Trong Y học cổ truyền, rau sam có vị chua, tính hàn, không có độc, có kháng sinh tự nhiên, có khả năng giải độc, tiêu thũng.
Trong vườn nhà, có một thứ rau thường mọc dại như cỏ, sức sống mãnh liệt vô cùng, đó chính là rau sam. Mọc hoang và có ngoại hình giản dị, nhưng rau sam chính là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền, có thể dùng để điều trị nhiều bệnh thông thường và cả bệnh mạn tính.
Y học cổ truyền Trung Quốc xem cây rau này là “vị thuốc trường thọ” và được sử dụng để chữa nhiều bệnh. Ở các nước Châu Âu, rau sam cũng rất được yêu thích. Họ coi đây là loại rau chữa bệnh.
Khi ăn rau sam, người ta tìm thấy vị thanh dịu, chua nhẹ vô cùng đặc biệt. Tuy nhiên, điều đáng trân quý nhất của rau sam chính là nguồn dinh dưỡng dồi dào.
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), rau sam còn có tên gọi khác là mã xỉ hiện, mã xỉ thái. Trong Y học cổ truyền, rau sam có vị chua, tính hàn, không có độc, có kháng sinh tự nhiên, có khả năng giải độc, tiêu thũng.
Đặc biệt, lợi ích của rau sam được y học cổ truyền phân tích như sau:
– Rau sam có vị chua, vì vậy kích thích tiêu hóa hoạt động.
– Rau sam có khả năng thanh nhiệt, trị nóng do có tính hàn.
– Rau sam có kháng sinh tự nhiên nên có khả năng sát trùng, chữa trị mẩn ngứa ngoài da…
– Rau sam có khả năng tiêu thũng nên có tác dụng điều trị các chứng mụn nhọt mẩn ngứa sưng đau ngoài da…
Các nghiên cứu thực hiện bởi Viện Đại học Wollongong (Úc) cho hay rau sam rất giàu chất dinh dưỡng, các acid béo không no và chất chống oxy hóa, chống lão hóa, có tác dụng rất tốt cho làn da của chị em.
Một số bài thuốc từ rau sam
1. Trị trướng bụng
Chuẩn bị 300g rau sam, rửa sạch, chia làm 2 lần, mỗi lần 150g, thái nhỏ, nấu lẫn với nước vo gạo nếp lần 2 tạo thành một thứ canh hơi sệt, ăn trong ngày.
Loại canh này có tác dụng kích thích vận động của đường ruột, lưu chuyển tiêu hóa, tình trạng trướng bụng, phù thũng sẽ được giảm.
2. Chữa xích bạch đới (khí hư ra nhiều)
Chuẩn bị rau sam 100g, lòng trắng trứng gà 2 quả. Rau sam giã nát vắt lấy nước, thêm lòng trắng trứng vào; hấp chín. Ăn trong ngày, dùng liền 3 – 5 ngày.
3. Chữa tiểu buốt, tiểu ra máu
Nước ép rau sam: rau sam 100g rửa sạch để ráo, giã nát, thêm nước sôi để nguội vắt lấy 100ml, thêm ít đường trắng khuấy đều. Ngày làm 3 lần. Dùng tốt người bị viêm đường tiết niệu, mụn nhọt, lở ngứa.
4. Trị giun sán
Bạn có thể uống nước ép rau sam vào buổi tối trước khi đi ngủ hoặc uống vào buổi sáng, lúc chưa ăn gì, sau 4 giờ mới được ăn nhẹ. Uống liền trong 3 – 4 ngày bạn sẽ thấy bụng êm, giun có thể ra ngoài theo phân.
2 điều cấm kỵ khi ăn rau sam hoặc dùng rau sam làm thuốc
1. Lạm dụng rau sam để chữa bệnh
Rau sam là một loại rau mọc dại, ngoại hình của chúng rất dễ nhầm lẫn với nhiều loại rau dại khác. Vì vậy trước khi sử dụng rau sam để chữa bệnh theo Đông y nên có sự tư vấn của lương y, bác sĩ để phân biệt đúng loại rau, đồng thời được kê liều lượng sử dụng phù hợp, nếu không có thể gây ra biến chứng.
Đặc biệt, có nhiều lời đồn thổi rằng rau sam có tác dụng chữa bệnh ung thư. Tuy nhiên lương y Bùi Hồng Minh nhấn mạnh loại rau này chỉ có tác dụng hỗ trợ một phần nào đó chứ không thể coi là thần dược chữa ung thư. Do đó, bệnh nhân không nên lạm dụng, tin vào khả năng thần kỳ của các bài thuốc truyền miệng mà từ chối cơ hội được điều trị theo phương pháp khoa học.
Nếu thuộc nhóm người phải dùng thuốc bắc, bạn không nên ăn rau sam vì có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh.
2. Bà bầu không nên ăn rau sam
Rau sam tính hàn, giải độc, trừ giun sán nên gây kích thích mạnh đến tử cung. Khi ăn, tử cung co bóp dễ dẫn đến sảy thai, sinh non và nguy hiểm cho sức khỏe của phụ nữ mang thai. Đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ bà bầu không nên ăn.
Bên cạnh đó, những người bị tiêu chảy do lạnh bụng cũng không nên ăn rau sam bởi loại rau này có tính lạnh, nếu ăn nhiều sẽ làm tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo Phụ nữ Việt Nam