Việt Nam cũng là quốc gia được chọn cho những ngành công nghệ hàng đầu thế giới.
Sáng ngày 27/11, trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã diễn ra toạ đàm “Thay đổi – Bất biến” với sự tham gia của Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ các thời kỳ.
Tại đây, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT – ông Trương Gia Bình, cũng là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ khoá đầu tiên, cho biết mục tiêu lớn nhất lúc ấy của ông chỉ có một, đó là thay đổi cách nhìn của xã hội về doanh nhân. “Vì trên báo chí khi ấy, doanh nhân là những người trọc phú, con buôn, sống sa đoạ. Điều đó rất khác với những gì chúng tôi đang làm: đầu tắt mặt tối, hàng chục năm không có một ngày nghỉ”, Chủ tịch FPT bày tỏ. Doanh nhân trẻ thời kỳ đó còn không dám xuất hiện, chỉ ẩn nấp ở đâu đó.
Tuy nhiên, ông Trương Gia Bình muốn khẳng định vị thế của đội ngũ doanh nhân. Đó là những người đang tạo ra giá trị tài sản, nộp thuế cho đất nước. Đó là những con người vất vả, nếu người xưa một nắng hai sương thì doanh nhân làm việc cả đêm.
“Và chúng ta có trái tim tử tế. 30 năm trôi qua, hôm nay tôi hỏi các vị Chủ tịch Hội (của các thời kỳ) rằng chúng ta đã hoàn thành sứ mệnh ấy chưa, thì các Chủ tịch đều bảo là “Chưa”. Hôm nay, tôi muốn nói với tất cả anh chị em, chúng ta phải tiếp tục khẳng định vai trò của mình, chúng ta phải trở nên thành những con người tốt đẹp nhất trong xã hội Việt Nam”, ông Trương Gia Bình nói thêm.
Ông Phương Hữu Việt, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Á, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ khoá II đồng tình với ý kiến này. “Đầu tiên hãy là người tử tế. Thứ hai là khát vọng”. Khát vọng đó trở thành khát khao để từng ngày từng giờ, từng cá nhân, doanh nghiệp làm việc để đưa Việt Nam vươn ra toàn cầu. Vị Chủ tịch Ngân hàng TMCP Việt Á cho rằng Việt Nam nên tranh thủ lúc này, đến năm 2030, phấn đấu luôn nằm trong top dân số thông minh, chỉ số nguồn nhân lực tốt, có nền kinh tế GDP xếp thứ 15 thế giới, đồng thời thị trường tiêu dùng Việt Top 10 toàn cầu.
“Đây là thời khắc để Việt Nam toả sáng”
Đó là lời nhận định của cả ông Trương Gia Bình và ông Mai Hữu Tín, lần lượt từng giữ vai trò Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam khoá I và IV.
Theo ông Bình, Việt Nam là quốc gia được chọn cho những ngành công nghệ hàng đầu thế giới. Việt Nam không chỉ làm sản xuất đơn thu thuần mà là công xưởng công nghệ mới của thế giới. Trong khi đó, ông Mai Hữu Tín – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Đầu tư U&I trích dẫn số liệu từ năm 2017 đến cuối năm 2022. Cụ thể, trong 5 năm này, tỷ lệ hàng hoá dịch vụ của người Mỹ nhập từ Trung Quốc đã giảm từ 22% xuống còn 17% chỉ trong 5 năm. Trong khi đó, hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ tăng từ 2% lên 4%, tức gấp đôi trong 5 năm.
“Đó là mức tăng chỉ có Việt Nam đạt được trong giai đoạn đó. Tôi tin chắc cón số này sẽ còn tăng nữa, và không chỉ tăng về hàng sản xuất mà còn tăng về hàm lượng chất xám, công nghệ. Chúng ta đủ sức làm được những việc to tát hơn cho đất nước. Nếu nói đây là thời điểm cho Việt Nam thì tôi hoàn toàn đồng ý. Đó là điểm tựa rất vững chãi để ta nói về tương lai”, ông Mai Hữu Tín nhận định.
Vị Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khoá IV cũng nói thêm, chưa có đất nước nào ở khu vực châu Á làm được mô hình Hội doanh nhân trẻ như Việt Nam. Đây đất nước duy nhất của châu Á có hệ thống xuyên suốt và tập trung từ Trung ương đến tất cả các tỉnh thành trên cả nước, tạo ra lực đẩy lớn để doanh nghiệp, doanh nhân tham gia vào việc hình thành chính sách, góp tiếng nói vào công cuộc phát triển đất nước, đồng thời tạo nền tảng để các bạn trẻ khởi nghiệp ở từng địa phương có nơi nương tựa, đi lên.
Doanh nhân trẻ Việt Nam giờ đây khi đi ra quốc tế không chỉ bằng tâm thức học hỏi, thu lượm, mà còn với tư cách đồng vai phải lứa, là đối tác quan trọng trên thế giới. Ông Tín cho rằng, đó là vấn đề về tâm thức. Nếu đi ra ngoài với tâm thức đi học thì đồng nghĩa rằng bạn là một học trò, nhưng khi ra ngoài với tâm thức người cùng đóng góp, dựng xây, thì đó mới là cơ sở để doanh nhân làm được những điều to tát hơn, không còn bị giới hạn về tư tưởng.
Hoàng Thuỳ-Theo An ninh Tiền tệ