Không có nghề nào nghèo, chỉ có những người chưa biết cách kiếm tiền từ nghề của mình.
Chú Vương (72 tuổi) là một nông dân ở Chu Châu, Hồ Nam (Trung Quốc). Cuối năm 2013, chú bán rau tại một quầy hàng ở khu dân cư Thâm Quyến, nơi con trai mình đang sinh sống.
Dù chỉ bán rau, mỗi năm chú Vương đã kiếm được hơn 500.000 NDT/năm (1,7 tỷ VNĐ). Thu nhập trung bình mỗi tháng là 42.000 NDT (145 triệu VNĐ).
Điều này khiến nhiều người thắc: Làm thế nào mà chú Vương có thể kiếm tiền “khủng” chỉ từ nghề bán rau như vậy?
Bí quyết 1: Phân loại hàng theo nhu cầu người mua, chú trọng khâu sơ chế
Chú Vương phát hiện rằng khách hàng đến mua có thể được chia thành 2 nhóm. Một nhóm luôn thích mua đồ tươi ngon; một nhóm muốn mua đồ đơn giản, ít phải sơ chế, dễ nấu.
Chính vì thế, chú đã chuẩn bị cả hai nhóm rau để đáp ứng nhu cầu của tất cả các khách hàng.
Loại đầu tiên là những món rau trông tươi ngon, đẹp mắt. Mỗi ngày, khi thương lái đến giao rau cho mình, chú Vương cùng người phụ trách quầy hàng sẽ nhặt sẵn rau, chỉ giữ lại những phần có màu sắc đẹp mắt, sau đó dùng màng thực phẩm bọc lại. Loại hàng này rất được giới văn phòng ưa thích.
Loại thứ hai là những món rau dễ nấu. Chú Vương và người phụ trách quầy hàng sẽ gọt khoai tây, ngắt đậu đũa thành từng đoạn, cắt bí đỏ thành từng khúc, nói cách khác là bán rau thành phẩm.
Giá thành tuy đắt hơn hẳn 30% nhưng dân văn phòng và người già tay chân không còn nhanh nhẹn vô cùng ưa chuộng.
Bí quyết 2: Phân phối rau thành phẩm đến các nhà hàng nhỏ
Kiểu bán rau thành phẩm của chú Vương được rất nhiều khách hàng yêu thích, cũng thu hút sự chú ý không nhỏ từ các quán ăn nhỏ trong khu dân cư. Tuy giá cả có đắt hơn một chút, nhưng bù lại, chủ quán sẽ tiết kiệm được không ít chi phí thuê người sơ chế.
Có quá nhiều loại rau cần sơ chế qua, mà mỗi mình chú Vương làm thì không xuể. Trong khi đó, ở khu dân cư gần chợ lại có rất nhiều người già không có việc gì làm. Chú đã tận dụng nguồn nhân lực nhàn rỗi này để nhặt, sơ chế rau cho mình, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng.
Bí quyết 3: Trở thành người tư vấn món ăn cho khách hàng
Tại một số cửa hàng, ông chủ không chỉ phải bán rau mà còn đáp ứng một số “đòi hỏi vô lý” của khách. Ví dụ, một số khách hàng mua khoai tây muốn nhờ gọt vỏ và cắt nhỏ. Hay có một số người lại muốn mua rau được nhặt sẵn…
Nhu cầu khách hàng sẽ được ưu tiên đáp ứng tối đa, chẳng hạn như một số người muốn ăn một loại rau nào đó, thì ông chủ có thể ra chợ mua riêng cho họ.
Từng làm đầu bếp trong căng tin cơ quan, chú Vương đã phát huy hết khả năng ẩm thực của mình bằng cách tư vấn thực đơn cho khách hàng. Chẳng hạn, chú sẽ hướng dẫn khách làm thế nào để chế biến rau thành các món chay, kết hợp củ quả gì cùng các món thịt,…
Ngoài ra, chú Vương cũng cất công đến hàng in để làm những tấm thiệp, giới thiệu về cách nấu nướng từng loại rau. Bất cứ ai quan tâm, chú đều phát cho họ tham khảo.
Bí quyết 4: Giảm giá cho khách quen
Những người thường xuyên đi chợ rau chủ yếu là người già và các bà nội trợ. Họ vốn là những người chủ ý chi tiêu và có tính toán. Có cụ già còn mang theo cả cân điện tử khi đi mua rau đề phòng bị lừa.
Vì vậy, muốn kinh doanh tốt thì phải chiếm được cảm tình của nhóm người này. Có nhiều ông chủ bán hàng rất chặt chẽ, tính đúng đến từng xu. Việc này tưởng như có lợi nhưng thực tế trái ngược hoàn toàn.
Chú Vương nhờ người khắc một con dấu lớn, in lên túi đựng thực phẩm đạt tiêu chuẩn quốc gia, rồi phát cho khách hàng. Những lần sau đó, nếu khách hàng mang theo túi này đi mua rau sẽ được giảm giá tới 5%.
Bên cạnh đó, chú Vương cũng để ý từng trải nghiệm nhỏ của khách hàng. Bất cứ ai đến mua rau, dù ít hay nhiều, chú đều tặng họ thêm chút ít hành lá làm quà. Tuy điều này không đáng là bao, nhưng khiến nhiều khách hàng cảm động.
Nhờ những bí quyết này, công việc kinh doanh của chú Vương càng ngày càng thuận lợi. Quầy hàng rau trở nên nổi tiếng trong khu chợ, giúp chú thu về lợi nhuận ổn định.
Người đời có câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Chỉ cần nhiệt tình làm việc, trau dồi kỹ năng thì dù làm ngành nghề nào cũng có thành tựu. Chú Vương chính là một ví dụ điển hình.
Trong xã hội này, không có gì là không thể, chỉ cần có năng lực thì chuyện kiếm tiền không phải quá khó. Có thể giờ bạn chỉ là một thợ xây, nhưng trong tương lai bạn có thể trở thành một người thợ xây với thu nhập cả chục triệu đồng.
Theo Thể thao văn hoá