Vì sao mãi đến tận cuối thế kỷ 18 thì bộ hiến pháp thành văn đầu tiên của nhân loại mới xuất hiện? Tại sao xã hội hoàng quyền phương Đông xưa lại chưa từng xuất hiện qua hiến pháp?
Hiến pháp là một hệ thống quy định những nguyên tắc chính trị căn bản và thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền. Hiến pháp thành văn đầu tiên của nhân loại là hiến pháp Hoa Kỳ. Đây cũng là bản hiến pháp lâu đời nhất và nổi tiếng nhất với trên 200 năm lịch sử. Từ khi có hiệu lực vào năm 1789, hiến pháp Hoa Kỳ đã được tham khảo nhiều lần để làm mô hình cho các hiến pháp của những quốc gia khác. Người ta ca ngợi rằng hiến pháp Hoa Kỳ là thể hiện của tinh thần khoa học, tiến bộ và nhân bản của người Mỹ trong việc xây dựng một nhà nước cộng hòa đầu tiên trên thế giới trong lịch sử cận đại.
Pháp viện tối cao của nước Mỹ, trên thực tế là Pháp viện hiến pháp. Điều đó có nghĩa là những luật khác có tính mâu thuẫn với hiến pháp thì đều trở thành không có hiệu lực. Khi pháp luật hiện có của Mỹ không thể đưa ra được phán quyết, thì Pháp viện sẽ căn cứ vào nguyên tắc của hiến pháp để ra phán quyết. Vậy nên hiến pháp là tiêu chuẩn tối cao của luật pháp Mỹ.
Nhưng điều này cũng đã chỉ ra một câu hỏi lớn: Vì sao mãi đến tận cuối thế kỷ 18 thì bộ hiến pháp thành văn đầu tiên của nhân loại mới xuất hiện? Tại sao xã hội hoàng quyền Đông phương xưa lại chưa từng xuất hiện qua hiến pháp? Mặc dù những nền văn minh lớn đều có lịch sử xuất hiện từ 4.000 đến 5.000 năm về trước.
Trước khi giải thích vấn đề này, chúng ta hãy lấy một ví dụ vô cùng gần gũi với người châu Á: Tại sao rất nhiều nước phương Tây lại có ngày của cha (Father’s day) và ngày của mẹ (Mother’s day) mà người phương Đông lại chẳng hề có điều này? Liệu có phải là chúng ta không biết ơn cha mẹ, không hiếu thuận với cha mẹ?
Tất nhiên là không phải như vậy. Trong văn hóa truyền thống có câu nói rằng: “Bách thiện hiếu vi tiên”, có nghĩa là trong trăm cái thiện thì chữ Hiếu đứng đầu. Người phương Tây sau khi trưởng thành, kết hôn liền rời xa cha mẹ để sinh sống độc lập. Bởi vì con cái không sinh sống cùng cha mẹ, nên cần phải thông qua ngày của cha, ngày của mẹ để thể hiện lòng hiếu kính. Nhưng ở phương Đông, rất nhiều nơi là tồn tại các gia đình 2, 3, hay 4 thế hệ, vậy nên mới có câu “Tứ đại đồng đường”. Bởi vì con cái sống cùng cha mẹ, sớm chiều thăm hỏi, ngày ngày đều báo hiếu, cho nên thực ra mỗi ngày đều là ngày của cha, ngày của mẹ, thật sự không cần một ngày chuyên biệt nào nữa.
Cũng tương tự như vậy, câu hỏi: “Tại sao xã hội hoàng quyền không cần hiến pháp?” có thể được trả lời ngắn gọn là: Bởi vì xã hội hoàng quyền thật sự không cần hiến pháp nào nữa.
Vì ảnh hưởng của tuyên truyền, ngày nay người ta thường gán cho xã hội xưa là cực quyền, phong kiến, chuyên chế, bất công. Nhưng trên thực tế, người dân thường thời xưa, ngoài một số nghĩa vụ nộp thuế, tòng quân và lao dịch (mà chúng ta ngày nay gọi là đóng thuế, nghĩa vụ quân sự và lao động công ích) ra, thì cuộc sống không hề bị ảnh hưởng nhiều bởi chính phủ.
Hãy thử lấy một ví dụ để so sánh: Vào triều đại nhà Đường ở Trung Hoa xưa, dân số ước tính là từ 50 đến 80 triệu người, còn số lượng quan viên là 643 người. Trong khi đó, ở Việt Nam hiện nay chẳng hạn, với dân số vượt mốc 90 triệu người năm 2014, chỉ tính riêng khối cơ quan hành chính nhà nước đã có 275.620 công chức.
Điều đó chỉ để nói lên một thực tế rằng cuộc sống của người xưa rất ít bị ảnh hưởng bởi chế độ chính trị. Thời ấy, giao thông và thông tin liên lạc là vô cùng khó khăn cho nên ở những huyện thị cấp dưới, dường như hoàn toàn là người dân tự trị. Từ ý nghĩa này mà nói, dân chúng rất ít quan tâm đến chính trị. Đương nhiên thời bấy giờ cũng không cần chế định “Hiến pháp” để ràng buộc, ước thúc quân quyền. Luật pháp lúc đó cũng tương đối đơn giản, đúng sai đều dựa phần lớn vào tiêu chuẩn đạo đức.
Người xưa còn có câu rằng: “Quân quyền Thần thụ”, hàm ý là quyền lực của nhà vua hay hoàng đế là do Thần ban cho. Ý tứ của quan niệm này chính là, nếu nhà vua rời bỏ Thiên đạo, làm những việc khiến dân chúng đau khổ, thương thiên hại lý, thì tất nhiên Thần linh sẽ thu hồi quyền lực của nhà vua, dân chúng lúc đó sẽ khởi nghĩa, “thế Thiên hành đạo”, Thần linh cũng sẽ giúp đỡ để người dân “thay triều đổi đại”.
Mặc dù trong xã hội hoàng quyền có câu rằng “Hoàng thượng vạn tuế”, nhưng quan niệm thực chất của người xưa lại là vận mệnh hoán chuyển, triều đại tuần hoàn. Thật vậy, Tam Quốc Diễn Nghĩa đã bắt đầu bằng một cảnh báo của trời đất về thảm họa, và kết thúc bằng một đạo trời không thể cưỡng lại được là: “Hợp rồi tan, tan lại hợp, đó cũng là lẽ nhiệm mầu của trời đất vậy”. Một vương triều vận số đã hết thì nên có vương triều kế tiếp lên thay thế nó. Mà dấu hiệu báo trước điều đó lại chính là việc kẻ cầm quyền đi theo hướng áp bức, hủ bại, coi thường người dân.
Hơn thế nữa, người xưa cũng có thể dựa vào những kinh điển về đạo đức như các kinh sách của Nho gia, để chỉ ra chỗ sai trái của kẻ cầm quyền. Những vị quan lại trong triều cũng có thể dũng cảm hy sinh tính mệnh của mình để can ngăn Vua. Các sử quan cũng kiên trì ghi chép lại chính xác những việc tốt xấu của Hoàng đế. Một vị sử quan tên là Đỗ Chính Luân đã từng nói với Đường Thái Tông rằng: “Chức trách của thần chính là ghi chép lại lời nói của Bệ hạ, nếu như Bệ hạ nói lời sai trái thì chẳng những ảnh hưởng đến dân chúng hiện tại mà còn khiến người đời sau cười nhạo ngài”.
Người xưa vẫn luôn cho rằng, “kính Trời” là cái gốc của sự thành lập một vương triều, “đạo nghĩa” là cái gốc để thi hành chính sách. Vậy nên về lý mà nói, người ta không cần phải có quá nhiều luật lệ ước thúc. Bởi vì nếu nhân tâm không thay đổi, thì khi không có ai nhìn thấy, người ta vẫn dám làm bừa.
Lấy “Quân quyền Thần thụ” làm tiêu chuẩn để kính Trời đất, lấy “Kinh điển Nho gia” để bảo trì đạo đức, lấy sự dũng cảm của Sử quan để viết đúng sự thật, ba yếu tố ấy đã đủ để ước thúc kẻ cai trị, tương đương với hiến pháp hiện đại rồi.
An Hòa