Trong cả phong thủy Trung Quốc và quan niệm dân gian, gian bếp là một trong ba yếu tố quan trọng nhất của ngôi nhà.
Vậy bạn đã hiểu hết về ý nghĩa gian bếp trong phong thủy nhà ở chưa?
Ý NGHĨA TRONG GIA ĐÌNH
Trong cuộc sống hàng ngày, gian bếp được coi là trung tâm của cuộc sống gia đình, đây không chỉ là nơi để ta nấu nướng những món ăn ngon phục vụ cho cuộc sống mà còn là nơi giúp hâm nóng và vun đắp tình cảm của các thành viên.
Theo đó, có thể nói đây chính là nơi hạnh phúc và đầm ấm nhất của ngôi nhà, nơi chứa đựng tình yêu thương cũng như chứng kiến những khoảnh khắc hạnh phúc gia đình bên mâm cơm ấm cúng.
Ý NGHĨA TRONG VĂN HÓA
Đối với người Việt, Âm Dương Ngũ hành chi phối mọi thứ liên quan tới cuộc sống, văn hóa, nghi lễ, ẩm thực, âm nhạc… Người ta tin rằng tất cả mọi điều thứ đều có những vị thần khác nhau cai quản, gian bếp cũng không phải ngoại lệ.
Dân gian quan niệm người giữ cho gian bếp luôn bình yên, ấm áp, cuộc sống gia đình hạnh phúc chính là Thần Bếp, hay còn được biết đến nhiều hơn cả với tên là 2 ông 1 bà Táo Quân.
Ngày 23 tháng Chạp hàng năm cúng “Ông Công Ông Táo”, đưa Thần Bếp về trời cũng chính là một trong những ngày lễ quan trọng trong văn hóa truyền thống của người Việt.
Ý NGHĨA TRONG PHONG THỦY
Trong thuật Phong thủy Trung Quốc có câu “Nhất bếp, nhì phòng ngủ, thứ ba là bàn làm việc và két sắt”, đây chính là thứ tự sắp xếp sự quan trọng khi gia chủ tiến hành xây, sửa, bài trí nhà ở của mình trong phong thủy. Khoa học phong thủy truyền thống cho rằng bếp là nơi khởi nguồn tài lộc và vượng khí cho gia đình.
Vì vậy bố trí một gian bếp hợp phong thủy sẽ giúp “thắp lửa” tài lộc cho gia đình và giúp mang đến cho gia đình sức khỏe dồi dào. Ông cha ta thường quan niệm rằng bếp có ấm thì gia đạo mới an khang và là nền tảng thuận lợi giúp vượng khí sinh sôi, giàu sang sẽ đến.
Việc bố trí căn nhà sao cho phù hợp với các tiêu chí Âm Dương cân bằng luôn được ưu tiên hàng đầu. Gian bếp luôn là vị trí quan trọng số một bởi đó chính là nơi tạo ra nguồn sống, là sự sinh sôi cho một gia đình.
Vấn đề không phải không gian bếp đó có nhiều đồ và thiết bị đắt tiền mới tạo ra sinh khí, mà vị trí của bếp phải ở nơi vượng khí nhất trong nhà.
Sau khi đã định vị được vị trí tốt nhất, lúc này mới xem xét tới hướng của bếp. Theo các chuyên gia về phong thủy, để có được lý giải chuẩn xác nhất, cần hiểu nguyên tắc chung nhất. Ðó là lý thuyết về khí.
Phải đặt sao cho hướng bếp phù hợp với mệnh của gia chủ, lưu ý các vấn đề về tương sinh tương khắc. Có một số người cho là bếp của người phụ nữ nên hướng phải tính theo mệnh người vợ, hoặc người phụ nữ trong nhà. Như vậy là không đúng.
Quan trọng là thế nhưng cũng có không ít gia đình mắc phải các sai lầm khi thiết kế, sắp xếp gian bếp của mình. Có thể kể tới như vị trí và hướng không ở tốt nhất hay các vật dụng, đồ đạc trong bếp đặt chưa đúng chỗ đẹp nhất.
– Theo các chuyên gia phong thủy, bệ đặt hỏa lò hay bếp nấu nên tựa vào tường cho vững chãi, không được đặt ở giữa bếp, không có điểm tự hay ở vị trí trung cung của ngôi nhà – nơi làm việc hay kinh doanh, buôn bán.
– Bởi lẽ theo phong thủy, đất ở vị trí này là nơi khởi nguồn năng lượng và phân bổ hòa khí ra khắp không gian ngôi nhà, nếu đặt bếp ở khu vực này sẽ tiêu hao năng lượng.
– Cần lưu ý, tránh các góc nhọn chiếu vào khu vực nấu vì nó có thể gây thương tích cho các thành viên trong quá trình nấu nướng.
– Tránh đặt bếp dưới xà ngang vì theo phong thủy có thể làm tổn hại tới sức khỏe, hòa khí trong nhà.
– Tuyệt đối, không nên để bếp đối diện với cửa nhà vệ sinh. Bởi bếp phải luôn được thanh khí, sạch sẽ trong khi đó nhà vệ sinh lại chứa các luồng khí xấu, các vi khuẩn… có thể gây hại đến sức khỏe gia đình.
– Không gian bếp phải đảm bảo thông thoáng, không khí trong lành, không nên đặt bếp ở những nơi quá tối tăm và ẩm thấp.
– Không nên để khí thải ở bếp truyền sang những phòng khác, vì nó tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe gia đình.
– Với những căn bếp có diện tích nhỏ, gia chủ nên bố trí hợp lý để không gian thông thoáng. Nên lắp thêm quạt thông gió, hút mùi… để tạo ra không khí tươi sạch.
– Trường hợp bếp ở vị trí đầu hướng gió thì nên làm thêm vách ngăn, hoặc bình phong để chuyển hướng luồng khí thổi từ bếp lan sang các phòng khác trong nhà.
– Việc vệ sinh căn bếp sạch sẽ, gọn gàng là điều khá quan trọng. Tùy theo phong cách và sở thích của gia chủ, có thể trang trí căn bếp bằng những những chậu cây nhỏ để tạo nguồn năng lượng tươi mát dồi dào.
Hi vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của gian bếp trong phong thủy nhà ở. Giờ thì bạn có thể áp dụng những điều bổ ích này vào việc thiết kế căn bếp cho ngôi nhà thân yêu của mình rồi đấy!
Theo Thu Phương–Pháp luật và bạn đọc