.Lấy hình mẫu của nhóm Bộ Tứ, Pháp, Ấn Độ và Úc mong muốn tăng cường tầm ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Pháp – Ấn Độ – Úc tăng cường hợp tác
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, các ngoại trưởng tại Đối thoại Raisina thường niên, Pháp, Ấn Độ và Úc cho biết họ đang chia sẻ kế hoạch tăng cường sự hiện diện của mình ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, làm hình mẫu cho sự hợp tác chặt chẽ hơn sau những nỗ lực của Bộ Tứ Quad (Mỹ – Ấn Độ – Úc – Nhật Bản) trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải. Ba Ngoại trưởng phát biểu trong cuộc thảo luận trực tuyến hôm 14/4 trong hội nghị do Bộ Ngoại giao Ấn Độ và Quỹ Nghiên cứu Người quan sát (trụ sở tại New Delhi) tổ chức.
Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar cho biết trong cuộc họp tiếp theo, nhóm ba nước sẽ thảo luận về “các điều tương tự” với danh sách các chủ đề trong chương trình nghị sự của Đối thoại An ninh Quad, gồm các vấn đề hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và phân phối vắc xin, giáo dục đại học và sự di chuyển của sinh viên, và công nghệ mới nổi.
Gồm 4 thành viên Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ, Quad phần lớn được nhận định là một tổ chức ra đời nhằm kiềm chế Trung Quốc ngày càng hiếu chiến hơn. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gọi nhóm này là “NATO tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” và nói rằng nhóm đặt ra một “rủi ro an ninh lớn”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Jaishankar hôm 14/4 bác bỏ những lời chỉ trích của Bắc Kinh mà không nêu đích danh nước này, nói rằng việc coi Bộ tứ với NATO là một “trò chơi điều khiển trí óc mà những nước khác đang sử dụng”
“Mọi người cần phải quên ý nghĩ cho rằng chúng tôi hợp tác với nhau là một mối đe dọa hoặc một thông điệp nhắm tới một nước nào đó,” ông Jaishankar nói về hợp tác Bộ tứ và nhóm ba bên Pháp – Ấn Độ – Úc. Sau cuộc họp của các nhà lãnh đạo Quad vào tháng trước, Đại tá Nhậm Quốc Cường, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh phản đối nhóm này vì nó tuân theo “tâm lý thời Chiến tranh Lạnh”.
Vào hôm 14/4, ngoại trưởng Ấn Độ một lần nữa không đề cập đích danh Trung Quốc trong lúc tuyên bố nhóm Quad “vượt lên tâm lý Chiến tranh lạnh, chứ không phải thúc đẩy nó”.
“Tôi không để người khác có quyền phủ quyết về những gì tôi sẽ thảo luận với đối tác và khả năng đóng góp của chúng tôi cho thế giới,” ông Jaishankar nói. Ngoại trưởng Úc Payne cũng đưa ra tình huống để 3 quốc gia đóng vai trò tích cực hơn trong khu vực, thể hiện mong muốn cơ bản thúc đẩy nhóm là nhu cầu về “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cởi mở, linh hoạt và hòa nhập”.
Các tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Pháp, Ấn Độ và Úc đang trở thành một nhóm ngoại giao ngày càng tích cực.
Theo cựu đại sứ Ấn Độ Rajiv Bhatia, Paris đang tìm cách xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Quad thông qua hợp tác ba bên Pháp-Ấn-Úc .“Quad không có khả năng được mở rộng và thay vào đó nó sẽ có các thành viên bổ sung theo hình thức ‘Quad +’, khi đó các quốc gia như Pháp có thể tham gia,” ông Bhatia nói và cho biết Paris nằm trong danh sách những nước tìm cách phát triển quan hệ với nhóm an ninh.
Đô đốc Philip Davidson, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, cho biết Quad là “viên kim cương của các nền dân chủ” nên hướng tới sự mở rộng.Ông Bhatia nói thêm, nhóm 3 bên gồm Pháp cũng là một thông điệp gửi đến Trung Quốc từ cả Ấn Độ và Úc , ngay cả khi không có sự mở rộng của Quad.
Phản hồi tích cực từ Pháp
Về phần mình, Pháp đang có dấu hiệu phản hồi tích cực. Ngoại trưởng Pháp Jean – Yves Le Drian, hôm thứ 13/4 cho biết Paris đồng ý tham gia Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương do Ấn Độ khởi xướng, tập trung vào các vấn đề như an ninh hàng hải, sinh thái, các nguồn tài nguyên và kết nối thương mại.
Ngoài việc mời các nước Quad tham gia cuộc tập trận hải quân La Perouse được tổ chức vào đầu tháng này, các tàu chiến hải quân Pháp cũng sẽ tham gia cuộc tập trận Varuna của Ấn Độ vào cuối tháng này.
Các tổ chức đa phương khác, từ EU đến NATO, cũng đang báo hiệu ý định trở thành một phần của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Vài giờ sau khi ba ngoại trưởng phát biểu, David McAllister, chủ tịch ủy ban đối ngoại của Nghị viện châu Âu cho biết trong cuộc thảo luận tại Đối thoại Raisina rằng khu vực này có “tầm quan trọng lớn về kinh tế, chiến lược và địa chính trị đối với Châu Âu”.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị