“Vua dế” là tên gọi thân thương mà người dân xóm Chay (thôn Thanh Quýt 3, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) dành cho anh Nguyễn Văn Hưng. Người đầu tiên xây dựng mô hình nuôi dế thịt nơi vùng đồng bạt ngàn của quê hương.
Sang Thái học nuôi dế
Bôn ba mưu sinh bằng nhiều việc, nhưng anh Nguyễn Văn Hưng (46 tuổi) vẫn thấy cuộc sống còn lắm chật vật và khó khăn.
Năm 2005, trong một lần vào miền Nam làm nghề thợ xây, anh biết đến mô hình nuôi dế của một số hộ dân ở huyện Củ Chi (TP.HCM) và đem lòng say mê, tìm tòi học hỏi với ý định làm giàu từ loài dế ưa gáy ngày gáy đêm này.
Suốt 2 năm làm việc nơi đất khách, anh Hưng cố gắng tích lũy kinh nghiệm nuôi dế và tìm tòi nhiều kiến thức nuôi dế. Cứ nơi nào có mô hình nuôi dế giỏi, hiệu quả cao là anh lại tìm đến để tham quan, học hỏi, đúc rút cho mình nhiều bài học kinh nghiệm.
Đặc biệt, anh lặn lội sang tận Thái Lan để xem cách người dân ở đây chọn dế giống, lai tạ dế, và cách cho dế đẻ, nhân đàn dế.
Anh Nguyễn Văn Hưng nhớ lại nói: “Sau nhiều lần thất bại tôi đã nắm chắc kiến thức, kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi dế. Năm 2007, tôi quyết định đem con vật này về quê lập nghiệp. Nhưng vì chưa nắm bắt được khả năng sinh trưởng của dế tại miền khí hậu khắc nghiệt của miền Trung, nên tôi vấp phải nhiều khó khăn…”.
Đó là tình trạng đàn dế nuôi ở tỉnh Quảng Nam không sinh trưởng, trứng dế không nở và dế nuôi chết rất nhiều khiến anh Hưng thiệt hại hàng chục triệu đồng vào thời điểm đó.
Vì anh Hưng là người đầu tiên đem “nhân vật chính” trong “Dế Mèn phiêu lưu ký” về miền quê nghèo với ý định làm giàu, nên khiến bà con gần xa vừa tò mò vừa nể phục “lá gan lớn” của anh.
Ai cũng đều ủng hộ và động viên anh cố gắng phát triển mô hình nuôi dế. Chính vì thế, trại dế của anh Hưng sớm vượt qua những trở ngại về điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, môi trường ở miền Trung. Hiện nay, trại dế của anh có tổng diện tích hơn 3.000m2, chủ yếu lai tạo và nhân giống dế với số lượng lớn.
Đó cũng là lý do nhiều người gọi anh Nguyễn Văn Hưng với biệt danh “vua dế”.
Anh Hưng cho hay, giống dế tự nhiên khó nuôi nên phải lai tạo giống sao cho phù hợp với điều kiện khí hậu vùng miền.
Đối với vùng đất Quảng Nam, mùa khô thì nắng nóng 40 độ C, mùa mưa thì kéo dài và khá lạnh nên phù hợp phát triển giống dế Thái hoặc giống dế vàng. Hơn 10 năm nuôi dế, trang trại dế Ba Hưng đã lai tạo nhiều giống dế mới, thuận tiện cho mục đích chăn nuôi.
Lãi hơn 120 triệu đồng/năm
Theo anh Hưng, dế là loài động vật ăn tạp dễ nuôi, nhưng để đạt được sản lượng cao, chất lượng tốt và tỉ lệ hao hụt trong chăn nuôi thấp thì đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ một số yếu tố quan trọng.
Đó là, người nuôi phải tạo một môi trường sinh trưởng tự nhiên cho dế sinh sôi, nuôi trong phòng kín, thông thoáng vào mùa hè và giữ nhiệt vào mùa đông. Tùy vào độ tuổi của dế mà phân bổ mật độ sinh trưởng phù hợp, điều này giúp dế tăng trọng nhanh, không ăn thịt nhau, hạn chế mầm bệnh.
Anh Nguyễn Văn Hưng vừa cho dế ăn bột vừa nói: “Dế là loài ăn thực vật, nên tôi cho ăn rau cỏ là chủ yếu, bổ sung thêm bột cám gà xay nhỏ vừa đủ trong ngày để dế tăng trưởng nhanh. Khi cho dế ăn thì rửa sạch rau, để ráo và sau một ngày phải lấy thức ăn thừa ra khỏi chuồng. Bên cạnh đó, tôi bổ sung nước và “giải nóng” cho dế bằng cách phun sương một lượng nhỏ vừa phải, hoặc dùng thêm quạt hơi nước”.
Tại trại dế Ba Hưng, dế nuôi được 30 ngày sẽ xuất bán thương phẩm cho nhiều nhà hàng, quán ăn trên khắp các tỉnh thành.
Dế bố mẹ sau 45 ngày sẽ bắt đầu sinh sản trong khoảng 10-15 ngày và chết dần. Một tuần sau trứng nở và được nuôi trong thùng xốp có dán keo vàng ở miệng thùng, để dế không bò ra ngoài.
Hiện nay, dế thịt là mặt hàng có sức tiêu thụ rất mạnh và đang thiếu hụt nguồn cung. Trang trại của anh Hưng cung cấp giống và nhận bao tiêu dế của nhiều hộ mới tham gia sản xuất trong vùng (180.000 đồng/kg), cung cấp ra thị trường khoảng 25kg dế thương phẩm mỗi ngày, với giá 200.000 đồng/kg. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, anh thu lãi hơn 120 triệu đồng.
Theo anh Hưng, nuôi dế đem lại lợi nhuận kinh tế cao, chi phí thấp, lại không gây ô nhiễm môi trường. Năm 2014, tôi tận dụng nguồn thức ăn là những con dế bị thải, hoặc không đạt chất lượng để làm thức ăn nuôi rắn mối, số ít bán làm mồi cho chim ăn (140.000 đồng/kg).
“Rắn mối dễ nuôi, lại có giá thành cao đạt 400.000 đồng/kg, nhưng tôi chủ yếu nhân và bán giống để cung cấp cho thị trường với giá khoảng 15.000 đồng/con. Chính vì tiềm năng kinh tế từ mô hình nuôi dế và rắn mối cao, nên tôi sẵn sàng tư vấn kỹ thuật chăm sóc, truyền đạt kinh nghiệm cho bất cứ ai muốn học hỏi, vươn lên làm giàu…”, anh Nguyễn Văn Hưng hồ hởi cho biết thêm.
Tuyết Nhung – Trần Hậu