Các đòn trừng phạt của phương Tây nhằm vào lĩnh vực xuất khẩu năng lượng cũng như hệ thống tài chính của Nga đang bắt đầu cho thấy tác động, nhưng không theo cách mà nhiều người dự đoán.
Hơn 6 tháng kể từ khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga được cho là đang rơi vào một cuộc chiến tiêu hao mà nước này không lường trước được nhưng lại đang thắng trên mặt trận khác: Nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ của Moscow dù suy thoái nhưng đã chứng minh được khả năng chống chịu tốt hơn dự kiến trước các đòn trừng phạt của phương Tây.
Tác động không như dự đoán
Việc Trung Quốc và Ấn Độ sẵn sàng mua dầu giá rẻ của Nga đã giúp ích phần nào. Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng nền kinh tế Nga đã bắt đầu suy giảm và nhiều khả năng sẽ đối mặt với sự trì trệ kéo dài do hậu quả từ các đòn trừng phạt của phương Tây.
Bề ngoài không có nhiều thay đổi, chỉ có một vài mặt tiền cửa hàng trống không, sau khi hàng loạt thương hiệu phương Tây rời khỏi thị trường Nga. Trong khi đó, các chuỗi cửa hàng như McDonalds (MCD) hay Starbucks (SBUX) đang dần mở cửa trở lại ở Nga, chỉ khác tên gọi.
Làn sóng doanh nghiệp phương Tây rút khỏi thị trường Nga và các đòn trừng phạt liên tiếp của phương Tây nhằm vào lĩnh vực xuất khẩu năng lượng thiết yếu cũng như hệ thống tài chính của nước này đang bắt đầu cho thấy tác động, nhưng không theo cách mà phương Tây mong đợi.
Ông Andrey Nechaev, người từng là Bộ trưởng Kinh tế Nga đầu những năm 1990 cho rằng, Nga phần nào vượt qua được là nhờ vào sự điều hành hợp lý của ngân hàng trung ương.
Đồng rúp từng rớt giá xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD hồi đầu năm nay do phương Tây đóng băng một nửa số dự trữ ngoại hối 600 tỷ USD của Nga. Tuy nhiên, đồng rúp đã phục hồi trở lại và tăng lên mức mạnh nhất so với đồng USD kể từ năm 2018.
Kết quả này phần lớn là nhờ các biện pháp kiểm soát vốn tích cực và tăng lãi suất vào mùa xuân. Hiện giờ, Nga không cần phải áp dụng các biện pháp như vậy nữa. Lãi suất ở Nga hiện đã thấp hơn so với thời điểm trước khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Ngân hàng trung ương cho biết lạm phát đã đạt đỉnh gần 18% vào tháng 4, hiện đang chậm lại và sẽ ở mức 12-15% trong cả năm 2022.
Ngân hàng trung ương Nga dự báo GDP trong năm nay giảm 4-6%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đưa ra dự báo tương tự với mức giảm 6%. Hồi tháng 4, GDP của Nga được được dự báo giảm 8-10%.
“Việc loại bỏ thẻ Mastercard, Visa hầu như không ảnh hưởng đến thanh toán trong nước vì ngân hàng trung ương có hệ thống thanh toán thay thế”, ông Nechaev nói. Nga đã thiết lập thẻ tín dụng Mir và hệ thống xử lý giao dịch riêng từ năm 2017.
Ông Chris Weafer, đối tác sáng lập của Macro Advisory Ltd., một công ty tư vấn cho các doanh nghiệp đa quốc gia ở Nga và Âu-Á, cho biết có một lý do khiến những người hâm mộ McDonalds và Starbucks của Nga vẫn có thể mua đồ ăn, đồ uống yêu thích của mình. Kể từ năm 2014, nhiều thương hiệu phương Tây ở Nga đã nội địa hóa một số hoặc tất cả các chuỗi cung ứng của họ. Vì vậy, khi các công ty này rời đi, người tiêu dùng ở Nga có thể dễ dàng mua các các loại hàng hóa nhãn hiệu phương Tây, chúng chỉ đơn giản là thay đổi bao bì và đóng gói.
Nga có thể duy trì doanh thu “khủng” từ năng lượng?
Sự ổn định lâu dài của Nga phụ thuộc vào lĩnh vực năng lượng và cho đến nay đây vẫn là nguồn thu lớn nhất của nước này.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết doanh thu của Nga từ việc bán dầu và khí đốt cho châu Âu đã tăng gấp đôi từ tháng 3 đến tháng 7 năm nay so với mức trung bình của những năm gần đây, mặc dù khối lượng bán ra đã giảm đi. Theo dữ liệu của IEA, khối lượng khí đốt Nga cung cấp đến châu Âu đã giảm khoảng 75% trong 12 tháng qua.
Dầu mỏ là một vấn đề khác. Hồi tháng 3, IEA từng dự đoán 3 triệu thùng dầu/ngày của Nga sẽ bị loại khỏi thị trường từ tháng 4 do các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, điều này đã không trở thành hiện thực. Xuất khẩu của Nga vẫn gia tăng, mặc dù các nhà phân tích của Rystad Energy đánh giá khối lượng sẽ giảm nhẹ trong mùa hè.
Điểm mấu chốt là khả năng của Nga trong việc tìm kiếm thị trường mới ở châu Á.
Theo ông Houmayoun Falakshali, thuộc Công ty tư vấn hàng hóa Kpler, hầu hết xuất khẩu dầu mỏ qua đường biển của Nga đã đến châu Á kể từ khi xung đột với Ukraine bùng phát vào tháng 2. Trong tháng 7, thị phần dầu mỏ của Nga ở châu Á là 56%, cao hơn nhiều so với mức 37% cùng kỳ năm 2021.
Từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, Trung Quốc đã tăng nhập khẩu bằng đường biển đối với dầu thô Ural của Nga được chiết khấu tới 40%. Hiện nay, Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc. Trong khi đó, nhập khẩu dầu thô qua đường biển của Ấn Độ từ Nga tăng hơn 1.700% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, Nga cũng đang tăng cường xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc thông qua một đường ống ở Siberia.
Theo các nhà phân tích, khi lệnh cấm vận của châu Âu đối với 90% dầu mỏ của Nga có hiệu lực vào tháng 12 tới, Nga có thể sẽ không còn được hưởng lợi như hiện nay. Khi đó, ước tính khoảng 2 triệu thùng dầu/ngày của Nga sẽ ở trong tình trạng lấp lửng. Một phần trong số này có thể đến châu Á, nhưng các chuyên gia cho rằng nhu cầu ở thị trường này sẽ không đủ cao để tiêu thụ hết khối lượng như vậy.
Ông Falakshali nhận định, Trung Quốc không thể mua nhiều dầu của Nga hơn mức hiện tại, vì nhu cầu trong nước đang giảm.
Giá cả cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc Nga có đủ khả năng tiếp tục giảm giá cho các thị trường mới hay không.
“Giảm giá 30% từ mức giá 120 USD/thùng là một chuyện, nhưng giảm giá từ mức 70 USD lại là một vấn đề khác”, ông Nechaev nói.
Kinh tế Nga có thể trì trệ kéo dài
Trong khi lạm phát toàn cầu giúp Nga hưởng lợi trong lĩnh vực năng lượng, nhưng điều này cũng đang tác động đến người dân trong nước. Giống như phần còn lại của châu Âu, người dân ở Nga cũng đang phải chịu một cuộc khủng hoảng về giá cả sinh hoạt.
Ông Nechaev, bày tỏ lo ngại: “Về mức sống, nếu đo lường bằng thu nhập thực tế, Nga đã lùi lại khoảng 10 năm”.
Chính phủ Nga đã tìm cách đối phó với tình trạng này, bằng việc tăng lương hưu và lương tối thiểu lên 10%.
Ngoài ra, Nga đã thiết lập một hệ thống để nhân viên của các công ty bị “đình chỉ hoạt động” có thể tạm thời chuyển sang làm việc cho chủ sử dụng lao động mới mà không cần chấm dứt hợp đồng cũ. Chính phủ Nga cũng chi 17 tỷ rúp (280 triệu USD) để mua trái phiếu của các hãng hàng không Nga, vốn bị tê liệt bởi các lệnh cấm bay.
Các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực công nghệ có thể tác động sâu rộng nhất đến triển vọng kinh tế dài hạn của Nga. Hồi tháng 6, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết xuất khẩu chất bán dẫn toàn cầu sang Nga đã giảm 90% kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng phát. Điều này làm tê liệt hoạt động sản xuất trong nhiều lĩnh vực, từ ô tô đến máy tính và có thể khiến Nga bị tụt hậu xa hơn trong cuộc đua công nghệ toàn cầu.
Theo ông Weafer: “Tác động của các lệnh trừng phạt sẽ giống như ‘phản ứng cháy chậm’ chứ không giống như đòn tấn công nhanh. Nga hiện đang phải tính tới khả năng sẽ bị trì trệ kéo dài”.
Trong khi đó, ông Nechaev nhận định thực tế hơn: “Ngay từ lúc này, nền kinh tế Nga đã bắt đầu suy giảm”./.
Theo Hoàng Phạm–VOV