Và không chỉ hỗ trợ tài chính, ngân hàng mà còn tham gia hỗ quản lý tài chính,hỗ trợ khâu xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp…
Việt Nam là quốc gia có làn sóng startup phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên song hành cùng làn sóng ấy là những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư, đặc biệt từ các tổ chức tín dụng. Theo thống kê, tính đến ngày 30/6/2019, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động toàn quốc đạt 734.000 đơn vị, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, có đến 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ lại không tiếp cận được nguồn vốn, ghi nhận bởi VCCI.
Nguyên nhân hầu hết xuất phát từ niềm tin cũng như e ngại rủi ro từ tổ chức tài chính, đặc biệt với các dự án startup khi bài toán kinh doanh của đa số doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thiện.
Tất nhiên bên cạnh đó vẫn có những đơn vị nhận được vốn đầu tư ngay từ thời đầu thành lập, tức khi mọi thứ từ mô hình kinh doanh, tài chính đến quản trị đều ở mức sơ khai. Điều này giải thích niềm tin giữa bên rót vốn với tổ chức không chỉ dừng lại ở các chỉ số hoạt động – điều ai cũng hiểu với startup sẽ khó để rõ ràng – mà còn bởi định hướng, tiềm năng của lĩnh vực kinh doanh cũng như sự sát sao trong hợp tác hai phía.
Startup trái cây cô đặc và sấy dẻo được rót vốn ngay từ đầu
Đơn cử, doanh nghiệp chỉ mới hoạt động đã nhận được vốn đầu tư từ một ngân hàng nhà nước (Vietcombank), thậm chí tỷ lệ tài trợ đang ngày càng gia tăng đi cùng với sự tăng trưởng của doanh thu.
Trả lời thắc mắc về lý do kêu gọi được vốn tín dụng, ông Phạm Tiến Hoài – Chủ Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh – cho biết mấu chốt để có được “deal ngân hàng” là kinh nghiệm, dù Công ty mới hoạt động chưa đến 4 năm nhưng kinh nghiệm bản thân ông đã được 10 năm trong lĩnh vực chế biến nước trái cây cô đặc và sản phẩm sấy dẻo xuất khẩu.
Đặc biệt, “cái lớn theo tôi do Thủ tướng đang chú trọng phát triển ngành trái cây. Chưa kể, với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long thì trái cây có một lợi thế về khí hậu, địa hình vô cùng lớn”, ông Hoài nói.
Mặc dù vậy, thời điểm mới bắt đầu mọi thứ của Tiến Thịnh gần như chưa đâu vào đâu, tương tự nhiều startup hiện nay khi chiến lược kinh doanh, bài toán tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị… đều ở mức thấp. Điều này dẫn đến một rủi ro rất lớn cho phía nhà đầu tư, đặc biệt là ngân hàng nhà nước với biên chấp nhận rủi ro được thắt chặt, lượng vốn nhận lúc bấy giờ dưới mức 50%.
Điều đáng ghi nhận của doanh nghiệp có lẽ là sự chân chất và hết mình của người đứng đầu, “làm nhiều hơn nói” và khi tiếp xúc với ngân hàng thì chia sẻ tất cả những gì mình có, mình nghĩ.
Kết quả, hiện Công ty đang nhận được khoản vay lên đến 100 tỷ đồng, bao gồm 50 tỷ cho trung hạn và 50 tỷ vốn lưu động. Theo ông Hoài, hoạt động Tiến Thịnh đang rất tốt với mức tăng trưởng doanh thu hàng năm lên đến 100%, dẫn đến dòng vốn ngân hàng cũng sẽ tăng dần theo nhu cầu mở rộng trong tương lai dù vẫn còn nhiều điều cần cải thiện. Trong đó, ngân hàng không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn tham gia hỗ quản lý tài chính, khâu xuất nhập khẩu…
Tăng trưởng doanh thu gần 100%/năm, năm 2019 dự kiến đạt 10 triệu USD
Công ty Tiến Thịnh có nhà máy được đặt tại tỉnh Hậu Giang với diện tích 20.000 m2. Nhà máy được xây dựng và lắp đặt hệ thống máy móc hoàn toàn tự động đến từ Châu Âu với công suất lên đến 10.000 tấn/năm, năm 2019 Công ty đã xuất khẩu được 8.000 tấn thành phẩm.
Từ nguồn nguyên liệu trái cây nhiệt đới như Tắc, Chanh không hạt, Chanh dây, Khóm, Chuối, Xoài, Đu đủ, Sơ ri, Mãng cầu gai, Nha đam được trồng hiện tại ở địa phương và khu vực ĐBSCL. Công ty hiện sản xuất hai thành phẩm chính là nước trái cây cô đặc và trái cây sấy dẻo và xuất khẩu 100%.
“Mỗi thị trường chuộng mỗi loại, như khách hàng Mỹ thiên về mãng cầu, chanh dây… thị trường châu Á thích sản phẩm tắc, mãng cầu…”, ông Hoài chia sẻ thêm.
Trong đó, so với các đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc… thì lợi thế lớn nhất theo ông Hoài là vùng nguyên liệu tại khu vực. Hiện công ty đang mua đầu vào thông qua hình thức bao tiêu hợp tác xã hoặc mua từ đại lý, hộ gia đình; riêng với mãng cầu, Công ty đã hoàn toàn bao tiêu với 200 hợp tác xã.
Chưa kể, với những hiệp định tự do thương mại thời gian gần đây, thuế được giảm thiểu cũng là điều vui mừng với Tiến Thịnh so với những đối thủ không thuộc diện ưu đãi như Thái Lan, Trung Quốc…
Mặc dù chưa có ý định làm tại thị trường nội địa, tuy nhiên ông Hoài chia sẻ Công ty đang phát triển 18 sản phẩm sấy năm nay – có thể sẽ được tiêu thụ tại Việt Nam. Về doanh thu, năm 2017 Công ty đạt 3,5 triệu USD (tương đương 81 tỷ đồng), năm 2018 con số tăng gấp đôi lên 6 triệu USD (140 tỷ đồng); con số dự kiến cho năm nay vào mức 10 triệu USD (tức hoqn 231 tỷ đồng).
Khó khăn vùng nguyên liệu và khủng hoảng thừa – thiếu cung
Mặc dù tăng trưởng khá ấn tượng so với số năm hoạt động, Tiến Thịnh vẫn đang đau đáu nỗi lo chung của toàn thị trường trái cây. Hiện, Tiến Thịnh sản xuất thành phẩm theo mùa, nhưng cũng phải có kho lạnh và thời gian trữ lạnh thông thường được 2 năm.
“Trái cây một năm chỉ có một mùa nên muốn làm mạnh phải có vốn để phát triển tổng thể. Chưa kể những mùa cao điểm thì giá thu mua cao Công ty cũng phải mua để đảm bảo được đơn hàng. Ngược lại, có lúc thanh long đến mùa thường nông dân quá tải công suất nêndoanh nghiệp phải ráng làm”, ông Hoài phân trần.
Mặt khác, với mục tiêu ban đầu là xuất khẩu, dẫn đến cái việc đầu tư ban đầu khá áp lực, song song với việc đầu tư phần mềm, quy trình cũng như đạt được các chứng chỉ tiêu chuẩn chất lượng. Ngoài ra, tìm kiếm khách hàng cũng là vấn đề quan tâm, hàng năm công ty đều tham gia các hội chợ tại nhiều quốc gia như Nga, Đức, Pháp…
Bảo An – Theo Nhịp Sống Việt