Trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung mà nhiều người cho rằng ‘Mỹ đang đâm đầu vào chỗ khó’ này, ông Trump vẫn còn một quân át chủ bài có thể khiến Trung Quốc khiếp sợ.
Nhìn lại cuộc chiến thương mại
Sau gần một năm áp đặt các biện pháp thuế quan mạnh dần lên hàng hóa Trung Quốc với lý do trừng phạt những hành vi thương mại không công bằng, cho tới nay, Hoa Kỳ đã áp dụng gói thuế quan trị giá 250 tỷ đô la, trong khi Trung Quốc áp dụng thuế quan 110 tỷ đô la lên hàng hóa đối phương.
Ngay từ khi tranh cử tổng thống, ông Trump đã bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội: ”Trung Quốc không phải là đồng minh hay bạn bè, họ muốn đánh bại chúng ta và sở hữu đất nước của chúng ta”. Trong năm 2017, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã liên tục điều tra về các hành vi và chính sách của Trung Quốc liên quan đến thâm hụt thương mại, rằng có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Hoa Kỳ hay không, đồng thời điều tra các hoạt động chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ của nước này.
Ngày 22/3/2018, ông Trump ký bản ghi nhớ trong đó chỉ đạo áp thuế đối với một số sản phẩm công nghệ cao của Trung Quốc. Sau khi bị Mỹ áp thuế (10-25%) đối với thép và nhôm, Trung Quốc đã đáp trả bằng thuế trị giá 3 tỷ đô la lên một số sản phẩm của Hoa Kỳ. Ngày 3/4/2018, sau khi USTR công bố danh sách các sản phẩm được đề xuất phải chịu mức thuế tiềm năng 25%, Trung Quốc đã phản ứng gay gắt và đề xuất mức thuế 25% đối với 106 sản phẩm (trị giá 50 tỷ đô la) của Mỹ.
Đến 17/4/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ kết luận rằng công ty viễn thông Trung Quốc ZTE đã vi phạm lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ khi bán thiết bị cho Iran, từ đó các công ty Hoa Kỳ bị cấm làm ăn với ZTE trong 7 năm. Sau đó, một loạt các động thái của hai bên cho thấy tình hình có vẻ bớt căng thẳng, nhưng sau đàm phán, cuộc chiến thương mại đã chính thức nổ ra từ ngày 6/7/2018. USTR công bố danh sách thuế quan thứ hai và thứ ba với giá trị cao hơn. Trung Quốc kiện Hoa Kỳ lên WTO nhưng chính quyền Trump tiếp tục đe dọa các mức thuế quan mới.
Ngày 22/9/2018, Trung Quốc hủy bỏ cuộc đàm phán thương mại với Mỹ. Ngày 24/9/2018, hai nước thực hiện vòng thuế quan thứ ba, Hoa Kỳ áp dụng thuế quan đối với 200 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc, nâng tổng số tiền lên 250 tỷ đô la. Trung Quốc đáp trả bằng việc áp dụng thuế quan lên 60 tỷ đô la hàng hóa Mỹ.
Ngày 2/12/2018, hai nước đồng ý đình chiến tạm thời và tổ chức nhiều cuộc đàm phán cho tới tháng 4/2019, và cũng đã đồng ý thành lập văn phòng thực thi thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, đến 5/5/2019, ông Trump đe dọa sẽ tăng thuế đối với Trung Quốc và Trung Quốc cũng đáp trả bằng thông báo tăng thuế. Diễn biến tiếp tục với xu thế leo thang, khi mới đây ông Trump tuyên bố có thể áp thuế lên 300 tỷ đô la hàng hóa của Trung Quốc khi thời điểm đến.
Chiến tranh thương mại chuyển hướng thành cuộc chiến tổng lực
Cuộc chiến thương mại bắt đầu bước sang giai đoạn mới sau khi Hoa Kỳ xếp Huawei vào danh sách đen từ ngày 16/5/2019. Đáp lại, Trung Quốc tiếp tục tăng thuế trong gói 60 tỷ đô la hàng hóa và thiết lập danh sách các công ty Hoa Kỳ không đáng tin cậy của riêng mình và tuyên bố điều tra công ty FedEx của Hoa Kỳ.
Việc cấm các công ty trong nước mua hàng của Huawei không chỉ mở rộng thương chiến sang lĩnh vực công nghệ, mà còn được cho là cuộc tấn công nhằm bảo vệ an ninh quốc gia của chính quyền Trump. Đồng thời với đó là một loạt các biện pháp phi thương mại như: Áp dụng chính sách hạn chế sinh viên và nghiên cứu sinh Trung Quốc đến học tập và nghiên cứu tại Mỹ, thu hồi thị thực của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, đệ trình dự luật cho phép Mỹ trừng phạt các cá nhân và tổ chức liên quan tới các hoạt động phi pháp và nguy hiểm tại Biển Đông, thắt chặt việc xét duyệt visa và có thể từ chối visa đối với những người vi phạm nhân quyền và những người bức hại tín ngưỡng tôn giáo… Và mới đây là việc công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập và sẵn sàng cung cấp vũ khí để giúp đảo quốc này tăng cường phòng thủ, đồng thời gọi Mông Cổ là đối tác đáng tin cậy trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương. Những động thái trên đã liên tiếp đẩy căng thẳng Mỹ – Trung lên một tầm cao mới.
Giới chuyên gia cho rằng, việc sử dụng các quốc gia khác là cách tấn công mới của ông Trump trong cuộc “cạnh tranh về tầm nhìn của các nền văn minh”, chứ không chỉ là thương mại với Trung Quốc. Tổng thống Trump không chỉ giúp các quốc gia vốn bị coi là thế dưới, là “đối tượng bắt nạt” của Trung Quốc, mà còn góp phần chấm dứt sự “ngây thơ châu Âu”, khiến các nước này nhận ra sự nguy hiểm của Trung Quốc đối với an ninh, kinh tế và mô hình dân chủ phương Tây.
Trong tháng 3/2019, Liên hiệp châu Âu (EU) đã đưa ra cơ chế theo dõi và thẩm định tình hình đầu tư nước ngoài, cho phép Ủy hội châu Âu có quyền nêu ý kiến khi có bất kỳ khoản đầu tư nào “đe doạ đến an ninh hoặc trật tự công cộng” của ít nhất hai quốc gia thành viên, hoặc làm suy yếu một dự án có quy mô toàn châu Âu, như dự án vệ tinh Galileo. Nhiều người cho rằng đây là kết quả của những quan ngại trước tham vọng kinh tế của Trung Quốc tại châu Âu. Sau lệnh cấm vận Huawei của tổng thống Trump, nhiều doanh nghiệp châu Âu cũng dừng giao dịch với công ty này.
Theo ông Dương Hiến Hồng – chủ tịch Liên đoàn Bảo vệ Nhân quyền tại Trung Quốc của Đài Loan – thì đây không chỉ là cuộc chiến thương mại mà còn là cuộc chiến về những giá trị phổ quát. Trung Quốc phải nhượng bộ vì họ đang đương đầu với các giá trị phổ quát của thế giới: tự do, dân chủ và nhân quyền.
Mâu thuẫn ý thức hệ trong lịch sử và sự nhân nhượng vì quyền lợi kinh tế
Theo giáo sư Zhiqun Zhu thuộc ngành Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại ĐH Bucknell, bang Pennsylvania (Mỹ), thì kể từ chuyến thăm lịch sử của cựu Tổng thống Richard Nixon tới Trung Quốc vào năm 1972, người Mỹ đã thống nhất quan điểm rằng: Một Trung Quốc mở cửa và thịnh vượng sẽ đem lại lợi ích cho nước Mỹ.
Trong suốt quãng thời gian này, Hoa Kỳ thực sự kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ ngày càng trở nên dân chủ và “giống Mỹ” hơn sau khi hội nhập sâu hơn vào hệ thống tự do quốc tế mà Mỹ dẫn đầu. Nên dù có một vài sự kiện ở mức độ tội ác chống lại nhân loại như thảm sát ở Thiên An Môn, đàn áp người bất đồng chính kiến, đàn áp tôn giáo, đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các học viên Pháp Luân Công, hay như vụ máy bay của hai bên va chạm ở đảo Hải Nam năm 2001… Mỹ vẫn không đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc.
Sau một vài căng thẳng và lên án dè chừng, Mỹ và phương Tây nhanh chóng quay trở lại với niềm tin rằng Trung Quốc có thể sẽ khoan dung hơn, và sự thịnh vượng về kinh tế sẽ dẫn đến tự do hóa chính trị.
Nhưng họ đã lầm.
Trung Quốc ngày càng tự mãn rằng mình có thể bắt giữ, tra tấn và giết hại những công dân vô tội mà không phải chịu bất kỳ sự trừng phạt nào. Họ che giấu nền dân chủ giả hiệu cốt để duy trì quyền lực bằng lợi ích kinh tế. Và như cựu hoa hậu Canada Anastasia Lin từng nói: “Một số ý kiến gây tranh cãi cho rằng chủ nghĩa thực dụng đòi hỏi chúng ta phải gác lại một bên các nghĩa vụ đạo đức và pháp luật, vì lợi ích thương mại. Nhưng nếu chính phủ Trung Quốc coi thường quyền lợi của chính người dân của họ, thì tại sao các công ty và các nước phương Tây lại hy vọng sẽ được đối xử với sự công bằng hay theo nguyên tắc?”.
Và có vẻ như ông Trump đã nhận ra sự giảo hoạt trí trá của chính quyền Trung Quốc. Những gì ông đang làm không chỉ để khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại mà còn khiến những giá trị lệch lạc của Trung Quốc phải bị gột rửa và hòa nhập cùng với những giá trị phổ quát của nhân loại.
Với bản chất gian dối vốn hình thành từ thứ văn hóa Trung Quốc mới kỳ dị, chính quyền Bắc Kinh đã tạo ra các rào cản phân biệt đối xử trong thương mại, bật đèn xanh cho xâm phạm sở hữu trí tuệ và đánh cắp bí mật thương mại, còn các công ty Trung Quốc thì sẵn sàng phá hoại hệ thống thương mại toàn cầu.
Ông Andy Puzder, tiến sĩ luật đồng thời là giám đốc điều hành CKE tại Mỹ, đã chia sẻ trên kênh truyền thông Fox News rằng: Tổng thống Trump không phải người khởi xướng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, trái lại, chính ông mới là người cố gắng chấm dứt và giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại do Trung Quốc phát động chống lại Mỹ.
“…Chính vì những nỗ lực của Tổng thống Trump mà người Mỹ bắt đầu nhận ra rằng chiến tranh thương mại Mỹ – Trung là một cuộc chiến mà người Mỹ hoàn toàn có thể chiến thắng được”.
Quân át chủ bài
Trong cuộc chiến giữa những giá trị về dân chủ và tự do của Mỹ với sự giả dối và lừa lọc của Trung Quốc, ông Trump sẽ cần tới những biện pháp phơi bày bản chất và bộ mặt xú bại của chính quyền Bắc Kinh. Những gì Trung Quốc vi phạm và chống lại quy luật ứng xử chung của quốc tế, chống lại chính nghĩa và sự tự do… phải bị vạch trần.
Vì những thủ đoạn của Trung Quốc khi giao thương với các quốc gia châu Âu, ông Trump đã giúp châu Âu minh bạch. Vì Trung Quốc chèn ép các quốc gia láng giềng, ông Trump đứng ra bênh vực và tỏ ý hỗ trợ họ trong quốc phòng. Vì Trung Quốc đàn áp tín ngưỡng và vi phạm nhân quyền, ông Trump đã đưa ra biện pháp trừng phạt đối với những quan chức có liên quan.
Cựu hoa hậu Canada đã nói: “Cũng như mọi kẻ độc tài, Trung Quốc chỉ sợ sức mạnh”. Ông Trump có vẻ rất hiểu điều này khi không chỉ gây sức ép trên mặt trận thương mại, mà còn từng bước tấn công Trung Quốc trên các lĩnh vực như an ninh, công nghệ, thị thực, giáo dục và sự cạnh tranh về tầm nhìn của các nền văn minh khi dùng các quốc gia khác uy hiếp Trung Quốc.
Thời thế đang ủng hộ Tổng thống Trump. Nhân kỷ niệm 30 năm vụ đàn áp Thiên An Môn, cả thế giới đã chú ý hơn tới tội ác không bao giờ đáng bị quên lãng này. Nhân dân Hồng Kông liên tục bày tỏ quan điểm chống đối trước chính sách cai trị độc quyền của Trung Quốc. Phương Tây cũng như nhiều “nạn nhân” khác của Trung Quốc cũng đang nhận ra rằng: sự nhân nhượng của họ và việc đánh đổi đạo đức lấy lợi nhuận kinh tế sẽ không bao giờ khiến chính quyền Trung Quốc thay đổi. Bản thân họ cũng từng chịu thiệt thòi trong quá trình giao thương với Trung Quốc.
Ông Tập gần đây đã có những động thái bớt căng thẳng hơn khi gọi ông Trump là bạn và gọi sự đối đầu Mỹ – Trung là “xung đột thương mại” thay vì “chiến tranh thương mại”. Ông đang đứng trước những lựa chọn quan trọng đối với vận mệnh quốc gia và cả vận mệnh chính trị của mình. Nhưng nếu muốn có một lựa chọn tốt cho nhân dân Trung Quốc, ông Tập phải cho phương Tây thấy được thay đổi từ trong bản chất của chính quyền Trung Quốc. Nếu tiếp tục duy trì những giá trị quan đối ngược với phần còn lại của thế giới, Trung Quốc có thể sẽ khiến cuộc đối đầu kinh tế bước sang giai đoạn khốc liệt nhất.
Lúc đó, quân át chủ bài của ông Trump có thể dùng, cũng chính là lá bài mạnh mẽ nhất, đó là: lật tẩy tội ác kinh hoàng của Bắc Kinh với chính người dân của họ suốt bao nhiêu năm qua. Khi để nhân dân Trung Quốc biết sự thật, họ sẽ có thêm thông tin để đưa ra lựa chọn sáng suốt.
Vậy hãy để người dân trong nước cũng thấy được điều đó. Đó sẽ là con át chủ bài, là làn sóng cuối cùng trước bá quyền Trung Quốc, từ đó mở ra con đường để người dân Trung Quốc thực sự đưa đất nước mình hội nhập với dòng chủ lưu của thế giới: bảo vệ và tôn vinh các giá trị phổ quát mà họ đã đánh mất từ lâu.
Thuần Dương