“Hoài Nam Tử” là một tác phẩm do Hoài Nam vương Lưu An của hoàng tộc Tây Hán và các môn khách của ông thu thập tài liệu, văn bản biên soạn thành. Tác phẩm còn được biết đến với tên “Hoài Nam Hồng Liệt” hoặc “Lưu An Tử”. Lương Khải Siêu đã nói: “Hoài Nam Hồng Liệt là kho tàng triết lý Đạo gia của Tây Hán, sách này rộng lớn mà có hệ thống mạch lạc, là tác phẩm đỉnh cao trong văn học Trung Quốc thời Hán”.
Hoài Nam Tử hoàn thành qua sự đóng góp của nhiều tác giả, nội dung rất rộng lớn và kết hợp nhiều tư tưởng của các học giả thời Tiền Hán. Tác phẩm này đã có bản dịch toàn bộ sang tiếng Anh và tiếng Nhật vào thế kỷ 20, cùng với các bản dịch rút gọn sang tiếng Pháp và tiếng Đức. Đây là một trong những tác phẩm quan trọng trong lịch sử văn hóa Trung Quốc.
Bài viết này giới thiệu tới độc giả một phần nội dung của thiên “Mâu Xưng” trong Hoài Nam Tử.
Nguyên văn:
Quân tử bất vị tiểu thiện bất túc vi dã nhi xá chi, tiểu thiện tích nhi vi đại thiện; bất vị tiểu bất thiện vi vô thương dã nhi vi chi, tiểu bất thiện tích nhi vi đại bất thiện.
Đại ý:
Người quân tử không vì việc thiện nhỏ mà cho rằng không đáng làm rồi bỏ qua nó, bởi vì việc thiện nhỏ tích tụ lại sẽ trở thành đại thiện. Cũng không vì điều ác nhỏ mà cho rằng không hại gì rồi cứ làm, bởi vì cái ác nhỏ tích tụ lại sẽ trở thành đại ác.
Cây nến, đèn dầu do có thể chiếu sáng nên cuối cùng bị cháy hết thân mình. Hổ, báo vì có bộ lông đẹp mà bị săn bắn. Khỉ vì nhanh nhẹn mà bị giết. Tử Lộ vì dũng mãnh mà chết trong chiến trận ở nước Vệ. Trường Hoằng vì trí tuệ mưu lược mà bị hại. Những người ấy đều có thể dùng trí để nhận thức sự việc, nhưng lại không biết “tự biết mình” dù có đại trí. Do đó, người đi trên đường hiểm trở không thể đi đường thẳng, người băng rừng vượt núi không tránh khỏi đi đường vòng, ban đêm mắt không thấy rõ phải giơ tay mà dò dẫm. Mỗi sự vật đều có giới hạn phù hợp của nó, thông minh đôi khi cũng chưa chắc đã hữu dụng. Người nào có thể từ mê lầm tối tăm mà tỉnh ngộ bước vào sáng suốt, thì có thể cùng họ luận bàn về đạo lý tối cao.
Ninh Khê vì gõ sừng bò mà bi ca, cảm động Tề Hoàn Công, nên được bổ nhiệm làm đại quan chuyên việc nông điền. Dung Môn Tử dùng bài ca bi thương khiến Mạnh Thường Quân xúc động rơi lệ ướt cả dây mũ. Ai cũng biết khóc than, ca bi, nhưng nếu chỉ cất giọng mà khiến người khác xúc cảm thật sự thì phải là người có chân tình và thành ý sâu sắc. Do đó, phương pháp trị quốc của Nghiêu, Thuấn có thể học theo, nhưng khả năng cảm hóa lòng người bằng tình cảm của họ thì người thường khó mà với tới.
Nước sông đục thì cá phải ngoi lên mặt nước để thở. Pháp luật nếu rối rắm, khắt khe thì dân sẽ rối loạn. Thành lũy dựng đứng tất sẽ sụp đổ, bờ đê cao vút tất sẽ sạt lở. Do đó, Thương Ưởng vì đặt ra pháp luật hà khắc mà bị xử phanh thây, Ngô Khởi vì thi hành luật lệ tàn bạo mà bị xe xé xác.
Trị quốc giống như điều chỉnh đàn cầm, đàn sắt. Dây lớn kéo căng quá thì dây nhỏ sẽ đứt. Cho nên, người chỉ biết siết dây cương và không ngừng vung roi, thì không thể là tay đánh xe giỏi có thể đi xa nghìn dặm. Âm thanh có thể nghe được thì truyền không quá trăm dặm. Nhưng âm thanh không nghe thấy được thì có thể lan khắp bốn bể. Vì vậy, người được bổng lộc vượt xa công lao thực tế thì ắt sẽ gặp họa, người có danh tiếng không tương xứng với tài đức thì cũng sẽ bị lừa dối. Nếu công lao và phẩm hạnh thực chất tương hợp với danh tiếng, thì thông thường tai họa sẽ không vô cớ giáng xuống. Vì thế, phần thưởng vinh hoa phú quý ở phía trước không thể dựa vào công lao trống rỗng mà nhận lấy, hình phạt nghiêm khắc phía sau cũng không thể vô cớ mà phải chịu. Nếu bạn tu dưỡng thân tâm, giữ sự ngay thẳng và thanh liêm, làm người chính trực không lệch khỏi chính đạo thì sẽ được bình an vô sự.
Theo Vision Times-Thanh Ngọc biên dịch