Với ưu điểm dễ nuôi, đầu ra ổn định, nhiều vùng đất có điều kiện phù hợp ở tỉnh Cà Mau đang phát triển hình thức cho sò huyết “chung nhà” với tôm. Với cách làm này giúp nông dân thu lợi nhuận cao, nhiều hộ vươn lên khá giả.
Cho sò huyết “chung nhà” với tôm sú
Tại tỉnh Cà Mau, hình thức cho đặc sản sò huyết “chung nhà” với tôm sú trong nuôi vuông bắt đầu xuất hiện từ hơn 10 năm trước.
Tại xã Việt Thắng, huyện Phú Tân, nông dân bắt đầu phong trào nuôi sò huyết từ khoảng năm 2014. Đến năm 2015, địa phương nhận thấy đây là loài con đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao, nên đã vận động người dân áp dụng mô hình.
Ở những năm sau đó, phong trào nuôi ghép sò huyết trong vuông tôm phát triển mạnh tại địa phương.
Đến ấp Má Tám, xã Việt Thắng, chúng tôi có dịp gặp gỡ với các tổ viên trong tổ hợp tác nuôi sò huyết thương phẩm. Từ mô hình cho loài đặc sản sò huyết “chung nhà” với tôm đã giúp cho cuộc sống của nhiều hộ dân trở nên khấm khá.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Dư – Chủ tịch Hội Nông dân xã Việt Thắng, cho biết, tổ hợp tác được thành lập vào năm 2018 với 25 thành viên có diện tích sản xuất khoảng 25ha. Với hình thức nuôi sò huyết trong vuông tôm đã giúp các hộ dân có thêm nguồn thu nhập đáng kể.
“Tuy sò huyết là loài dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, nhưng không phải nơi nào cũng nuôi được. Tại xã Việt Thắng có mấy ấp nằm gần sông Bảy Háp, mặt đất ngày xưa là bãi bồi, về sau mới trở thành các vuông tôm, nên có lượng phù sa dồi dào. Đây là điều kiện thích hợp để sò huyết phát triển”, ông Dư cho hay.
Ở mỗi vụ, các thành viên tổ hợp tác sẽ lựa chọn nguồn sò huyết giống phù hợp. Thông thường các hộ sẽ bắt đầu thả giống sò huyết từ khoảng tháng 5, 6 âm lịch. Sò huyết nuôi trung bình từ 6-7 tháng là có thể bắt đầu thu hoạch. Bình quân mỗi năm, tổ hợp tác thả từ 8-9 tấn sò huyết giống.
Lợi nhuận cao hơn nuôi tôm sú từ 2-3 lần
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Mai Hằng, tổ trường tổ hợp tác nuôi sò huyết thương phẩm ấp Má Tám, cho hay: “Con sò huyết rất dễ nuôi, nhưng phát triển tốt nhất là trong điều kiện ở vùng nước nhiều phù sa, độ mặn khoảng 20 phần ngàn. Ở mùa thuận, bà con thường thả giống sò huyết từ khoảng tháng 6 âm lịch. Thời gian gần đây một số hộ bắt đầu thả giống sò huyết ở mùa nghịch (khoảng tháng 3 âm lịch) để bán được giá cao hơn”.
“Tính trung bình, cứ 1 tấn sò huyết giống (nuôi trên diện tích 1ha) nông dân có thể thu lãi thấp nhất khoảng 300 triệu đồng, có hộ nuôi đạt thì thu 500 triệu đồng là bình thường. Thu nhập từ con sò huyết cao hơn nuôi tôm sú từ 2-3 lần”, ông Hằng chia sẻ.
Riêng gia đình ông Hằng bắt đầu nuôi sò huyết trong vuông tôm từ năm 2014. Ở vụ sò huyết năm rồi, ông thả 20 triệu đồng tiền con sò huyết giống cho khu vực khoảng 3.000m2. Sau khi trừ chi phí ông Hằng lãi 66 triệu đồng.
“Ở vụ nuôi này, tôi thả 1 tấn sò huyết giống cho 1ha đất vuông. Sò huyết giống được mua với giá 160.000 đồng/kg (loại 600 con). Sau khoảng 7 tháng nuôi, tôi chuẩn bị thu hoạch sò huyết, qua kiểm tra tỷ lệ đạt trên 70%. Hiện giá sò huyết được thương lái thu mua ở mức khoảng 150.000 đồng/kg (loại 70 con/kg) ở mùa thuận, còn mùa nghịch thì khoảng 170.000 đồng/kg”, ông Hằng cho biết.
Nói về kinh nghiệm nuôi sò huyết trong vuông tôm, theo ông Hằng, nuôi sò huyết hầu như không tốn công chăm sóc, người nuôi chỉ cần lưu ý ở những ngày có mưa thì nên xả nước mặt trong vuông.
Khi thời tiết lạnh, nông dân cần xả nước cạn, giữ mực nước trong vuông khoảng 3 tấc. Cách làm này giúp con sò huyết có môi trường nước ổn định, phát triển tốt.
Khi thả giống, hộ nuôi cần quan sát lựa chọn con giống đồng đều, khỏe mạnh và thả hình thức rải đều để giảm hao hụt.
Trước khi thả sò huyết giống, nông dân cần xả nước vuông cho cạn, mực nước còn lại từ 2-3 tấc. Sau khi thả giống xong thì lấy nước vào đầy vuông tôm, điều này nhằm kích thích cho con vò vùi xuống bùn, tránh bị cua ăn.
Ngoài ra, ở những tháng 4-7 âm lịch, nông dân nên dọn rong trong vuông; ở tháng 10, 11 thì nên giữ lại, nhằm giúp sò chống chịu thời tiết lạnh.
Ông Huỳnh Hải Dân, tổ viên tổ hợp tác nuôi sò huyết thương phẩm, cho biết: “Vụ rồi, gia đình tôi thả 200kg sò huyết giống trong diện tích 1.000m2, cuối vụ tôi thu về 80 triệu đồng. Các thành viên trong tổ đã có kinh nghiệm nhiều năm nuôi sò huyết trong vuông tôm nên tỷ lệ đạt rất cao, thường từ 60-70%. Việc tận dụng lợi thế tự nhiên kết hợp cùng tích lũy kinh nghiệm, kiến thức để áp dụng vào mô hình đã giúp cho đời sống của các tổ viên ngày một khấm khá”.
Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, Việt Thắng đã chọn sò huyết là sản phẩm đặc trưng của xã. Từ đó, đang có định hướng nhân rộng, phát triển mở rộng thị trường và nâng giá trị con sò huyết. Hiện có hơn 100 hộ áp dụng mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm tại xã.
Theo Dân Việt