Bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch PNJ cho biết một số người trong công ty đã xin nghỉ hưu sớm sau vài chục năm liên tục học tập và thay đổi. Nhiều lúc họ đặt ra câu hỏi rằng công ty đang tốt, tại sao phải tái cấu trúc?
“Nói về cái mới, trong cuộc đời lãnh đạo của tôi, ngày hôm sau tôi luôn nghĩ về những gì đã làm ngày hôm qua, tự hỏi mình đã làm gì tốt hơn cho công việc của mình và công ty, luôn luôn đi tìm xem mình có thể làm gì mới hơn không.
Đặc biệt, công ty của chúng tôi luôn luôn tái cấu trúc sau 5 năm, xuất phát từ tư duy phải luôn đổi mới. Ngày hôm nay, mặc dù như thế này, mình vẫn không tự hài lòng với chính mình và nghĩ rằng mình còn nhiều việc phải làm hơn nữa”, bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch Tập đoàn PNJ chia sẻ tại Diễn đàn Lãnh đạo Doanh nghiệp trẻ Việt Nam 2023 do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HANOIBA) tổ chức, với chủ đề “Tư duy mới, hành động mới”.
Khi được hỏi làm thế nào để có thể đưa tư duy đổi mới vào trong một tổ chức, bà Dung chỉ ra rằng đó chính là văn hóa học tập. Theo lời kể của Chủ tịch PNJ, một số người đồng hành cùng bà mấy chục năm đã xin nghỉ hưu sớm dù chưa đến tuổi. Họ nói rằng trong quá trình làm việc không bao giờ thấy đủ về tri thức, và bây giờ muốn dừng lại để học những thứ khác ở bên ngoài khi đã có thế hệ trẻ tiếp nối.
“Nhiều lúc các bạn nói rằng công ty đang tốt, tại sao phải tái cấu trúc? Thực tế trong công ty hiện nay có mình tôi và một bạn nữa thuộc thế hệ cũ. Còn lại nghỉ hết vì mệt quá”, nữ Chủ tịch 66 tuổi cho hay.
Đề cập tới những khó khăn trong quá trình đổi mới, bà Dung cho rằng cản trở lớn nhất với tư duy mới đến từ chính mình. Liệu người lãnh đạo có dám từ bỏ những gì mình từng gây dựng và tự hào hay không?
“Cái mà tôi và Trí Thông (CEO của PNJ) đang học là bỏ đi, quên đi những gì mình đã làm. Đấy là trở lực lớn nhất trong tư duy, rồi mới đến đội ngũ. Anh phải dũng cảm nhận ra những điều đã cũ cần đập bỏ”, Chủ tịch PNJ phát biểu.
Hồi tưởng lại thời điểm năm 2008 khi tình hình kinh tế thế giới khủng hoảng, bà Dung đã mời nhiều người về đào tạo đội ngũ, nhưng không thấy sự đột phá. Mãi tới khi đọc được một cuốn sách, bà mới nhận ra vấn đề nằm ở chỗ tư duy chưa thay đổi, nên dù có thực hiện bao nhiêu chương trình cũng không hiệu quả.
Sau khi dành tận 1 năm làm “cách mạng trong tư duy” tại PNJ, nữ Chủ tịch mới mời đội ngũ cố vấn nước ngoài vào. Lúc đó, khi tất cả đều đã đổi mới trong tư duy, công việc mới thông suốt.
Tuy nhiên, một vấn đề mà bà Dung rút ra trong quá trình đổi mới liên tục là không phải người nào, tổ chức nào cũng có thể đưa tư duy mới vào được, ngay cả khi người lãnh đạo đã cố gắng chia sẻ, làm gương, định hướng.
“Trong một tổ chức, đến một lúc sẽ phải chịu thương đau. Cũng đội ngũ đó đi theo mình, cũng công thức đó, cách truyền đạt đó, thay đổi đó, nhưng mình không thay đổi được con người đó.
Mình phải dũng cảm quyết định rằng dù người đó đã đi với mình rất lâu, có cống hiến, nhưng cũng đành phải chia tay. Mạnh dạn chia tay mới có thể dẫn dắt tổ chức đi lên với những con người chịu thay đổi và có tầm nhìn mới, tư duy mới”, Chủ tịch PNJ đúc rút.
Minh Anh-Theo Nhịp sống thị trường