Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT Hoàng Nam Tiến, một trong những khả năng của ông là “không tham lam”. Trong những trường hợp có xung đột, ông thường chấp nhận quay đi bởi “cuộc đời này vô số cơ hội”.
Trong podcast FPT Edu Chill của FPT Education, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT Hoàng Nam Tiến đã chia sẻ những góc nhìn về giáo dục, cuộc sống được đúc kết sau hàng loạt trải nghiệm.
Đề cập tới quan điểm về giáo dục, ông Tiến chỉ ra rằng những người đi làm đều biết việc giỏi văn, giỏi toán khi đi học không chứng minh được là chúng ta làm giỏi. Mỗi người sở hữu một năng lực riêng, có thể kể đến như giỏi về âm nhạc, hội họa, vận động… Khi những người này phát huy được năng lực ngoài xã hội, không ai còn quan tâm họ giỏi văn hay toán.
“ Thế hệ của tôi và các bạn đều bị đánh giá là thế hệ “ngoan cố”, vì trong học bạ luôn ghi là “con luôn ngoan ngoãn và cố gắng”. Nhưng ngày hôm nay, tất cả các bạn Gen Z đều hiểu phẩm chất quan trọng nhất là tư duy độc lập và năng lực phản biện. Nếu suốt ngày bị lấy văn và toán ra để đánh giá con người, làm sao các bạn Gen Z có thể tồn tại, đứng vững trong thời đại ngày nay?
Tôi thấy mình rất may mắn khi bố mẹ đã đối xử với tôi theo cách mà Gen Z mong được đối xử. Đấy là khác biệt so với rất nhiều bố mẹ ngày xưa. Tôi nghĩ mỗi đứa bé là một thế giới riêng biệt, phải được sống với những gì là của mình. Tệ nhất cho trẻ con là phải sống với những ước mơ của bố mẹ. Tôi đã nhìn thấy hàng nghìn đứa trẻ phải cố công học piano, violin, vì hồi trẻ bố mẹ chúng muốn thế ”, ông Tiến bày tỏ.
Khi được hỏi về những khả năng khác của bản thân ngoài toán học và công nghệ thông tin, ông Tiến cho biết cũng nhờ bố mẹ, ông có khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh, ra quyết định nhanh chóng “mặc dù có thể không chính xác”, xét đoán con người khá ổn.
“ Tôi có một khả năng nữa là không tham lam, chắc cũng ảnh hưởng từ ba mẹ. Trong những trường hợp có xung đột, cần sự tranh giành quyết liệt, thường thì tôi chấp nhận quay đi. Tôi nghĩ rằng cuộc đời này có vô số cơ hội, không việc gì phải sống chết tranh giành thứ gì đấy. Nếu ai đó quyết tâm tranh giành, mình cứ để cho người ta ”, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT nêu quan điểm.
Trước câu hỏi về cột mốc trưởng thành, thay vì câu chuyện trượt đại học từng được đề cập nhiều lần, ông Tiến kể lại rằng ông lấy vợ và có con từ rất sớm.
“ Năm thứ 3 đại học tôi đã lấy vợ và sau đó có con, khi chưa đủ tiền để nuôi chính bản thân mình. Tôi vẫn nhớ một trong những câu cực kỳ đau mà ba tôi nói: “Tóm lại từ giờ tôi phải nuôi cả vợ con cậu phải không?”.
Lúc đó tôi nói với ba rằng: ‘Ngày đầu tiên con ra trường cũng sẽ là ngày cuối cùng con xin tiền của ba’. Ông nhún vai và quay đi. Tất nhiên ông không tin. Nhưng sau khi ra trường, tôi đã làm được đúng như thế. Áp lực lúc đó là đã có một vợ một con 2 tuổi.
Tôi làm ở FPT từ ngày ra trường. Những năm tháng đầu tôi làm 2 việc. Ban ngày làm ở FPT, tối đi làm thêm. Tất cả thứ bảy, chủ nhật đều đi làm. Tôi duy trì mỗi ngày làm 14-18 tiếng trong suốt 10 năm. Mãi về sau này khi đã có vị trí tại FPT, thu nhập tốt, tôi mới bắt đầu giảm dần cường độ ”, ông Tiến chia sẻ.
Theo Minh Anh-Nhịp sống thị trường