TTO – Great Barrier Reef, rạn san hô được UNESCO công nhận là di sản thế giới, đã bị “tẩy trắng” trên diện rộng kể từ đầu thế kỷ 21 đến nay. Số lượng san hô mới được tạo ra đã giảm tới 89% trước tác động của biến đổi khí hậu.
“San hô chết không sinh sản tiếp”, ông Terry Hughe, người đứng đầu nghiên cứu san hô được công bố trên tạp chí Nature ngày 3-4, thừa nhận.
Với chiều dài lên tới 2.300km, Great Barrier Reef được công nhận là rạn san hô lớn nhất thế giới, đem về cho nước Úc mỗi năm khoảng 3,5 tỉ AUD.
Sự thay đổi khí hậu đã khiến nhiệt độ tăng cao ở nhiều phần của quần thể san hô, gây cản trở nghiêm trọng khả năng tự phục hồi của nó và làm tăng nguy cơ sụp đổ sinh thái trên diện rộng.
Các rạn san hô không chỉ tạo ra những kỳ quan dưới nước mà còn cung cấp môi trường sống cho hàng ngàn sinh vật khác.
Trong vòng hai thập kỷ qua, Great Barrier Reef đã trải qua 4 đợt “tẩy trắng” ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng san hô, đặc biệt là các đợt tẩy trắng trong hai năm 2016 và 2017 đã phá hủy một nửa lượng san hô tại đây.
Acropora, loài san hô chiếm số lượng đông đảo nhất tại khu vực, đã giảm tới 93% số lượng sau đợt “tẩy trắng” năm 2016, 2017.
“Tẩy trắng” là hiện tượng mà các đợt sóng nhiệt đã khiến các loài tảo cộng sinh sống trong tế bào và cung cấp dinh dưỡng cho san hô bị cuốn đi khiến san hô bị phá hủy.