Bạn mơ ước một cuộc sống giàu sang, có nhà đẹp, xe to, được đi du lịch khắp nơi trên thế giới? Mục tiêu ấy không hề xa vời, nếu bạn lập kế hoạch chỉn chu cho mình.
Sau 7 năm làm nghề copywriting và tư vấn thương hiệu, tôi đã mài giũa được đáng kể kỹ năng và xây dựng mạng lưới quan hệ rộng với nhiều khách hàng tên tuổi. Do đó, tôi quyết định nghỉ việc để theo đuổi tự do tài chính.
Từ một người sống nhờ đồng lương hàng tháng, tôi đã kiếm đủ tiền để thuê cố vấn tài chính đầu tiên trong đời, nhằm quản lý các khoản tiết kiệm và đầu tư. Dưới đây là 12 điều bạn cần ghi nhớ nếu muốn đi theo con đường của tôi.
1. Từ bỏ việc làm thuê
Sau 5 năm làm việc tại một trong những agency quảng cáo lớn và tốt nhất thế giới, tôi quyết định từ chức để khởi nghiệp. Thời điểm đó là 2 tuần trước đại dịch, và tiền tiết kiệm của tôi chỉ đủ dùng trong 2 tháng.
Công việc không có gì khó khăn, nhưng khiến tôi cảm thấy chán nản, như thể đang đi vào ngõ cụt. Tôi có thể làm việc cho một công ty ít nổi tiếng hơn với mức lương cao hơn, nhưng tôi không quá mặn mà với tiền.
Khi chán nản, mọi người sẽ đi làm tóc để làm mới tinh thần. Tôi cũng vậy, chỉ khác là thay đổi công việc.
2. Làm một mình thay vì hợp tác
Tôi từng mở công ty cùng đối tác, nhưng rồi rút lui chỉ sau 1 năm. Tôi nhận ra rằng kinh doanh một mình sẽ tự do hơn, cũng như không ảnh hưởng đến đối tác. Đây là quyết định sáng suốt nhất mà tôi từng đưa ra.
3. Học hỏi mọi lúc mọi nơi
Những thứ tôi học được trong 1 năm khởi nghiệp còn nhiều hơn 5 năm làm công ăn lương trước đó. Quan trọng hơn, tôi rèn thêm cho bản thân tính kỷ luật – điều buộc phải có khi tự kinh doanh.
Từ một copywriter, tôi phải kiêm nhiệm thêm nhiều vai trò khác nhau: nhà hoạch định chiến lược thương hiệu, giám đốc điều hành, nhà sản xuất, quản lý mạng xã hội, nhân viên thiết kế, nhân viên bán hàng,… Nhờ đó, tôi học hỏi được không ít kiến thức, nâng tầm năng lực của bản thân để cạnh tranh với hàng trăm nghìn copywriter khác trong ngành.
Bạn nên học thêm những kỹ năng bổ trợ cho công việc, hoặc những kỹ năng tưởng chừng không liên quan gì nhưng khi kết hợp với chuyên môn của bạn lại tạo ra giá trị cao.
4. Hiểu rõ giá trị bản thân
Nhiều người cho rằng giá trị bản thân được quyết định bởi tiền lương họ kiếm được. Thế nhưng, khi không còn phải đi làm thuê nữa, bạn sẽ hiểu mình có giá trị đến thế nào.
Tôi đã dành hàng tháng trời thực hiện chiến dịch quảng cáo, giúp nhãn hàng kiếm hàng triệu USD. Công ty tôi kiếm được hàng trăm nghìn USD và giữ chân khách hàng thành công. Còn tôi? Lương vẫn thế, cùng lắm chỉ tăng một chút.
Chỉ khi làm việc cho chính mình, bạn mới hiểu rõ giá trị của bản thân. Bạn tận mắt chứng kiến nỗ lực của bản thân tác động như thế nào đến kết quả và khách hàng. Nhờ đó, bạn trở nên tự tin hơn, phát triển cả về kỹ năng và giá trị. Nhiều cơ hội làm việc lương cao sẽ mở ra trước mắt bạn hơn.
5. Thay đổi tư duy về tiền bạc
Tôi từng ghét người giàu vì ghen tỵ. Tôi nghĩ rằng mình không thể kiếm được nhiều tiền như họ, và sẽ phải “cạp đất mà ăn” suốt phần đời còn lại.
Chỉ đến khi tôi thay đổi tư duy này, cuộc sống mới khá hơn. Tôi nhận ra rằng dù mọi chuyện thất bại, tôi vẫn có thể đứng lên làm lại bất cứ lúc nào. Nhờ vậy, tôi có thêm can đảm để đưa ra những quyết định mạo hiểm mà không phải sợ rằng mình sẽ trở nên nghèo túng
6. Học cách nói “không”
Điều tự do nhất khi làm thuê cho chính mình là bạn có thể thoải mái lựa chọn khách hàng. Bạn học được cách nói “không” với những dự án mà mình không hứng thú, hoặc không phù hợp với nguyên tắc của bản thân.
Không phải ai cũng đồng tình với quan điểm của bạn, nhưng họ vẫn sẽ tôn trọng bạn vì bạn có chính kiến riêng của mình. Nhờ học cách nói “không”, tôi có thêm thời gian dành cho những khách hàng phù hợp.
7. Không giữ kiến thức cho riêng mình
Tôi không ngại khuyên nhủ hay tư vấn cho các khách hàng tiềm năng, kể cả khi chúng tôi không làm việc với nhau sau đó. Bằng việc giúp đỡ mà không đòi hỏi nhận lại, tôi khiến họ cảm kích và biết ơn sâu sắc. Một nửa trong số đó sau này đã lựa chọn hợp tác với tôi lâu dài.
Dĩ nhiên, không phải lúc nào bạn cũng cho đi miễn phí như vậy. Thế nhưng, một chút hào phóng cũng chẳng tổn hại gì, mà còn đem thêm cho bạn vô số lợi ích trong tương lai.
8. Hợp tác với những người tuyệt vời
Tôi khởi nghiệp một mình, không có nghĩa là không hợp tác. Thay vì bị phân công theo ý công ty, tôi được tự do lựa chọn cộng sự thích hợp cho dự án của mình, hoặc quyết định xem mình sẽ tham gia dự án nào của người khác. Nhờ đó, tôi làm quen thêm được với rất nhiều đối tác và khách hàng tuyệt vời.
Nếu có ý định nghỉ việc để khởi nghiệp một mình, bạn nên báo cho cả cộng sự lẫn khách hàng cũ của mình. Họ có thể sẽ trở thành cộng sự và khách hàng mới của bạn sau này.
9. Tham gia khóa học cấp tốc về tài chính
Khi chưa có tiền trong tay, việc đọc các kiến thức về tài chính quả thực không hề dễ dàng. Bạn chẳng thể hiểu nổi các thuật ngữ như cổ phiếu, trái phiếu, quỹ chứng chỉ,…
Tuy nhiên, tôi nhận ra: nghèo không có nghĩa là được phép thiếu kiến thức. Chỉ khi tự trang bị đầy đủ kiến thức về tài chính, bạn mới có thể làm giàu hiệu quả.
Đầu tiên, tôi thuê một kế toán giỏi làm việc cho mình. Nhờ đó, tôi tiết kiệm được 4.000 bảng Anh/năm (120 triệu VNĐ).
Tiếp theo, tôi mở một tài khoản ngân hàng chỉ để đóng thuế. Thuế doanh nghiệp tại Anh là 20%, nên tôi trích 1/5 từ mỗi khoản thu nhập mình nhận được và gửi vào tài khoản đó.
Cuối cùng, tôi chọn ra 3-5 cuốn sách về tiền bạc để đọc. Mỗi lần đọc xong, tôi chỉ ước giá như mình biết những kiến thức có ích này từ sớm.
10. Kiềm chế trước cám dỗ
Trên mạng xã hội có vô số lời mời đầu tư nghe qua rất hấp dẫn, chẳng hạn như “kiếm tiền thụ động, thu nhập triệu USD”, “đăng ký khóa học ngắn hạn để làm giàu”…. Phần lớn đều là các chiêu trò lừa đảo, nhắm vào tâm lý muốn làm giàu nhanh của mọi người.
Lời khuyên của tôi là tin vào trực giác của bản thân. Nếu cảm thấy dự án nào có dấu hiệu lừa đảo, đừng tham gia.
11. Tăng giá tiền công
Từ lâu, tôi đã không còn tham khảo giá tiền công trung bình cho dịch vụ mình đang làm. Thay vào đó, tôi quyết định sẽ tăng giá tiền công sau mỗi 3 khách hàng, như một cách để thể hiện giá trị và chuyên môn của mình.
Khi tăng giá tiền công, bạn sẽ thấy mình có động lực để làm việc hiệu quả hơn, cũng như khiến khách hàng lắng nghe mình hơn.
12. Giữ nguyên chi tiêu dù kiếm được nhiều tiền hơn
Tài sản của bạn chính là những gì bạn không tiêu. Thu nhập tăng gấp 3 lần không có nghĩa là bạn cần chi tiêu gấp 3 lần.
Kể cả khi đã giàu có, tôi vẫn thuê chung nhà với bạn, ăn uống theo thói quen cũ, không mua sắm hàng hiệu. Tôi hạn chế mua cà phê bên ngoài, nhờ thế tiết kiệm được một khoản không nhỏ.
(Bài chia sẻ của Olga Pope – copywriter kiêm cố vấn thương hiệu, từng làm việc với nhiều doanh nhân, startup và doanh nghiệp trong danh sách Fortune 500.)
Theo Linh Hân–Theo Trí thức trẻ