Nhiều hộ dân ở huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) lựa chọn nuôi ngựa bạch đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Phan Xuân Thu ở thôn Bản Súng, xã Vân Tùng có mô hình nuôi ngựa bạch với mức thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm.
Ông Thu chia sẻ: Gia đình ông đã lựa chọn chăn nuôi ngựa bạch vì nhận thấy đây là loài vật nuôi có giá trị kinh tế cao nhất, thức ăn của ngựa chủ yếu là cỏ nên không mất chi phí. Hiện nay gia đình ông có 20 con ngựa bạch, trong đó có 10 con ngựa cái, 3 năm trở lại đây ngựa đều sinh sản tốt. Ngựa con khoảng 5 – 6 tháng tuổi là có thể xuất bán, mỗi con có giá khoảng 35 triệu đồng. Theo giá thị trường hiện nay thì đàn ngựa của gia đình ông có giá trị gần 1 tỷ đồng.
Bà Nông Thị Tươi, một người dân ở thôn Bằng Lãng, xã Thượng Quan cho biết trong thôn hiện có đàn ngựa gần 60 con, trong đó có trên 40 con ngựa bạch. Bình quân mỗi hộ nuôi 2 con, chủ yếu là lựa chọn ngựa bạch để chăn nuôi vì giá trị kinh tế cao hơn so với ngựa thường.
Một con ngựa bạch trưởng thành theo giá thị trường hiện nay có thể bán được từ 70 – 80 triệu đồng. Ngoài bán ngựa bạch giống và thịt thương phẩm thì xương ngựa bạch còn được lấy để nấu cao (có tác dụng bồi bổ, tăng cường sức khỏe) nên thị trường tiêu thụ phong phú, tư thương đến tận nơi thu mua.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngân Sơn, hiện nay trên địa bàn huyện có rất nhiều hộ dân đang chuyển hướng từ chăn nuôi trâu, bò sang chăn nuôi ngựa, trong đó một số hộ lựa chọn chăn nuôi ngựa bạch, tập trung nhiều tại các xã Thuần Mang, Thượng Quan, Đức Vân, Vân Tùng và thị trấn Nà Phặc.
So với chăn nuôi trâu, bò thì đặc tính của ngựa phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương nên rất ít khi bị bệnh, chống chịu rét lạnh tốt, giá cả thị trường ổn định hơn và ở mức cao. Do vậy, chăn nuôi ngựa đang giúp người dân trong huyện phát triển kinh tế ổn định và làm giàu.
Được biết, huyện Ngân Sơn hiện có tổng đàn gia súc gần 11.600 con, trong đó đàn ngựa gần 2.000 con. Mặc dù người dân rất muốn mở rộng quy mô chăn nuôi và tăng đàn, nhưng còn gặp một số khó khăn như: Diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi ngựa chưa bảo đảm; nguồn vốn đầu tư xây dựng chuồng trại và con giống lớn; chưa liên kết được thị trường lớn để tiêu thụ ổn định, bền vững.
Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Ngân Sơn nhiệm kỳ 2020 – 2025, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện là cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, hướng tới phát triển an toàn, bền vững, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế trong chăn nuôi của địa phương.
Để hoàn thành mục tiêu, UBND huyện đang tích cực chỉ đạo phòng chuyên môn và các xã, thị trấn làm tốt công tác quy hoạch vùng trồng trọt và chăn nuôi; tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hình thức trang trại, phương thức công nghiệp, hạn chế tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư, chưa bảo đảm vệ sinh môi trường.
Rà soát những mô hình chăn nuôi lớn mang tính liên kết, giải quyết được việc làm cho lao động địa phương và có tính khả thi cao để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn nhằm đưa lĩnh vực chăn nuôi phát triển ổn định, tạo được chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, liên kết bền vững.
Đình Văn (Báo Bắc Kạn)