Chị Nguyễn Phương Lan, một phụ huynh người Việt đang sống tại Mỹ, có mẹ chồng sinh trưởng trong gia đình Do Thái đã chia sẻ lại những kinh nghiệm dạy con về tài chính hữu ích.
Với dân số chỉ khoảng 0,2% tổng dân số toàn cầu nhưng người Do Thái chiếm gần 40% những người nhận giải Nobel và được coi là dân tộc thông minh nhất thế giới. Người Do Thái không phải vốn đã sở hữu tư chất quản lý tài chính tốt ngay từ khi sinh ra. Đó là do họ được cha mẹ dạy bảo kỹ năng quản lý, kiếm tiền và chi tiêu khôn ngoan ngay từ khi còn rất nhỏ.
Chị Nguyễn Phương Lan, một phụ huynh người Việt đang sống tại Mỹ, có mẹ chồng sinh trưởng trong gia đình Do Thái đã chia sẻ lại những kinh nghiệm dạy con về tài chính hữu ích. “Phải nói là bản thân mình quá nể phục và muốn noi gương. Bất cứ cái gì mình mua cho con, đều đặt điều kiện và thử thách, mong con sẽ biết quý trọng những gì con may mắn có được”, chị Lan chia sẻ.
Ba con trai đều thành đạt, giỏi quản lý tài chính nhờ cách dạy của mẹ
Bố mẹ chồng chị Lan có ba người con trai, không có con gái. Người lớn nhất là bác sĩ Trưởng khoa Phẫu thuật não cho trẻ. Người thứ hai là bác sĩ Nha khoa, có thêm bằng Cử nhân Luật. Người thứ ba là kỹ sư, làm việc trong ngành Dầu khí. Cả ba đều giỏi quản lý tài chính và có cơ ngơi ổn định.
Hai ông bà vốn là người gốc Nga và Áo, sinh ra ở Mỹ nhưng sinh trưởng trong gia đình Do Thái – di dân đến Mỹ vào đại chiến thế giới thứ nhất. Chị Lan cho rằng, có thể do mẹ chồng bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế – đã cướp hết mọi thứ của nhà bà mà sau này vẫn khôi phục lại được, nên dù lấy chồng là một bác sĩ tiếng tăm thành đạt, bà vẫn sống và dạy con tiết kiệm một cách đáng kinh ngạc.
“Ngay khi con còn rất nhỏ, bà hay dẫn con đến ngân hàng hằng tuần, cho con một ít tiền, bảo con tự tay nộp và nhận lại sổ tiết kiệm. Bà dạy con nấu ăn, không thuê người giúp việc, giao cho các con làm việc nhà, sửa chữa những thứ lặt vặt, đánh giày cho chồng. Tất cả những việc đó đều được bà trả tiền công, dĩ nhiên thấp hơn giá thị trường.
Nhờ vậy mà cả ba người con đều trở thành những người chồng giỏi kiếm tiền và giỏi làm việc nhà. Ngay từ lúc 6 tuổi, chồng mình đã tự chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả nhà. Bây giờ anh vẫn duy trì thói quen đó với vợ con.
Bà không đi làm, nhưng bà biết dùng tiền chồng kiếm được đem đi đầu tư, để tiền đẻ ra tiền. Bà hay chơi piano ở nhà và thỉnh thoảng đi làm từ thiện. Bà đan móc len rất giỏi, hay tự tay làm áo cho mình và các con. Bà hay đọc sách. Bà tiết kiệm tất cả mọi thứ để dành tiền cho con, nhưng du lịch cùng gia đình và những gì liên quan đến việc học của con, bà sẵn sàng chi tiêu.
Bà cho con vay tiền (có yêu cầu trả tiền lãi, nhưng thấp hơn lãi suất ngân hàng) khi họ muốn mua nhà. Chính vì vậy, không có đứa con nào tị nạnh với nhau, đồng vốn lại được xoay vòng và tất cả các con được lựa chọn mua nhà như ý, phù hợp khả năng tài chính và phấn đấu của mỗi người. Bà chỉ thực sự cho hết tài sản sau khi bà mất đi và biết rằng các con đều ổn định về kinh tế”.
Theo chị Lan, đây là kiểu mẫu gia đình Do Thái đặc trưng. Chồng lo tài chính, vợ ở nhà chăm lo việc nhà và nuôi dạy con, cho dù mẹ chồng chị tốt nghiệp đại học và đã đi làm trước khi lập gia đình. Việc học và tụ họp gia đình được đặc biệt quan tâm.
“Có điều thú vị là, người con thứ hai, được giao quản lý và phân chia gia sản của cha mẹ, đã đi học luật để tìm cách hạn chế tối đa thuế thừa kế cho ba anh em. Không người con nào tị nạnh, tranh chấp mà tất cả đều tin tưởng vào sự phân chia tài sản thừa kế công bằng”, chị Lan chia sẻ.
Cần phân biệt TRẢ CÔNG và PHẦN THƯỞNG
Chính từ những trải nghiệm trong chính gia đình mình, chị Lan rất nể phục mẹ chồng và muốn noi gương. Về cơ bản, chị chỉ mua quà/đồ chơi cho con vào dịp sinh nhật/Noel. Còn trong năm, con muốn mua thì cứ thoải mái lấy tiền túi của mình.
“Con có tiền tiết kiệm ống heo từ PHẦN THƯỞNG (không phải TRẢ CÔNG) cho việc phụ rửa xe hơi, thực hiện các điều đã hứa/cam kết, học tốt ở trường, làm việc nhà… Một khi đã nhận được tiền này, con hoàn toàn tự do và chịu trách nhiệm với quyết định của con. Mình chỉ đưa ra gợi ý/lời khuyên và nghiêm cấm khi con mua đồ chơi không phù hợp hoặc NGUY HIỂM và thức ăn không tốt/có hại cho sức khỏe…”, chị Lan cho biết.
Bà mẹ này chia sẻ, mình có xu hướng hay thử thách và thỏa mãn nhu cầu vật chất của con có điều kiện. Khi con dùng tiền để dành mua thứ con thích, chị khuyến khích con tính toán thật kỹ ngân sách mà con đang có, hoặc nếu chưa đủ tiền mua thì nên lập kế hoạch để kiếm được tiền mau và nhiều hơn bằng cách làm những việc tốt/có ích cho lớp học/môi trường xung quanh.
Tuy nhiên, con nên hiểu sự TRẢ CÔNG theo nghĩa phần thưởng khuyến khích lúc con mới bắt đầu thử làm một việc gì đó trong nhà. Nhưng một thời gian sau, khi con đã làm tốt, nó dần chuyển thành trách nhiệm thì không được nhận tiền thưởng nữa, nhất là các việc chăm sóc bản thân: Dọn giường sau khi ngủ dậy, chọn và chuẩn bị sẵn quần áo cho ngày hôm sau mặc, dọn phòng ngăn nắp….
Khi con lớn hơn một tí, đã ý thức tốt hơn về các trách nhiệm và nghĩa vụ cũng như tính toán giỏi hơn, chị sẽ cho con tiền trợ cấp/quà vặt hàng tháng để con tự cân nhắc, nên mua đồ chơi, ăn vặt hay mua sắm quần áo… Con phải tự chịu trách nhiệm về sự tính toán và kiềm chế mong muốn nhất thời.
“Mình hay nghĩ: Không có cách tốt nhất, mà chỉ là phù hợp nhất. Nên tùy cá tính của con, điều kiện gia đình… mà chọn cách dạy tương ứng. Có điều, như Suze Orman, chuyên gia tài chính của Mỹ nói: Việc sớm dạy con ý thức về cách kiếm tiền và tiết kiệm là rất quan trọng và mình hoàn toàn đồng tình”, chị Phương Lan nói thêm.
Theo Hạ Uyên-Theo Nhịp sống Việt