Tuy giờ nghỉ trưa vẫn phải áp dụng rất nhiều các quy tắc, nhưng với họ đó cũng là niềm hạnh phúc của một người được làm nghề.
Nếu thời gian gần đây chúng ta mới bắt đầu đào sâu vào văn hóa ” 1 Tiếng 30 Phút Nghỉ Trưa ” của giới nhân viên văn phòng bình thường để nhận thấy, họ dần có sự “dịch chuyển” và đa dạng hơn về các hoạt động thì đối với những nhân viên văn phòng “linh động” khác, sẽ là những câu chuyện, góc nhìn thú vị hơn vì nó đi ngược với những gì số đông biết đến.
Điển hình như câu chuyện nghỉ trưa của các tiếp viên hàng không mà ” 1 Tiếng 30 Phút Nghỉ Trưa ” từng đề cập thường sẽ ăn uống, nghỉ ngơi như thế nào khi làm việc trong một “văn phòng” cao nghìn mét. Thì mới đây, chúng tôi lại có dịp được trao đổi với anh Nguyễn Việt Hà – Cơ phó của hãng hàng không Vietnam Airlines, với kinh nghiệm gần 7 năm và hiện đang bay các chuyến quốc tế đường dài mới biết “buồng lái tuy không quá rộng, nhưng lại là nơi gắn liền với cuộc sống, xảy ra và chứng kiến rất nhiều điều đáng nhớ đối với người làm phi công như chúng tôi”.
“ĐÃ CHỌN LÀM PHI CÔNG, CHÚNG TÔI CHẤP NHẬN ĐẾN CẢ BỮA ĂN CŨNG PHẢI THEO HÀNG TRĂM QUY TẮC”
Anh Hà cho biết: “Thông thường trước chuyến bay 6 tiếng thì mình sẽ phải hạn chế ăn những loại thức ăn dễ bị hư trong ngày, dễ lên men, những đồ đã để lâu ngày hoặc là các sản phẩm được làm từ trứng, sữa, kem, thịt dạng đóng hộp như pa-tê… Chúng mình sẽ phải ghi nhớ các quy định về sức khoẻ để đảm bảo trước chuyến bay ăn những gì tránh bị ngộ độc, gây khó chịu… theo luật. Và bộ phận phục vụ suất ăn cho bọn mình tất nhiên cũng sẽ chú ý thật kỹ đến các luật này.”
Có một điều đặc biệt không hẳn ai cũng biết là cơ trưởng và cơ phó không được phép ăn cùng một loại thức ăn trước khi máy bay cất cánh. “Cả hai sẽ có hai phần ăn khác nhau, lúc nào phục vụ hai người trên tổ bay trong cùng một chặng bay cũng luôn luôn làm hai món khác nhau, để tránh trường hợp nếu có vấn đề gì về thức ăn thì sẽ chỉ một người bị thôi, đây là cách để xác suất phi công gặp vấn đề sẽ giảm xuống thấp nhất.”
Và thêm nữa hai suất ăn được phục vụ cho hai phi công sẽ phải khác thời điểm. Không bắt buộc giữa cơ trưởng và cơ phó ai sẽ là người ăn trước nhưng không được ăn cùng lúc để đảm bảo một người dùng bữa còn một người vẫn làm việc để chuyến bay được an toàn. Nếu bay chặng dài, mỗi phi công sẽ được phục vụ 2 bữa hoặc hơn, thế nhưng các suất ăn này không được trùng lặp với nhau.
Sự đa dạng của xuất ăn là do hãng tự quyến định, thế nhưng các phi công có thể tự mang theo đồ ăn của mình do khẩu vị ăn uống hay chế độ ăn kiêng chẳng hạn. Tuy nhiên, không quên là tất cả các món “tự túc”này đều phải đảm bảo dinh dưỡng, loại thức ăn đúng theo quy định.
LÝ DO VẪN THÍCH TỰ MANG CƠM NHÀ KHI ĐI BAY, DÙ ĐẶC QUYỀN ĐƯỢC PHỤC VỤ SUẤT ĂN THƯƠNG GIA
Các phi công trên máy bay thường sẽ được cung cấp những bữa ăn ngang tầm hạng nhất hoặc thương gia. Nghe thôi đã thấy hấp dẫn vì hai từ “thương gia” ai cũng hình dung được các suất ăn này chất lượng đến cỡ nào. Về mặt khoa học thì đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng, lượng calo…, mặt mùi vị thì nấu bởi những người có tay nghề cao, còn hình thức thì cực kỳ bắt mắt. Thế nhưng biệt đãi lâu cũng thấy nhớ nhớ những điều bình thường…
Anh Hà chia sẻ: “Đối với phi công đường dài như mình, bay rất lâu nên ăn mãi một cái menu trong vòng một tháng thì sẽ rất ngán. Vì dẫu đồ ăn trên máy bay có đa dạng, cao cấp đến đâu thì nguyên liệu chế biến cũng xoay quanh từng đấy món ví dụ heo, bò, gà. Thế nên thỉnh thoảng mình sẽ tự mua đồ ở ngoài ăn, chuẩn bị cơm nhà mang theo để bữa ăn được phong phú, ngon miệng hơn khi đi bay chuyến dài ngày.”
Anh nói thêm dù có thích đồ ăn nhà đến đâu thì việc mang phần ăn tự chuẩn bị theo xác suất cũng không thể nhiều, chiếm khoảng 30%. Chính bởi vì “cũng tuỳ chuyến bay tiếp theo diễn ra vào lúc nào để mình tranh thủ được thời gian chuẩn bị hay không, ví dụ như bay các chuyến ban đêm thì vào ban ngày trước đó có thể nấu nướng, còn các chuyến vào ban ngày thì sẽ không kịp làm gì cả vì trước đó mình còn phải ngủ để hồi sức.”
DÙ THỜI GIAN ĂN UỐNG, NGHỈ NGƠI KHÔNG ỔN ĐỊNH NHƯNG SỨC KHOẺ CỦA CHÚNG TÔI VẪN PHẢI TỐT HÀNG ĐẦU
Một nhân viên văn phòng bình thường, họ sẽ có giờ nghỉ cố định để ăn trưa, cùng đó là trải chiếu đắp chăn ngủ ngay nếu thấy mệt, muốn hồi sức. Nhưng hầu như với phi công nói là nghỉ nhưng thực ra lúc nào cũng phải tập trung. Mặc dù trên những chuyến bay dài, tiếp viên hàng không và cả phi công được phép nghỉ ngơi nhưng việc phi công ngả lưng ngay tại ghế hay trong phòng riêng cũng được quy định, kèm theo đó là thời gian cho phép chợp mắt trong bao lâu. “Nghỉ ngơi sẽ có luật rất cụ thể, cơ trưởng và cơ phó sẽ chia ca để ngủ. Tuy nhiên chúng mình chỉ ngả lưng để đỡ mệt chứ không vào một giấc sâu, khi ngủ rất thính và để ý người bên cạnh.”
Chuyện nghỉ trưa linh động này sẽ khiến cho các phi công dễ mắc các bệnh về dạ dày, tiêu hoá… vì ăn uống giờ giấc không đúng, ăn không đủ, bị mất ngủ hoặc ngủ không sâu. Ngoài ra khi ngồi quá lâu trên ghế lái, phi công có thể gặp các vấn đề về bệnh khớp, đau lưng, cột sống… Thế nhưng anh Hà nói: “Có luật về thời gian nghỉ để giúp phi công hồi phục lại và luật này dựa trên khoa học. Những người phi công như mình nếu làm lâu sẽ có một thói quen sinh hoạt mới và cực kỳ chủ động duy trì sức khoẻ, nên đây chưa bao giờ là vấn đề.”
Với sự yêu thích với nghề, anh Hà chia sẻ: “Đối với Hà, Hà không cảm thấy mình bị thiệt thòi so với các dân văn phòng có giờ nghỉ trưa cố định gì cả. Chính vì sự linh động này mới là điểm thú vị để mình theo đuổi công việc. Nếu giờ cho mình làm công việc của một người nhân viên văn phòng, có một thời gian biểu cố định mấy giờ đi làm, mấy giờ ăn trưa, mấy giờ vào ca… có thể mình sẽ thấy chán đấy!”
Nếu những người làm công việc văn phòng khác không quá quan tâm về sức khoẻ, vì dẫu yếu hay khoẻ, họ vẫn được đi làm miễn sao hoàn thành tốt công việc. Chuyện này lại hoàn toàn khác với một phi công – mỗi cá nhân khi ăn uống, vui chơi kể cả giải tỏa vào ngày nghỉ, đều luôn quan tâm đến sức khỏe của mình để được bay. Thế nên dẫu chế độ ngủ nghỉ linh hoạt đến đâu, họ đều chủ động theo dõi để bảo đảm thể trạng ở mức tốt nhất.
“VĂN HÓA NÓI” GIÚP MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC KHÔNG CÒN RÀO CẢN, NHƯNG VỚI NGƯỜI NGOÀI NGÀNH SẼ LÀ THỬ THÁCH
Những người làm nghề phi công, còn có một văn hoá kết nối rất đặc biệt. “Văn hoá nói” này là nhờ quy trình “phát ngôn tiêu chuẩn”. Cụ thể trong buồng lái khi điều khiển máy bay thì cơ trưởng và cơ phó sẽ buộc phải trao đổi với nhau. Vì mỗi chuyến bay luôn có quy trình trao đổi này nên đây sẽ là cơ hội để hai phi công có thể kết nối, giao tiếp. Khác với dân văn phòng, không phải mỗi ngày đi làm đều phải có một quy trình trao đổi cùng đồng nghiệp.
Nếu như dân văn phòng chuyện giao tiếp là tuỳ nhu cầu, đã không ưa nhau thì sẽ tuyệt nhiên không nói chuyện, trao đổi, lắng nghe đồng nghiệp đó. Chính vì thế mà mối quan hệ khó gỡ được hiểu lầm, những dự án cần hợp tác cũng làm việc trong tình trạng đả kích, kém thoải mái. Hơn nữa có trường hợp vì không giao tiếp mà thông tin sẽ truyền đạt sai hướng, dẫn đến chất lượng công việc bị ảnh hưởng lớn.
Còn giới hàng không đằng sau quy trình “phát ngôn tiêu chuẩn” để đảm bảo an toàn thì nó còn là chất xúc tác để mọi người vẫn luôn giao tiếp với nhau dù có thế nào. “Người ta tối kị nhất hai người phi công không nói chuyện với nhau, vì giao tiếp để hạn chế việc xảy ra lỗi. Nhờ quy trình bắt buộc trên, mình phải cố gắng cởi mở, khéo léo giao tiếp. Từ nhiều câu chuyện liên quan đến công việc, dần dà sẽ tâm sự đến các vấn đề xoay quanh cuộc sống, nhận lời khuyên và có nhiều góc nhìn khác hơn. Hơn cả nơi làm việc, buồng lái như một gia đình thu nhỏ, có gì đều chia sẻ với nhau để giảm áp lực công việc.
“Và có những trường hợp nhờ yêu cầu phải kết nối trong chuyến bay nên bọn mình mới có thời gian để hiểu nhau hơn, gỡ bỏ các ấn tượng không tốt với một ai đó”.
Đối với người ngoài ngành, việc buộc nói chuyện khi mình thuộc tuýp người nội tâm hay cái tôi cao không muốn giao lưu với ai đó là điều khó nhằn. Nhưng phải thừa nhận quy định vì tính đặc thù của công việc phi công vô tình tạo nên một “văn hoá kết nối” rất hay mà các công ty nên tham khảo.
Trong thời gian rảnh tay trên các chuyến bay phi công có thể đọc sách, học một thứ gì đó để phát triển bản thân,… đây cũng là một lợi thế của nghề khi “giờ nghỉ trên không” hoàn toàn chẳng có mạng.
Theo Bích Loan