Về mặt lý thuyết, mỗi người trong toàn bộ dân số thế giới sẽ được chia tới gần 93 tỷ USD. Nhưng sự thực dù có khai thác được hết số vàng trên hành tinh đó thì chúng ta… “nghèo vẫn hoàn nghèo”.
Thế giới đang chấn động trước thông tin về 16 Psyche, tên một tiểu hành tinh mới được NASA phát hiện, có trữ lượng vàng và kim loại hiếm khổng lồ với trị giá ước tính lên đến 700 tỷ tỷ USD (một số nguồn khác ước tính là 10.000 triệu tỷ USD). Con số này lớn đến mức nếu chia theo đầu người của toàn bộ dân số trên Trái Đất, mỗi người sẽ có tới 93 tỷ USD!
Điều này đồng nghĩa với việc sau 1 đêm, tài sản của mỗi chúng ta sẽ còn lớn hơn cả tỷ phú Jeff Bezos, người giàu nhất thế giới ở thời điểm hiện tại. Thế nhưng, Bloomberg, tờ báo về kinh doanh và tài chính hàng đầu của Mỹ, đã dập tắt những ảo tưởng trên bằng một bài phân tích cho rằng vàng không phải thứ duy nhất quyết định sự giàu có.
Bài phân tích mở đầu bằng việc dự đoán trong tương lai, kiểu gì số lượng vàng và kim loại có trên 16 Psyche cũng sẽ được khai thác. Nhưng một khi được đem vào thị trường, chúng sẽ không còn giá trị ban đầu của mình nữa. Bất kỳ sinh viên ngành kinh tế nào cũng đều biết rằng giá cả sẽ biến đổi tùy theo mức độ khan hiếm của hàng hóa, nếu số kim loại trên ồ ạt xâm nhập vào thị trường thế giới, giá trị của chúng sẽ giảm vì không còn được coi là kim loại hiếm như trước nữa. Nguồn cung tăng đồng nghĩa với giá trị sẽ giảm.
Bên cạnh đó, một lý do căn bản khác là sự giàu có giờ đây không còn tỉ lệ thuận với trọng lượng của 1 khối kim loại như trước, mà nó đến từ khả năng tạo ra những thứ thỏa mãn nguyện vọng của con người. Một nhà máy sản xuất xe hơi, một cái nhà để ở, khối kiến thức trong đầu mỗi chúng ta, hay thậm chí chỉ một miếng bánh sandwich… cũng đều được coi là thước đo của giàu sang, dù chúng không được tính toán bằng những số liệu cụ thể.
Để dẫn chứng, Bloomberg đã lấy ví dụ về giai đoạn những năm 1500, thời điểm một trữ lượng rất lớn vàng và bạc đã được khai thác bởi Tây Ban Nha. Rốt cuộc, phần lớn số vàng bạc trên chỉ được dành để giải quyết những chi tiêu của chính quyền (chủ yếu cho các cuộc chiến tranh) và chẳng thể làm giàu cho toàn bộ người dân của nước này. Do vàng bạc thời đó được sử dụng như tiền bây giờ, sự xuống giá của chúng cũng là sự mất giá của đồng tiền, nói cách khác là lạm phát.
Vàng ngày nay không còn được sử dụng như tiền, và giá trị đồng tiền ngày nay cũng không còn được gắn với giá trị của vàng hay bất kỳ kim loại nào khác. Vì thế, sự xuất hiện của một thiên thạch vàng khổng lồ không những không đẩy giá tiêu dùng lên cao, mà còn khiến giá trị vàng tuột xuống đến mức hầu như bằng 0.
Sự giàu có thực thụ không phải đến từ trữ lượng vàng lớn hay nhỏ, mà nó đến từ các hoạt động sản xuất của con người nhằm tạo ra những thứ phù hợp với nhu cầu của nhân loại. Nếu bạn muốn làm giàu, đừng nghĩ đến việc chiếm hữu càng nhiều tài nguyên hiếm càng tốt. Thay vào đó, hãy vận dụng chúng một cách hiệu quả nhất để làm ra những thứ mà nhiều người thật sự mong muốn.
Trước đó theo Reuter, nếu bất cứ thứ gì có thể khởi động cuộc đua khai thác kim loại trong vũ trụ, thì đó sẽ là tiểu hành tinh này – Psyche 16, nằm giữa Sao Hỏa và Sao Mộc và mang theo đủ lượng vàng để “biếu” cho mỗi người trên Trái đất một nghìn tỷ đô la.
Số lượng lớn vàng, sắt và niken chứa trong tiểu hành tinh này đang gây kinh ngạc cho giới khoa học. Tiểu hành tinh này vừa được tìm ra. Bây giờ, yêu cầu đặt ra là cần tiếp cận với nó.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã có kế hoạch làm điều đó, bắt đầu vào năm 2022.
Trung Quốc đã tuyên bố sẽ bắt đầu cuộc đua này, và đây sẽ là một cuộc đua dễ dàng hơn cho quốc gia này, nơi kiểm soát hầu hết các nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn và duy trì một mối liên hệ chặt chẽ đối với các nhà phát triển công nghệ.
Cũng không thể nói rằng Hoa Kỳ không có tham vọng ở đây. Sự khác biệt, chắc chắn, là rõ ràng. Trong khi NASA tập trung vào các nhiệm vụ khoa học và thám hiểm không gian, Trung Quốc tập trung vào một nền kinh tế dựa trên khai thác nguồn lực không gian, hướng đến việc tạo ra của cải lâu dài.
Nhưng có một thực tế, của hiếm thì quý, vàng nhiều đến bão hoà thì giá trị cũng chỉ như cục đá. Và có ngồi trên núi vàng thì cũng không thể mài ra mà ăn, chúng ta vẫn cần trao đổi lấy lương thực, cần những hoạt động tinh thần nên vàng không thể làm thước đo duy nhất cho sự giàu có. Việt Nam cũng có truyện cổ tích Cây Khế, chỉ vì tham lam mà người anh đã chôn vùi nơi đáy biển cùng với số vàng nhiều hơn trọng lượng cho phép.
ĐKN