Vị giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội này cho biết thống kê và xác suất là 1 trong 3 mảng kiến thức quan trọng của môn Toán trong chương trình phổ thông mới, do vậy môn xác suất – thống kê sẽ được đưa vào giảng dạy bắt đầu từ lớp 2 cho đến lớp 12.
Trong bài trả lời phỏng vấn Vietnamnet, PGS.TS Ngô Hoàng Long – một trong số giảng viên cốt cán được tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết qua lĩnh hội từ các thành viên ban xây dựng chương trình môn Toán mới, thống kê và xác suất được xác định là một trong 3 mảng kiến thức quan trọng của môn học này.
Cụ thể, 3 mảng kiến thức chính của chương trình môn Toán mới bao gồm: Đại số và một số yếu tố giải tích; Hình học và đo lường; Thống kê và xác suất, đặc biệt chú trọng nội dung thống kê.
Theo PGS.TS Long, chương trình phổ thông mới muốn đẩy mạnh ứng dụng của Toán học và xác suất và thống kê là mạch kiến thức rất tốt để thực hiện nhiệm vụ đó.
Trước đây, thống kê được dạy một chút ở lớp 4 và 5, lên cấp THCS học sinh được học ở lớp 7 và cấp THPT là ở lớp 10. Còn xác suất chỉ xuất hiện trong chương trình lớp 11.
Tuy nhiên, theo chương trình mới, thống kê sẽ được đưa vào giảng dạy bắt đầu từ lớp 2 cho đến lớp 12. Ở cấp tiểu học, môn học sẽ chiếm khoảng 3% tổng thời lượng chương trình môn Toán và được nâng dần lên, đến cấp THPT chiếm khoảng 14%.
Lấy ví dụ về nội dung thống kê ở lớp 2, ông Long cho biết học sinh sẽ làm quen với những thống kê kiểm đếm rất đơn giản, như trong 1 bức tranh cụ thể có bao nhiêu bông hoa, cái bút; phân biệt có bao nhiêu bút xanh, bao nhiêu bút đỏ v.v.
Đối với các cấp học khác, ông Long cho biết việc tăng về mặt kiến thức là không đáng kể mà chủ yếu ở thời lượng, để học sinh có thời gian xây dựng những kỹ năng giải quyết các bài toán thống kê.
Lý giải về việc đưa nội dung này vào dạy học từ lớp 2, PGS Long cho biết, ngoài các kỹ năng tư duy cơ bản thì học sinh ngày nay cần phải có kỹ năng tư duy về mặt thống kê và xác suất để vận dụng xử lý, phân tích thông tin. Việc có kiến thức về xác suất, thống kê sẽ giúp học sinh có nhận thức và khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn hơn.
PGS Long cũng cho rằng đưa nội dung này vào dạy học từ lớp 2, cái khó không nằm ở phía học sinh mà ở phía các giáo viên. Thầy cô cần nâng cao trình độ, nhận thức được đúng đắn nội dung của xác suất, thống kê để truyền đạt cho học sinh không bị sai, bởi có những khái niệm nếu bị sai hoặc bị truyền đạt sai khi lên các cấp học cao hơn, học sinh sẽ rất khó sửa. Ngoài ra, việc giáo viên chuyển từ dạy học theo chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học cũng là một thử thách.
Xuân Lan