Cá chạch gai hay còn gọi là chạch sông, cá chạch lấu đã sinh trưởng từ lâu trên vùng lòng hồ Hòa Bình hay tại các sông, suối. Từ năm 2019, anh Trần Hùng Cường, tổ Vôi, phường Thái Bình, TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) đã nuôi thử nghiệm giống cá chạch gai trong lồng ở lòng hồ…
Cá chạch gai hay còn gọi là chạch sông, cá chạch lấu đã sinh trưởng từ lâu trên vùng lòng hồ Hòa Bình hay tại các sông, suối.
Đây là loài cá nước ngọt có thân màu xanh đậm hoặc đen xám, trên thân nhiều đốm vàng hình tròn hoặc bầu dục; vây lưng, vây hậu môn và vây ngực có đốm đen nhỏ, không có vây bụng.
Khi còn nhỏ, thức ăn chủ yếu của cá chạch là giun, ấu trùng, côn trùng, giáp xác nhỏ. Khi lớn, cá ăn côn trùng trưởng thành, tôm tép, cá nhỏ và mùn bã hữu cơ. Đây là giống cá đặc sản cho giá trị kinh tế cao.
Trong những năm gần đây, do việc đánh bắt, khai thác bằng điện bừa bãi nên giống cá này ngày càng hiếm gặp trong tự nhiên và có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Với cá đánh bắt giá bán ngoài thị trường khá cao, những con cá to, hiếm thậm chí có giá hàng triệu đồng/kg.
Trên vùng lòng hồ Hòa Bình đã phát triển nuôi nhiều giống cá nhưng hầu như không nuôi cá chạch gai ở lồng.
Nhiều người cho rằng khí hậu miền Bắc lạnh nên không thích hợp nuôi cá chạch gai trong lồng. Từ năm 2019, anh Trần Hùng Cường, tổ Vôi, phường Thái Bình, TP Hòa Bình đã nuôi thử nghiệm giống cá chạch gai trong lồng ở lòng hồ.
Anh Trần Hùng Cường, xóm Vôi, phường Thái Bình, TP Hòa Bình nuôi thành công cá chạch gai (cá chạch lấu, cá chạch sông) trên lòng hồ Hòa Bình. Cá chạch gai là một loài cá bản địa thịt ngon, thịt giàu dinh dưỡng, là một trong những loài cá đặc sản nên giá bán cá chạch lấu cao.
Anh Cường vốn là kỹ sư chăn nuôi thủy sản, ngoài kiến thức được học anh lặn lội vào Long An tìm hiểu cách thức nuôi cá chạch gai ở đầm, ao, hồ. Có kinh nghiệm thực tế anh quyết định mua 2.000 con giống về nuôi.
Biết đặc tính của cá là trú ngụ trong các hốc đá, anh Cường sử dụng bồn nhựa đục lỗ thả trong bè nuôi. Thức ăn ban đầu với cá bé là tôm tép, cá nhỏ xay nhiễn thả vào khay có lưới ở bồn nhựa.
Cá chạch gai (cá chạch lấu, cá chạch sông) vốn là giống cá bản địa trên vùng lòng hồ nên sau thời gian nuôi cá sinh trưởng tốt, lớn nhanh, không có bệnh.
Anh Cường cho biết: Giống cá này rất khỏe, ít bệnh, thích nghi được nhiều môi trường sống, nhưng thích hợp nhất là nơi có dòng nước chảy, hàm lượng oxy hòa tan cao nên việc tạo môi trường tự nhiên rất tốt cho cá phát triển.
Với số lượng nuôi dày đặc bắt buộc tạo oxy hòa tan nhiều cho nước. Tuy nhiên, vào đầu mùa mưa do nước lên xuống thất thường, nước đầu mùa có nhiều độc tố chảy xuống lòng hồ nên đàn cá bị sục khí. Sau lần đó anh quyết định cắt ống nhựa cỡ 60 và 90mm tạo thành từng bó treo lơ lửng cách mặt nước chừng 1m cho cá chạch gai trú ngụ.
Trước những thành công bước đầu của anh Cường trong việc nuôi cá chạch gai trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, tháng 4/2023, Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ 70% đầu tư cho 3 hộ ở xã Bình Thanh (huyện Cao Phong) nuôi 6.000 nghìn con cá chạch lấu giống, 2,8 tấn cám và viên treo khử trùng.
Ngoài ra ngành chức năng còn hỗ trợ tập huấn kỹ thuật nuôi cá chạch lấu. Đến nay, tỷ lệ cá chạch gai sống đạt 80%, trọng lượng từ 350 – 500g/con; tổng sản lượng khoảng 1,6 tấn cá, giá cá chạch lấu (cá chạch gai, cá chạch sông) là 360.000 – 400.000 đồng/kg.
Đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình cho biết: Cá chạch gai có giá trị thương phẩm cao, nhiều dinh dưỡng, được thị trường ưa chuộng.
Việc nuôi thành công giống cá đặc sản này trên môi trường nuôi lồng là hướng đi mới cho bà con vùng lòng hồ Hòa Bình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Việt Lâm (Báo Hòa Bình)