.Tờ New York Times nhận định, việc xây dựng làng ở biên giới Bhutan tương tự cách mà Trung Quốc đang thực hiện trên Biển Đông: xây dựng trái phép và quân sự hoá các đảo đá.
Sử dụng lại chiến thuật ở Biển Đông?
Trước thời điểm diễn ra Lễ Quốc khánh Trung Quốc vào tháng 10, Bắc Kinh đã kịp hoàn thành xây dựng một khu làng mới ở vùng núi dọc biên giới giữa Tây Tạng và Bhutan. Theo đó, đã có khoảng 100 người chuyển vào sinh sống ở hơn hai mươi ngôi nhà mới xây bên cạnh dòng sông Torsa, theo tờ New York Times.
Vấn đề là, khu làng này chồng lấn vào vùng đất mà Bhutan tuyên bố chủ quyền. Hoạt động xây dựng của Trung Quốc, được các hình ảnh vệ tinh ghi lại, cho thấy một chiến thuật quen thuộc mà nước này đã thực hiện trong nhiều năm: đó là phớt lờ tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của các nước láng giềng và hiện thực hoá các tuyên bố của mình bằng việc đơn phương thay đổi thực trạng.
Đây cũng là cách mà Trung Quốc đang thực hiện trên Biển Đông, khi Bắc Kinh đã xây dựng trái phép và quân sự hoá các đảo đá trong khu vực, bất chấp việc lãnh đạo cấp cao nước này từng tuyên bố ngược lại.
Trong năm nay, Trung Quốc đã đẩy mạnh sự hiện diện quân sự ở khu vực Himalaya và thậm chí là ở khu vực tranh chấp biên giới với Ấn Độ, điều này đã dẫn đến một trong những cuộc đụng độ đẫm máu nhất trong hàng thập kỉ qua giữa 2 nước, khiến 21 binh sĩ Ấn Độ và một số binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng, mặc dù không được công bố.
Kể từ sau khi xảy ra tranh chấp biên giới với Ấn Độ, quân đội Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì ở khu vực mà Ấn Độ từng kiểm soát.
“Cuối cùng, điều này phản ánh quyết tâm kiểm soát ở các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền”, Taylor Fravel, giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh tại trường đại học Công nghệ Massachusetts, nói.
Ngoài ra, điều này cũng phản ánh tham vọng của Bắc Kinh vốn luôn coi trọng vấn đề tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, các lợi ích kinh tế và chiến lược trên bình diện thế giới.
Trung Quốc đẩy mạnh hiện diện quân sự
Việc xây dựng ngôi làng ở Himalaya cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục thực hiện sách lượng mở rộng lãnh thổ ở phía Nam biên giới, bao gồm cả Bhutan.
Trong bối cảnh hoạt động xây dựng tiếp tục diễn ra ở khu vực biên giới tranh chấp, Trung Quốc đã tiếp tục đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với khu bảo tồn động vật hoang dã Sakteng, khu vực nằm ở phía đối diện với nơi ngôi làng được xây dựng.
Nhằm mở rộng biên giới lãnh thổ, Trung Quốc dường như đã bỏ qua nỗ lực đàm phán về biên giới lãnh thổ giữa 2 bên. Vòng đàm phán thứ 25 trong năm nay đã phải hoãn lại do dịch bệnh.
“Trung Quốc dường như đã mất kiên nhẫn”, Tenzing Lamsang, biên tập của tờ Người Butan (The Bhutanese) và Chủ tịch Hiệp hội Truyền thông Bhutan, viết trên Twitter.
Ngôi làm mới nằm ở gần cao nguyên Doklam, nơi giao cắt giữa biên giới Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan. Cao nguyên là nơi xảy ra vụ xung đột kéo dài 73 ngày giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ vào năm 2017.
Bhutan, trong nhiều năm luôn ở thế nằm giữa hai cường quốc, rõ ràng không phải là mối đe doạ an ninh với Trung Quốc. Trong khi đó, việc Trung Quốc có thể kiểm soát khu vực này sẽ giúp quân đội nước này nắm giữ vị trí chiến lược gần khu vực mà Ấn Độ gọi là hành lang Siliguri.
Khu vực này, nơi các chuyên gia quân sự Ấn Độ gọi với tên khác là “Cổ gà”, kết nối Ấn Độ với phần cực đông của nước này và giáp ranh Bangladesh, Myanmar và Trung Quốc.
Thời báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã bác bỏ tuyên bố về khu vực xây ngôi làng nằm trong Bhutan, đồng thời chỉ trích Ấn Độ đang gây căng thẳng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng phía Nam. Một ngày sau, tờ báo này cảnh báo về “các thế lực nước ngoài tham gia vào chiến dịch chỉ trích Trung Quốc dọc khu vực Himalaya”.
Vị trí cụ thể của ngôi làng, gọi là Pangda, xuất hiện trong một loạt các bức ảnh vệ tinh được Maxar Technologies, một công ty có trụ sở ở Colorado công bố. Các bức ảnh cho thấy hoạt động xây dựng đã bắt đầu vào cuối năm ngoái và hiện đã hoàn thành, dường như là gần thời điểm Quốc khánh Trung Quốc vào 1/10.
Ngoài ra, các bức ảnh cũng ghi hình ảnh xây dựng các tuyến đường và có vẻ như là cả các hầm quân sự, Stephen Wood, người phát ngôn của Maxar nói. Cho dù các hầm quân sự này xuất hiện ở khu vực thuộc chủ quyền Trung Quốc, điều này cho thấy Trung Quốc đang muốn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự ở khu vực biên giới Himalaya.
Trung Quốc cũng không dấu diếm việc xây dựng, khi một số báo chí nhà nước đã đăng tải thông tin này.
Ông Fravel cho rằng với các hoạt động xây dựng này, Trung Quốc có vẻ như đã bỏ qua ý định sẽ tiếp tục các vòng đàm phán nhằm tìm giải pháp thoả hiệp với Bhutan.
“Các ý tưởng về thoả hiệp từ những năm 90 có vẻ như không còn được cân nhắc, khi Trung Quốc có lẽ sẽ không rút bỏ khỏi các khu vực này khi đã xây dựng các công trình kiên cố”, ông nói thêm.
Theo Tổ Quốc