Trung Quốc chỉ trích truyền thông Úc cố ý chuyển tải sai cảnh báo của Bắc Kinh về rủi ro từ phát triển công nghệ sinh học và làm nóng thuyết âm mưu về nguồn gốc Covid-19.
Báo The Australian (Úc) ngày 27/6 đưa tin Trung Quốc từng đệ trình các tài liệu lên Công ước về Vũ khí Sinh học (BWC) của Liên hợp quốc vào các năm 2011 và 2016.
Tờ báo Úc nói các tài liệu đề cập virus nhân tạo, vũ khí hóa một số loại virus đặc biệt và thừa nhận rằng những virus tạo ra trong phòng thí nghiệm có thể là mối đe dọa to lớn cho con người nếu không được xử lý đúng.
Trung Quốc xác nhận có báo cáo gửi Liên hợp quốc
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên, ngày 6/7 lý giải báo cáo mà The Australian đề cập được chính phủ Trung Quốc đệ trình có nội dung về phát triển công nghệ sinh học.
Ông Triệu nói việc đánh giá phát triển khoa học và công nghệ sinh học là một vấn đề then chốt trong khuôn khổ của BWC và việc Bắc Kinh nộp tài liệu là nằm trong yêu cầu của hội thảo đánh giá.
Theo ông này, trong tài liệu gửi LHQ, Trung Quốc “đưa ra báo cáo khách quan về sự phát triển của công nghệ sinh học trên thế giới, phân tích tác động của nó đối với BWC và nêu các đề xuất từ quan điểm củng cố cơ chế của BWC, điều này thể hiện đầy đủ cam kết của Trung Quốc đối với việc thực hiện BWC.”
Ông Triệu Lập Kiên chỉ trích báo The Australian đã đưa những cảnh báo về vũ khí hóa virus nhân tạo trong phòng thí nghiệm “ra khỏi ngữ cảnh với những động cơ ẩu giấu đằng sau”.
Ông Triệu khẳng định, báo cáo của Trung Quốc giới thiệu sự phát triển công nghệ sinh học toàn cầu, mà nhiều nghiên cứu trong đó được thực hiện tại Mỹ – bao gồm tổng hợp nhân tạo của các mầm bệnh do những nhà khoa học Mỹ tiến hành.
Ông lưu ý rằng Mỹ là nhà cung cấp và tài trợ lớn nhất thế giới cho những nghiên cứu như thế, và Đại học North Carolina đã được đề cập trực tiếp trong báo cáo.
Bắc Kinh chỉ trích báo Úc xuyên tạc báo cáo
Báo cáo của Trung Quốc chỉ ra rằng có nhiều mối rủi ro mà sự phát triển công nghệ sinh học mang tới, bao gồm rủi ro rò rỉ từ phòng thí nghiệm – vốn là quan điểm phổ biến trong cộng đồng quốc tế.
“Tuy nhiên, báo The Australian có ý đồ xuyên tạc các thông điệp và làm nóng thuyết âm mưu về nguồn gốc dịch Covid-19. Điều này hết sức nực cười,” ông Triệu Lập Kiên nói, nhấn mạnh việc truy tìm nguồn gốc virus corona SARS-Cov-2 là một vấn đề khoa học nghiêm túc.
Báo cáo nghiên cứu chung của Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố hồi tháng 3 kết luận rằng giả thuyết virus corona rò rỉ từ phòng thí nghiệm là hầu như không có khả năng, đồng thời nghiêng về giả thuyết virus có nguồn gốc từ tự nhiên và lây nhiễm từ động vật sang người.
Dù vậy, giả thuyết virus rò rỉ một lần nữa bùng lên vào cuối tháng 5, khi chính Tổng thống Mỹ Joe Biden – người trước đó không ủng hộ giả thuyết này – yêu cầu cộng đồng tình báo Mỹ điều tra triệt để về nguồn gốc dịch bệnh và báo cáo trong vòng 90 ngày.
Động thái của Mỹ vấp phải phản ứng gay gắt từ Bắc Kinh. Ông Triệu Lập Kiên ngày 6/7 một lần nữa thúc giục Mỹ “có trách nhiệm và nghiêm túc phản hồi các mối quan tâm của cộng đồng quốc tế, làm rõ các hoạt động tại Fort Detrick và các phòng thí nghiệm trong và ngoài nước, và mở cửa các cơ sở để xác minh.”
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị