Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc), ông Hồ Tích Tiến, viết trên Weibo ngày 23/7 rằng “Hồng Kông đã loạn, thẩm quyền của cảnh sát bị thách thức nghiêm trọng”.
Bắc Kinh có nên huy động quân đội trấn áp biểu tình Hồng Kông?
Căng thẳng tại đặc khu hành chính Hồng Kông đã leo thang đáng kể từ sau cuộc biểu tình quy mô lớn ngày 21/7, dẫn đến vụ việc một nhóm người biểu tình quá khích bao vây, tấn công và làm vấy bẩn quốc huy nước CHND Trung Hoa trước tòa nhà làm việc của Văn phòng liên lạc trung ương ở Hồng Kông.
Ông Hồ Tích Tiến bình luận, tình trạng hiện nay cho thấy việc thực thi chức trách của chính quyền đặc khu Hồng Kông đang gặp khó khăn nghiêm trọng, và đây là thời điểm mà mọi sự chú ý đều tập trung về ban lãnh đạo Bắc Kinh.
Đề cập một số quan điểm cho rằng Bắc Kinh cần có giải pháp cứng rắn như huy động Quân giải phóng nhân dân (PLA) – đồn trú tại Hồng Kông từ ngày 1/7/1997 – tham gia chống bạo động, tổng biên tập Hoàn Cầu cho biết đây là kịch bản mà ông không mong muốn xảy ra.
Ông phân tích, theo cơ chế “Một quốc gia, hai chế độ”, Hồng Kông đang thi hành chế độ chính trị không giống với Trung Quốc Đại lục. Chính phủ trung ương và xã hội trong nước còn thiếu một số nguồn lực thiết yếu cho phép quản trị trực tiếp xã hội Hồng Kông. “Một quốc gia, hai chế độ” là giải pháp tối ưu hiện nay để giảm thiểu những vấn đề phát sinh từ Hồng Kông.
“Một số người nói rằng nếu [Một quốc gia, hai chế độ] không được thì hãy thi hành ‘Một quốc gia, một chế độ’, nhưng đây sẽ là một cuộc cách mạng với xã hội Hồng Kông, với cái giá và rủi ro phải trả vượt xa rắc rối mà chúng ta đang vấp phải với chính sách ‘Một quốc gia, hai chế độ’,” ông Hồ Tích Tiến viết.
Theo ông này, ngay cả khi PLA đứng ra kiểm soát cục diện Hồng Kông và trấn áp làn sóng bạo động, thì chế độ Hồng Kông hiện nay còn khuyết thiếu cơ chế và lực lượng mang tính phối hợp đủ mạnh để bảo vệ được các thành quả “can thiệp” này.
Ngoài ra, do Bắc Kinh không thể cho phép thành lập đảng ủy tại từng địa phương ở Hồng Kông, lập cơ quan quản lý cơ sở, nên “phe phản đối cấp tiến có dư thừa không gian để làm xấu sự can thiệp của PLA”, trong khi “các nước phương Tây sẽ công kích tập thể”, mang lại những rủi ro lớn về vốn liếng chính trị cho Trung Quốc, cũng như nhân tố bất ổn nghiêm trọng cho diễn biến tình hình đặc khu.
Sự can thiệp của quân đội Trung Quốc mang lại lợi ích cho Hồng Kông về mặt trị an – Hồ Tích Tiến nhận xét, song dư luận đặc khu sẽ không chấp nhận điều này và lên án Bắc Kinh phá hoại chính sách “Một quốc gia, hai chế độ”.
Hồ Tích Tiến chỉ ra, lựa chọn tốt nhất đối với Bắc Kinh lúc này là ủng hộ chính quyền Hồng Kông bằng mọi phương án hỗ trợ khả thi.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 22/7 khẳng định, Bắc Kinh “kiên định ủng hộ chính quyền đặc khu [Hồng Kông] áp dụng tất cả biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh cho các cơ quan trung ương tại Hồng Kông, gìn giữ pháp trị, trừng trị phần tử phạm tội”.
Ba kịch bản cần Bắc Kinh mạnh tay can thiệp
Ông Hồ Tích Tiến nhận định, lực lượng cảnh sát Hồng Kông dường như đang mất tác dụng trước sức ép chính trị từ những người biểu tình bạo lực. Ông kêu gọi thực hiện các giải pháp cổ vũ tinh thần cho cảnh sát để chống lại những phần tử “côn đồ”.
Phóng viên báo Hoàn Cầu tại Hồng Kông ngày 21/7 quan sát cuộc bạo động ở Văn phòng liên lạc trung ương Trung Quốc bình luận, những hành động phá hoại của các nhóm quá khích được tiến hành có tổ chức, không phải là hành vi bột phát. Trong khi đó, phản ứng của cảnh sát Hồng Kông khi đối đầu với người biểu tình được ghi nhận là “hết sức kiềm chế”.
Theo tổng biên tập Hoàn Cầu, Bắc Kinh nên kiên nhẫn cho phép Hồng Kông tiếp tục hỗn loạn một thời gian cho đến khi cục diện đảo chiều, bởi chính sách “Một quốc gia, hai chế độ” cũng có tác dụng bảo vệ đối với Đại lục, và bạo loạn tại Hồng Kông sẽ không ảnh hưởng đến lãnh thổ Trung Quốc.
Hồ Tích Tiến cho rằng, chỉ có 3 kịch bản phát sinh buộc Trung Quốc Đại lục phải tính đến việc can thiệp mạnh tay vào Hồng Kông.
“Thứ nhất là Hồng Kông xuất hiện sự thanh lọc đối với lực lượng yêu nước khiến họ không thể tiếp tục sinh sống tại đây và chạy sang Đại lục, khiến Hồng Kông ‘ngả theo’ Mỹ, trở thành một đòn bẩy để Mỹ kiềm chế Trung Quốc.
Thứ hai là Hồng Kông xuất hiện khủng hoảng nhân đạo do biến động chính trị nghiêm trọng, như xung đột bạo lực giữa các phe nhóm, đẩy thành phố vào trạng thái vô chính phủ, dẫn đến cuộc sống của người dân gặp nguy khốn.
Thứ ba là kịch bản các phần tử cực đoan phát động bạo loạn vũ trang mà cảnh sát Hồng Kông không thể chống trả, để cho nhóm cực đoan khống chế các cơ quan đầu não của Hồng Kông, tiệm cận với việc thiết lập một chính quyền thực sự.”
Như thế, chỉ trong hoàn cảnh Hồng Kông phát sinh biến cố mang tính căn bản hoặc cực đoan thì Bắc Kinh mới có đủ cơ sở pháp lý để hành động. Luật cơ bản của Hồng Kông quy định, quân đội đồn trú tại đặc khu không can thiệp sự vụ của đặc khu, chỉ trong tình huống cực đoan và nhận đề nghị của chính quyền đặc khu thì mới xuống đường “gìn giữ trật tự”.
Ở một diễn biến khác, tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/7 nêu đánh giá tích cực về chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi Bắc Kinh cho phép các cuộc tuần hành tiếp diễn ở Hồng Kông.
“Tôi không có liên quan nhiều, nhưng tôi cho rằng chủ tịch Tập đã hành động trách nhiệm, hết sức có trách nhiệm,” ông Trump trả lời báo giới tại Nhà Trắng. “Họ đã biểu tình được một thời gian dài rồi.”
Không đề cập trực tiếp căng thẳng tại Hồng Kông ngày 21, nhưng ông Trump nói các cuộc biểu tình đang diễn ra là “tương đối phi bạo lực”, đồng thời kỳ vọng ông Tập sẽ “hành động đúng đắn”.
“Trung Quốc có thể ngăn chặn [các cuộc biểu tình] nếu họ muốn,” Trump nói.
theo Trí Thức Trẻ