Từng nghiện game khiến ba mẹ phàn nàn, Bùi Vũ An quyết định làm vườn. Giờ vườn dưa của anh trở thành không gian thư giãn sớm chiều của ba mẹ.
Bùi Vũ An, 29 tuổi, là một kỹ sư điện tử viễn thông. Chàng trai này từng có một giai đoạn rất thích chơi game. Vào cuối tuần, anh thường ngồi lì trong phòng cả ngày.
Sau vài lần bị cha mẹ than phiền, hai năm trước An quyết định bỏ game và dùng thời gian để trồng một cái gì đó.
Ban đầu anh làm giàn trồng bầu, mướp che cho vườn rau của bố mẹ. Sau đó, thấy trên mạng có trào lưu trồng dưa lưới, anh cũng tập tành trồng thử.
Những vụ đầu tiên, anh gặp khó khăn ngay từ khâu trộn giá thể để trồng; các loại sâu bệnh tồn tại từ những vụ rau, từ vườn của hàng xóm; đến chuột phá phách, cắn cây con; rồi mưa bão. Kết quả hầu như không được thu hoạch hoặc sản phẩm không như mong muốn.
Năm 2019, An làm nhà lưới để khắc phục các nhược điểm trên, song vì vườn ở tầng 2 không thông thoáng nên chất lượng dưa cũng không ngon.
“Vụ dưa đầu tôi trồng giống dưa của Nga, cây ra trái tốt. Nhưng khi bổ ra thì nhạt vị, thịt mềm nhão nên ai cũng thất vọng. Vụ thứ hai chỉ còn một tuần thu hoạch thì bị chuột gặm hơn chục quả”, An kể.
Đầu năm 2020, gia đình sửa nhà, anh cũng đề nghị bố mẹ sửa luôn sân thượng tầng 3 để chỉ chuyên trồng dưa. Tại đây, Anh làm nhà lưới kiên cố rộng 42 m2 ở khu vực nhiều nắng, ít gió, ít các loại cây lá xung quanh.
Thất bại nhiều Vũ An rút ra bài học: Trồng cây trên sân thượng vốn đất ít nên cần làm giá thể tơi xốp để rễ thoáng khí, tưới nước vừa đủ để giữ ẩm. Sân thượng gió nhiều nên cần làm giàn kiên cố để gốc chắc chắn.
“Như bao người mới trồng, tôi cũng cho dưa ăn đủ ‘sơn hào hải vị’ gồm các loại phân bón cao cấp mà không nắm được định lượng các chất dinh dưỡng cây cần”, An nói.
Sau này anh tìm hiểu cho thuộc lòng định lượng và hiểu được các loại dinh dưỡng cho từng giai đoạn. Ví dụ, giai đoạn nuôi thân, lá, cành thì cần nhiều đạm, lân; giai đoạn nuôi quả thì cần nhiều kali, bên cạnh phân bón trung lượng, vi lượng.
Trong quá trình trồng, An cố gắng tránh cọ sát bộ lá, để giữ cho lá đẹp. Như vậy, bộ lá thực hiện được đầy đủ chức năng quang hợp và chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng dồn vào trái.
Hết thời gian này, mỗi ngày anh chỉ mất khoảng 15 phút vạch lá tìm sâu.
Vũ An còn nhiều ấp ủ để khu vườn tự động hóa cao nhất. Anh đang muốn đầu tư các thiết bị như cảm biến nhiệt độ, cảm biến độ ẩm. Tuy nhiên giá các thiết bị cảm biến cao, trong khi quy mô vườn nhỏ nên anh sẽ nghiên cứu dần dần để nâng cấp khu vườn.
Vất vả nhất là giai đoạn thụ phấn. Mỗi ngày An phải dậy từ 5h, dành khoảng 1,5 tiếng vừa tách hoa ra thụ phấn, vừa vén cho ngọn leo giàn. Ròng rã một tuần, nhiều hôm An không kịp ăn sáng, muộn giờ làm hay trưa phải chạy về làm cho kịp.
Sau hơn 3 tháng, đến nay vườn dưa sắp “về đích”. Những trái dưa lưới Nhật – đều là các giống mới lạ chưa phổ biến ở Việt Nam – quả to đều. Ước tính vườn sẽ cho thu hoạch 100 quả, tương đương 200 kg dưa.
“Sau hơn 3 tháng chăm bón cho cây lớn từng ngày; khi thu hoạch được đặt những trái ngon nhất lên bàn thờ tổ tiên, cả gia đình vừa ăn, vừa tấm tắc… mang lại cảm giác hạnh phúc không thể diễn tả”, chàng trai nói. Anh cũng dành một ít bán cho người quen để tái đầu tư giống, phân bón cho vụ sau.
Nhờ có vườn dưa của con trai, bố mẹ An có không gian thư giãn. Trên sân thượng, mọi người có thể nhìn ra biển Tuy Hòa, núi Nhạn, sân vận động, hồ điều hòa… “Vươn tầm mắt là nhìn thấy không gian rộng lớn, trời xanh, biển mênh mông vô tận. Hạ tầm mắt là thấy vườn dưa tươi tốt. Ngày nào bố mẹ tôi cũng lên vườn ngắm”, An khoe.
Riêng Vũ An, từ ngày làm vườn không còn chơi game nữa, chỉ dành một tuần 3 buổi đi đá bóng. Là một kỹ sư điện tử viễn thông, anh cũng thích đầu tư công nghệ cho vườn. Hiện anh đã lắp hệ thống bơm tưới tự động.
Camera giúp theo dõi quá trình phát triển của dưa để kịp phát hiện các vấn đề. “Có camera, vợ có thể gọi mình xuống ăn cơm hay đi làm mỗi khi mình quên. Những lúc công tác vắng nhà mình vẫn có thể coi sóc được vườn dưa”, chàng kỹ sư nói.
Ảnh: Nhân vật cung cấp. – Phan Dương (Vnexpress)