Mục tiêu thực sự của ông Tập Cận Bình là chiến thắng một cách tuyệt đối cuộc chiến 15 năm, kéo dài đến 2035 với Mỹ, chuyên gia bình luận.
Cuộc Vạn lý trường chinh mới
Chuyến thăm gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến tỉnh Giang Tây, điểm khởi đầu của cuộc Vạn lý trường chinh 1934 – 1936. Đặt một lẵng hoa trước đài tưởng niệm, ông Tập phát biểu, Trung Quốc hiện đang trong một cuộc Vạn lý trường chinh mới để vượt qua những thách thức to lớn ở trong và ngoài nước.
Cuộc Vạn lý trường chinh mới là chiến lược đối phó của ông Tập với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhiều ngày sau chuyến công du đến Giang Tây, ông Trump có mặt ở Tokyo, phát biểu với các phóng viên rằng, Washington không sẵn sàng cho một thỏa thuận trừ phi Trung Quốc chịu nhún để phù hợp với yêu cầu của Mỹ.
Một nhà nghiên cứu chính sách Trung Quốc cho rằng, sẽ là sai lầm nếu chỉ đơn giản cho rằng ông Tập sẽ thay đổi quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Mục tiêu thực sự là để chiến thắng một cách tuyệt đối cuộc chiến 15 năm, kéo dài đến 2035 với Mỹ.
Cuộc chiến này sẽ đi kèm với một lựa chọn rút lui, tránh đối đầu với Tổng thống Trump, nhà nghiên cứu nói.
Kế sách Vạn lý trường chinh từng được áp dụng khi quân đội của Quốc dân đảng, cố gắng bao vây lực lượng của Đảng Cộng sản, giành được chỗ đứng, các tướng lĩnh Hồng quân đã quyết định từ bỏ thành trì và bắt đầu cuộc trường chinh kéo dài hai năm.
Lực lượng Hồng quân đầu tiên đi về phía tây, sau đó về phía bắc, cuối cùng đã đi hơn 12.000 km.
Sau khi kết thúc cuộc Vạn lý trường chinh, Đảng Cộng sản đã chống chọi lại trong thành trì mới của mình, ở Diên An, tỉnh Thiểm Tây, và cuối cùng đã giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Quốc dân đảng, thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, vào năm 1949 tròn 15 năm sau cuộc trường chinh, bằng kế sách tránh đối đầu trực diện với một kẻ thù mạnh hơn.
15 năm chiến đấu đến mục tiêu cuối cùng
Áp dụng phép ẩn dụ khi nhắc đến cuộc Vạn lý trường chinh, có thể thấy Trung Quốc đang đối mặt với một tình huống rắc rối không kém. Thuế quan của Washington đối với các công ty lớn của Trung Quốc, đặc biệt là Huawei Technologies, khiến Trung Quốc gặp bất lợi.
Một kết quả không thể tránh khỏi là làn sóng cắt giảm việc làm đã bắt đầu lan sang các nhà sản xuất Trung Quốc, lĩnh vực thương mại điện tử và các công ty nước ngoài hoạt động trong nước.
Khái niệm Cuộc Vạn lý trường chinh mới thuận lợi cho ông Tập theo 2 cách:
Đầu tiên, viện dẫn cuộc đấu tranh lịch sử sẽ giúp đoàn kết trong đảng, đang ngày càng hoài nghi phương thức giải quyết các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.
Thứ hai, nhắc đến cuộc lui quân lịch sử là một cách chuẩn bị tinh thần cho người dân về một thỏa hiệp với Tổng thống Trump. Ví động thái này như là một sự “rút lui tạm thời” để tránh một cuộc đụng độ trực diện – theo tinh thần của Vạn lý trường chinh – sẽ làm cho bất kỳ sự nhượng bộ nào có vẻ như đều đã nằm trong dự tính.
Trong một động thái bất ngờ, ngày 22/5, Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp báo cho các cơ quan truyền thông nước ngoài tại Bắc Kinh. Tại đó, Zhang Yansheng, nhà nghiên cứu chính tại Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc, đã dự đoán một cuộc chiến cực kỳ dài hạn giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hai nước sẽ vừa đàm phán nhưng mặt khác cũng chiến đấu cho đến năm 2035, ông Zhang, đồng thời là tổng thư ký của Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia của Trung Quốc, nói. Nhận thức về sự cần thiết phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh kéo dài đến năm 2035 đang bắt đầu lan rộng khắp Trung Quốc.
Năm 2035 là thời điểm mà Đảng Cộng sản đặt ra tại Đại hội toàn quốc cuối cùng vào năm 2017, về cơ bản hiện thực hóa “hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa”. Có nghĩa là, đây là năm mục tiêu để Trung Quốc vượt qua Mỹ về kinh tế và công nghệ.
Hiện tại Trung Quốc còn 15 năm rưỡi để đến đích, phù hợp với khoảng thời gian 15 năm từ cuộc Vạn lý trường chinh cho đến khi giành thắng lợi.
Đối với Trung Quốc, cuộc đụng độ hiện tại với Washington vẫn là cuộc giao tranh mở màn của cuộc chiến dài hạn. Cách viện dẫn cuộc Vạn lý trường chinh có thể giúp ông Tập có được sự nhượng bộ, khôi phục lại nội dung bản dự thảo, hoặc ít nhất là gần nhất với nội dung cũ trước đó.
Trong khi đó, đề cập đến các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, hiện đang trên bờ vực sụp đổ, Tổng thống Trump bày tỏ thái độ không hài lòng về việc dỡ bỏ đơn phương các nội dung quan trọng trong dự thảo của Bắc Kinh.
Đầu tháng 5, Trung Quốc đã xóa tới 30% nội dung dự thảo, cắt giảm từ 150 trang xuống 105 trang.
Tổng thống Trump tuyên bố: “Chúng tôi đang nhận hàng chục tỷ USD thuế quan. Và con số đó có thể tăng lên rất, rất nhiều, rất dễ dàng. Nhưng tôi nghĩ, trong tương lai, Trung Quốc và Mỹ sẽ hoàn toàn có một thỏa thuận thương mại tuyệt vời. Và chúng tôi mong muốn điều đó”.
Như vậy, dù cho mỗi nước có một cách khác nhau nhưng liệu hai nhà lãnh đạo đều đang tiến đến cùng một kết quả?
theo Trí Thức Trẻ