Tiến sĩ Mark J. Valencia cho rằng Pháp đang “đùa với lửa” khi cho tàu chiến của mình hoạt động theo hướng thách thức Trung Quốc ở Biển Đông. Liệu Pháp có đang ủng hộ Mỹ trong động thái “rắn” với Trung Quốc trên Biển Đông?
Khi đưa 2 tàu chiến tiến vào Biển Đông, Pháp được cho là đang thách thức Trung Quốc ở vùng biển này. Bộ Quốc phòng Pháp nói rằng hoạt động này là nhằm ủng hộ “tự do hàng hải”.
Trung Quốc nhiều khả năng đã xem Pháp đang ủng hộ chiến lược chính trị và quân sự của Mỹ trong vùng và Pháp có thể sẽ vấp phải cơn thịnh nộ của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, và thậm chí cả quân sự.
Pháp dường như tích cực ủng hộ Mỹ trong vấn đề Biển Đông
Trong kỷ nguyên Tổng thống Mỹ Trump, mục tiêu của Mỹ là kiếm tìm thế “bá chủ” trong khu vực. Đến kỷ nguyên của đương kim Tổng thống Joe Biden, chính quyền Mỹ dường như đang tiếp tục theo đuổi mục tiêu này.
Thời gian qua, Pháp đã tham gia nhiều cuộc tập trận cùng với Ấn Độ, Australia, Nhật Bản, và Mỹ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi tăng tính “tự chủ chiến lược” của châu Âu trước Mỹ, nhưng trên thực tế Pháp đang có những động thái xích lại gần Mỹ.
Trung Quốc đã để mắt đến các hành động này của Pháp.
Nếu nhìn từ góc độ của Trung Quốc thì tín hiệu chiến lược khó chịu đầu tiên của Pháp là vào năm 2019, khi nước này cho tàu chiến Vendemiaire đi qua eo biển Đài Loan. Đây không phải là lần đầu tiên tàu Pháp đi qua một vùng biển nhạy cảm như vậy. Điều đáng nói là việc đó diễn ra trong bối cảnh tàu chiến Mỹ thường xuyên thực hiện các hoạt động hàng hải “chọc tức” Trung Quốc. Và Trung Quốc đã phản ứng cứng rắn, rút lại lời mời Pháp tham gia cuộc diễu binh hải quân nhân kỷ niệm 70 năm hải quân Trung Quốc.
Cho dù việc tàu Pháp đi qua eo biển trên là hợp pháp thì Trung Quốc vẫn coi đó là mối đe dọa và đi ngược lại chính sách một Trung Quốc của nước này. Hoặc ít nhất Trung Quốc coi đó là hành động thiếu thân thiện.
Sau đó vào tháng 2/2021, Pháp công bố đã đưa tàu ngầm tấn công hạt nhân Emeraude cùng một tàu hỗ trợ đi qua Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly gọi đây là “bằng chứng rõ ràng về khả năng của hải quân Pháp triển khai lực lượng ở xa, trong thời gian dài, cùng với các đối tác chiến lược của chúng tôi là Australia, Mỹ, và Nhật Bản”.
“Có hệ thống”
Các động thái này cần được xem xét trong chính sách chiến lược tổng thể của Pháp. Hồi năm 2018, Tổng thống Pháp Macron đã kêu gọi tạo ra một trục Paris-Delhi-Canberra để giành được sự tôn trọng từ phía Trung Quốc. Năm 2020, Tham mưu trưởng hải quân Pháp Pierre Vandier nói: “Chúng tôi muốn thể hiện sự hiện diện của chúng tôi với khu vực… Đây là một thông điệp nhắm tới Trung Quốc. Đây là một thông điệp về đối tác đa phương và về tự do đi lại”.
Trong khi đó, Trung Quốc thực sự nhận ra sự khác biệt giữa hoạt động quá cảnh thông thường và các nỗ lực chủ động của Mỹ trong thực thi “tự do hàng hải”.
Thực tế, một tàu chiến Đức từng có kế hoạch đi qua Biển Đông nhưng Đức tuyên bố rằng tàu này sẽ không đi vào vùng lãnh hải sát các thực thể ở Biển Đông. Mỹ thông cảm với điều đó, và vẫn tuyên bố họ hoan nghênh sự ủng hộ của Đức cho trật tự quốc tế dựa trên luật lệ
Hiện nay một tàu hộ vệ và một tàu tấn công lưỡng cư của Pháp đang lên đường tới Biển Đông. Không rõ lần này các tàu này có đi qua eo biển Đài Loan hay không. Nếu có, phản ứng của Trung Quốc chắc chắn sẽ không dễ chịu chút nào. Còn nếu không, có thể Pháp không muốn kích động Trung Quốc thêm nữa. Quan hệ Pháp-Trung Quốc có thể xấu đi nếu tàu Pháp đi qua eo biển Quỳnh Châu giữa bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam. Nhưng một số thông tin cho hay, đây chính là điều mà Pháp định làm.
Trung Quốc cho rằng eo biển Quỳnh Châu nằm trong lãnh hải 12 hải lý của mình còn Mỹ (và có vẻ cả Pháp nữa) cho rằng eo biển này là vùng biển quốc tế. Để tránh nguy cơ xung đột giữa Pháp và Trung Quốc, hai nước có lẽ phải trao đổi phân định rõ các vấn đề liên quan./.
Theo VOV