọi là ao Chung Trì. Ao này không lớn, có hình dáng giống Thái cực trong Cửu Cung và Bát quái đồ. Một nửa là nước, nửa còn lại là đất, thể hiện tính bù trừ hòa hợp. Đây được coi là nơi khởi đầu cho Bát trận đồ, đồng thời cũng là điểm đặc biệt của Gia Cát Bát Quái.
Dù đã trăm năm trôi qua, thiên hạ thịnh suy, nhà cửa ngày càng nhiều nhưng bố cục tổng thể của Cửu cung và Bát đồ của làng Gia Cát vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, không thay đổi. Trong làng cũng có nhiều ngõ hẹp nối nhau theo chiều ngang, trong ngõ có hàng nghìn hộ dân, nhiều ngôi nhà cổ kính nằm rải rác giữa các ngõ ngách. Các con hẻm gần ao trung tâm lúc đầu tương đối thẳng, sau đó dần gấp khúc và mở rộng ra bên ngoài.
Chính vì cấu trúc như một mê cung quanh co, phức tạp nên người ngoài thường truyền tai nhau rằng làng Gia Cát dễ vào khó ra, người không quen thuộc bị lạc đường là chuyện khó tránh. Ngoài ra, những bức tường cao được xây chặn tầm mắt nên người lạ không thể phán đoán phương hướng. Càng đi, họ sẽ dễ bị lạc vì không biết đâu là lối ra, đâu là ngõ cụt.
Bên cạnh mục đích chống trộm, kiểu thiết kế của thôn Gia Cát còn giúp nơi này không bị ngập úng . Theo đó, trong thôn có một đường cống ngầm thoát nước nằm ở vị trí ít người để ý ngay ở chân núi. Cống ngầm lát bằng đá vôi, sau nhiều năm hình thành một con sông ngầm. Vì vậy nên suốt 600 năm qua, dù thường xuyên đón nhiều trận mưa bão lớn nhưng làng Gia Cát vẫn luôn khô ráo.
Là điểm du lịch kỳ thú ở đất nước tỷ dân
Làng Gia Cát là nơi tụ họp lớn nhất của con cháu Gia Cát Lượng, phần lớn các hộ trong thôn đều mang họ Gia Cát. Toàn bộ ngôi làng là một di tích văn hóa sống khổng lồ, một hình mẫu của sự bảo tồn hoàn chỉnh các kiến trúc cổ của Trung Quốc. Khi đến ngôi làng kỳ lạ này, bạn sẽ dễ dàng tìm ra được một ngôi nhà có tuổi đời hơn trăm năm.
Cảnh quan của làng đa dạng và mỹ lệ, bao gồm hàng dãy nhà cổ kính và một trung tâm thương mại cổ kính được xây dựng xung quanh một cái ao. Có hơn 200 ngôi nhà và các kiến trúc cổ được bảo tồn rất tốt trong các triều đại nhà Minh và nhà Thanh, bao gồm 18 hội trường lớn nhỏ, bốn ngôi đền và ba mái vòm bằng đá
Ngoài ra, giống với bố cục lòng chảo của thôn, người dân ở Gia Cát trấn chủ yếu áp dụng phương thức tứ hợp viện để xây dựng nhà cửa, tức là bốn mặt nhà đóng kín, chỉ để ở giữa một khoảng sân lớn. Mặt trước của ngôi nhà thường cao hơn các mặt khác, mỗi khi trời mưa nước tập trung hết ở khoảng sân giữa. Người làng Bát Quái gọi đây là “phì thủy bất ngoại lưu” (dòng nước trong lành, tươi tốt không chảy ra ngoài), sẽ mang đến may mắn và thịnh vượng cho gia đình.
Trước khi qua đời, Gia Cát Đại Sư có để lại di huấn không được thay đổi hiện trạng của làng. Bởi vậy, nhiều ngôi nhà ở đây còn giữ lối khiến trúc thời nhà Minh, Thanh. Đặc biệt, trải qua 600 năm lịch sử, làng Gia Cát hiện vẫn còn đền thờ Gia Cát Lượng, thu hút khách tới tham quan.
Cuộc sống ở làng cổ Bát Quái Gia Cát vô cùng thanh bình, không khí trong lành và cảnh quan xanh mát. Đây chính là không gian lý tưởng để du khách nghỉ dưỡng sau những ngày làm việc căng thẳng. Đã có rất nhiều khách du lịch nước ngoài tìm đến đây để được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên và tự trải nghiệm cấu trúc độc đáo của ngôi làng.
(Theo Sohu)-Ánh Lê–Đời sống Pháp luật