Những con số thống kê và dự đoán tương lai đang đặt ra nhiều câu hỏi lớn cho hiện tại.
Có tới 40% quần áo được sản xuất mỗi năm – tức khoảng 60 tỷ sản phẩm may mặc – không được bán. Các chuyên gia cho biết việc giải quyết tình trạng lãng phí vô lý như vậy sẽ đòi hỏi những thay đổi triệt để trong sản xuất – và cả luật pháp.
40% quần áo được sản xuất không bán được
Đến nay, không ai có thể tính chính xác có bao nhiêu áo khoác, quần jeans, áo phông và giày thể thao được sản xuất mỗi năm trên toàn thế giới. Điều đó cũng có nghĩa là không ai biết có bao nhiêu sản phẩm may mặc vẫn chưa bán bị tồn trong kho, bị chôn lấp hoặc tiêu hủy. Nếu không có thông tin này, việc cố gắng giảm lượng khí thải carbon của ngành thời trang cũng giống như cố gắng giải một câu đố trong bóng tối.
Các số liệu thống kê ước tính hiện có cho thấy có khoảng 80 tỷ đến 150 tỷ sản phẩm may mặc được sản xuất mỗi năm và có khoảng 10% đến 40% trong số đó không được bán. Vì vậy, có thể có 8 tỷ hoặc 60 tỷ sản phẩm may mặc dư thừa mỗi năm – một con số đáng báo động.
Liz Ricketts, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Or Foundation, một tổ chức từ thiện về công lý môi trường có trụ sở tại Ghana, cho biết: “Khối lượng sản xuất là thông tin thực sự quan trọng để đưa sự trung thực trở lại cuộc trò chuyện. Đây là dữ liệu mà mọi người đều có thể thu thập. Vấn đề chỉ là các công ty có sẵn lòng chia sẻ dữ liệu đó hay không”.
Tin rằng tính minh bạch về khối lượng sản xuất là yếu tố cốt lõi để đánh giá và giải quyết các vấn đề môi trường của ngành thời trang, Or Foundation đã phát động chiến dịch Speak Volumes vào tháng 11/2023, kêu gọi các thương hiệu tiết lộ số lượng sản phẩm họ đã sản xuất vào năm 2022.
Cho đến nay, 32 doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tham gia. Con số lớn nhất đến từ thương hiệu Anh Lucy & Yak, sản xuất 760.951 sản phẩm. Con số nhỏ nhất là từ thương hiệu Scotland Mlambo, chỉ với 100 sản phẩm. Các thống kê này còn rất xa so với hàng tỷ sản phẩm may mặc do các công ty thời trang lớn nhất sản xuất. Thế nhưng không có công ty đầu ngành nào tham gia vào chiến dịch này.
Francois Souchet, một chiến lược gia về kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, cho biết: “Lý do họ không thực sự thích nói về số lượng sản phẩm họ có là vì đó là bí mật đen tối của ngành. Có khả năng sẽ có phản ứng dữ dội của công chúng khi mọi người biết được có bao nhiêu sản phẩm không được bán”.
Tại chợ Kantamanto ở Accra, Ghana, nơi Or Foundation hoạt động để hỗ trợ cộng đồng buôn bán quần áo không mong muốn của các nước Bắc bán cầu, khoảng 40% trong mỗi kiện hàng dệt may cuối cùng trở thành rác thải. Con số này đã khiến Ricketts yêu cầu các thương hiệu cam kết giảm 40% sản lượng quần áo mới trong 5 năm, việc chỉ có thể thực hiện được khi có thể nhìn thấy khối lượng sản xuất thừa mứa khổng lồ. Ricketts cho biết: “Tại sao họ lại sản xuất quá nhiều đồ thừa như vậy?”.
Có một số lý do khiến các thương hiệu sản xuất nhiều hơn số lượng họ bán: các nhà sản xuất tham vọng, sự đổi mốt liên tục của ngành thời trang hoặc không đọc được thị trường. Mặc dù có một số công nghệ mới để giải quyết những vấn đề này, bao gồm AI để dự đoán nhu cầu của người tiêu dùng và các mô hình theo đơn đặt hàng, nhưng không có dáu hiệu nào cho thấy công nghệ được áp dụng rộng rãi.
Vì sao ngành thời trang sản xuất quá mức?
Sản xuất quá mức cũng là triệu chứng của một hệ thống sản xuất lỗi thời khuyến khích khối lượng: càng nhiều áo phông được đặt hàng, giá cho mỗi sản phẩm may mặc càng rẻ. Điều này là do chi phí lớn nhất để sản xuất vải và lắp ráp hàng may mặc nằm ở khâu thiết lập, dây chuyền lắp ráp càng chạy lâu thì hiệu quả càng cao. Souchet cho biết: “Ngoài ra, các thương hiệu còn sợ bỏ lỡ một đợt giảm giá, vì vậy họ luôn đặt hàng quá nhiều, thay vì đủ”.
Christina Dean, người sáng lập tổ chức từ thiện chống lãng phí Redress, cho biết: “Để hoàn thành bộ quần áo của chúng ta cần rất nhiều công sức con người, từ việc hái bông, kéo sợi và dệt vải cho đến công việc của các công nhân may mặc, và hãy nghĩ đến cả tần suất họ không được gặp con cái vì phải làm việc nhiều giờ. Việc những mảnh vải đó bị vứt đi một cách vô tâm như vậy cho thấy chúng ta không ‘hòa hợp’ với những người đồng loại trên thế giới này như thế nào”.
Một cuộc khảo sát gần đây của Global Fashion Agenda (GFA) cho thấy 78% các thương hiệu có mục tiêu giảm sản xuất quá mức. Nhưng theo Holly Syrett, giám đốc chương trình tác động và phát triển bền vững của GFA, những người trả lời cho biết việc thiếu rõ ràng về ý nghĩa của sản xuất quá mức là rào cản để giải quyết vấn đề này.
“Chúng tôi định nghĩa sản xuất quá mức theo cách khá đơn giản, đó là khi một công ty mua hoặc sản xuất nhiều hàng tồn kho hơn mức có thể bán, để lại hàng tồn kho sau đó được bán với giá chiết khấu, bán lại cho các bên khác hoặc có khả năng bị tiêu hủy. Phản hồi mà chúng tôi nhận được là định nghĩa của chúng tôi không đủ cụ thể”, Syrett cho biết.
Nhưng hàng tồn kho không phải là vấn đề duy nhất, Ricketts nói: “Chúng tôi cố gắng sử dụng ngôn ngữ ‘cung vượt cầu’ nhiều hơn là ‘sản xuất quá mức’, vì các cơ chế tiếp thị được sử dụng để đẩy cung vượt cầu đến người tiêu dùng cũng là vấn đề đáng quan tâm. Các thương hiệu đang sản xuất ra nhu cầu theo cùng cách họ sản xuất quá nhiều quần áo. Nhu cầu này được tạo ra thông qua tiếp thị không ngừng nghỉ trên phương tiện truyền thông xã hội, quảng cáo kỹ thuật số có mục tiêu, chiến dịch email và chương trình giảm giá và khuyến mại dường như không bao giờ kết thúc. Tất nhiên, mặt trái của đồng xu này là tình trạng tiêu thụ quá mức”.
Đây là sự thật phũ phàng hầu như luôn bị né tránh tại các hội nghị thượng đỉnh của ngành và trong các mục tiêu của công ty. Theo nhóm nghiên cứu về tính bền vững Hot or Cool Institute, ngành thời trang sẽ phải giảm ít nhất một nửa lượng khí thải nhà kính so với mức năm 2018 vào năm 2030 nếu muốn đạt được mục tiêu của thỏa thuận Paris là hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp.
Giải pháp nào cho chính chúng ta?
Một số chuyên gia đã đề xuất cách “giải quyết” số hàng hóa thời trang tồn kho này như tạo ra mô hình kinh doanh khác như cho thuê, bán lại hoặc sửa chữa. Nhưng dù thế nào, Hot or Cool cho biết việc đạt được mục tiêu 1,5 độ C ở các quốc gia có thu nhập cao của G20 – bao gồm Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Pháp và Úc – sẽ đòi hỏi phải giảm mức tiêu thụ xuống 60%.
Theo quỹ đạo hiện tại, lượng khí thải của ngành sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tới.
“Những thay đổi nhanh chóng và triệt để trong sản xuất và luật pháp là rất quan trọng”, Lewis Akenji, giám đốc điều hành của Hot or Cool cho biết. “Việc mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất đối với các thương hiệu thời trang sang giai đoạn sau sử dụng là một con đường đầy hứa hẹn… nhưng không nên là một cơ chế chuyển gánh nặng”.
Theo các chuyên gia, các luật mới cần được đề xuất để nhà sản xuất có khả năng chi trả và chịu trách nhiệm vào việc quản lý vòng đời của sản phẩm. Họ có thể sử dụng các sáng kiến như tái chế hàng dệt may, tái chế nâng cấp, tái chế hạ cấp, cho thuê, bán lại và sửa chữa.
“Chúng ta nghĩ chúng ta sẽ đối mặt với tương lai như thế nào khi tiếp tục bơm ra lượng sản phẩm dư thừa vô tận này? Điều đó là không thể”, Ricketts nói thêm. “Các chính sách phải tính đến khối lượng sản xuất. Bất kể các thương hiệu đầu tư bao nhiêu tiền hay cải tiến vào các giải pháp (như tái chế hàng dệt may), chúng ta sẽ không thành công nếu không dừng lại từ bây giờ”.
Nguồn: The Guardian-Chi Chi-Theo TNV