Người phụ nữ Trung Quốc nhận thấy cô giúp việc mua hàng được giảm giá nhưng vẫn lấy đủ tiền nên nảy ra nghi ngờ với sự trung thực của người này.
Bài viết của tác giả Lý Lâm Lâm, 32 tuổi trên nền tảng Toutiao (Trung Quốc)
Người giúp việc “đáng ngờ”
Với những gia đình cả 2 vợ chồng đều bận rộn, đang trên đà phát triển sự nghiệp như tôi và chồng, thuê giúp việc phụ giúp công việc nhà là sự lựa chọn bắt buộc. Nhất là từ khi đón mẹ chồng 69 tuổi lên thành phố, chúng tôi phải ráo riết tìm người giúp việc phù hợp để chăm sóc mẹ, lo việc cơm nước dọn dẹp nhà cửa.
Được người quen giới thiệu, một cô giúp việc tên Quế Tú, 56 tuổi đến thử việc tại nhà chúng tôi. Ban đầu cô mong muốn mức lương 5.000 NDT (16,7 triệu đồng) nhưng vợ chồng tôi chưa có con nhỏ, công việc nhà không quá phức tạp nên chúng tôi thỏa thuận mức lương 4.000 NDT (hơn 13 triệu đồng). Cô Quế Tú có vẻ không ưng ý nhưng vẫn chấp nhận vì thực tế nhiều người giúp việc năm nay đã mất việc do các gia đình siết chặt chi tiêu.
Cô giúp việc 56 tuổi rất chuyên nghiệp, nấu ăn ngon lại dọn dẹp sạch sẽ, mẹ chồng tôi rất thích cô Quế Tú. Tôi cũng hài lòng vì nghĩ mình đã thuê được một người giúp việc lương thiện và trung thực, cho đến khi tôi phát hiện ra sự việc gây ngỡ ngàng.
Trong một lần đi siêu thị nhỏ ở dưới chân tòa nhà, tôi mới biết gần đây siêu thị đang có chương trình giảm giá từ 20-60% các loại rau sau 6h chiều. Trò chuyện với chủ siêu thị, người này còn cho biết cô Quế Tú thường xuyên đợi đến sau 6h mới thanh toán, luôn biết chọn rau củ nào tiết kiệm nhất. Trong khoảng 1 tháng nay, mỗi ngày có thể được giảm giá khoảng 20 NDT (gần 70.000 đồng), có hôm còn nhiều hơn.
Điều này khiến tôi bất ngờ vì trước nay tôi đều đưa cô giúp việc đủ số tiền theo giá gốc của các loại rau mà không hề hay biết chương trình khuyến mãi này. Đem chuyện này kể cho chồng và mẹ chồng, 2 người đều cho rằng số tiền không đáng kể, nên bỏ qua cho cô giúp việc để mỗi ngày cô có thêm “đồng ra đồng vào”.
Tuy chấp nhận bỏ qua cho cô Quế Tú, thậm chí đối xử với cô tốt hơn trước nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy người giúp việc đang giấu mình điều gì đó. Trong bữa ăn, cô không chịu ăn những món ngon mà đều bỏ vào hộp nói mang về nhà, đồ ăn nhẹ và trái cây cũng được gói cẩn thận lại. Cô Quế Tú cũng không nhận lời đi du lịch cùng gia đình tôi, luôn giải thích có lý do bận việc gia đình.
Phát hiện hoàn cảnh cô giúp việc, lập tức tăng lương
Cho tới một hôm không còn việc bận ở công ty, sự tò mò trong tôi trỗi dậy nên lặng lẽ theo cô Quế Tú về nhà. Đến nơi, tôi gọi cô xuống đón mình với lý do “tình cờ đi ngang qua, muốn lên chơi một lát”. Căn phòng cô ở chỉ khoảng 20m2, kê một chiếc giường lớn, đồ đạc không có gì giá trị và thứ nhiều nhất trong phòng là những lọ thuốc.
Một cụ bà nằm trên giường khi thấy tôi bước vào liền muốn đứng dậy nhưng không được nên chỉ mỉm cười chào. Cô Quế Tú giới thiệu đây là mẹ mình, đã 82 tuổi, di chuyển khó khăn nhưng đầu óc còn minh mẫn. Thấy tôi vẫn tò mò, cô kể qua loa về tình cảnh gia đình mình, anh trai thất nghiệp nhưng không chịu chăm sóc mẹ nên cô đảm đương trách nhiệm này. Chồng cô giúp việc mất sớm vì tai nạn, con trai cũng đi làm xa ít về nhà.
Nhìn quanh căn phòng 20m2, tôi phát hiện ra nhiều đồ ăn đem từ nhà tôi về là muốn cho mẹ già cùng ăn. Cô Quế Tú cho biết mỗi tháng tốn hơn 1.000 NDT (3,3 triệu đồng) cho thuốc men của mẹ, nên trừ đi tiền thuê nhà và sinh hoạt phí cô gần như không dư dả được đồng nào. Đến đây tôi mới hiểu lý do vì sao cô phải giữ lại tiền giảm giá từ những hóa đơn mua hàng để tiết kiệm thêm chút ít.
Tôi trở về nhà mà lòng nặng trĩu. Mẹ chồng và chồng tôi biết chuyện, đều nói nên tăng lương cho một người hiếu thảo và trách nhiệm như cô Quế Tú. Tôi đề nghị mức lương 6.000 NDT (20 triệu đồng), cô giúp việc vô cùng vui mừng và hứa sẽ làm việc chăm chỉ, minh bạch trong vấn đề chi tiêu với tôi.
Với tôi người giúp việc cũng là một phần của gia đình nên việc thấu hiểu hoàn cảnh, giúp đỡ nếu họ khó khăn sẽ góp phần giúp mối quan hệ gắn bó hơn. Nhờ đó hiệu quả và sự tận tâm trong cách họ làm việc cũng tăng lên, như vậy lợi cho cả đôi bên.
Kim Linh-Phụ nữ số