Nông dân phường Long Châu, thị xã Tân Châu (An Giang) được tiếp cận, tìm hiểu mô hình chăn nuôi vịt xiêm Pháp hướng thịt kết hợp chế phẩm sinh học hạn chế ô nhiễm môi trường tại hộ anh Nguyễn Quốc Bình, khóm Long Châu…
Hiện nay, chăn nuôi gia súc gia cầm vừa đảm bảo cung ứng ra thị trường sản phẩm sạch, chất lượng, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi luôn là điều ngành chuyên môn thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) tập trung triển khai thực hiện trong nông dân.
Từ những kết quả tích cực đạt được trong thực hiện các mô hình chăn nuôi gà, vịt trên nền đệm lót sinh học, thời gian gần đây, nông dân tại phường Long Châu, thị xã Tân Châu còn được tiếp cận, tìm hiểu mô hình chăn nuôi vịt xiêm Pháp hướng thịt kết hợp chế phẩm sinh học hạn chế ô nhiễm môi trường tại hộ anh Nguyễn Quốc Bình, khóm Long Châu.
Mô hình nuôi vịt xiêm Pháp được thực hiện từ tháng 03/2022, trên diện tích 40m2 nuôi 200 con vịt xiêm. Trước đây, trong chăn nuôi vịt, lượng chất thải từ phân vịt là không nhỏ, khi mô hình được ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi vịt đã giúp tăng khả năng tiêu hóa, giảm mùi hôi thôi và khí độc chuồng nuôi, tạo môi trường trong lành cho đàn vịt phát triển tốt.
Anh Nguyễn Quốc Bình, khóm Long Châu, phường Long Châu, thị xã Tân Châu chia sẻ: “Nhờ Trạm Khuyến nông thị xã cung cấp chế phẩm an toàn sinh học, hiệu quả tăng trưởng của con vịt tốt hơn, lông nó mượt mà hơn, tốt hơn và tỷ lệ thời gian nuôi rút ngắn hơn, tỷ lệ phân đi mùi giảm đi để giảm tác hại đến môi trường”.
Sau 102 ngày nuôi, tỷ lệ nuôi sống đàn vịt hơn 80%, trọng lượng cao nhất gần 04kg/con và thấp nhất 2,5kg/con, anh Bình bán ra thị trường với giá 65.000đ/kg, sau khi trừ các chi phí đã mang về lợi nhuận gần 12 triệu đồng.
“Theo kinh nghiệm nuôi vịt xiêm của tôi từ trước đến nay, có 4 yếu tố để quyết định thành bại trong chu kỳ chăn nuôi là bà con phải chọn nguồn giống phải tốt, thứ hai mô hình an toàn sinh học, quản lý mầm bệnh cho tốt, thứ ba bà con nên tận dụng nguyên liệu tự có ở địa phương, thay thức ăn công nghiệp, chi phí đầu vào nguyên liệu giảm đi. Thứ tư, tìm được thương lái mua ra vào đồng loạt”, anh Nguyễn Quốc Bình chia sẻ thêm.
Ngoài ra, tại mô hình nuôi vịt xiêm của anh Bình, còn tận dụng phụ phẩm cá, cám bắp, bả đậu nành phối trộn và chế biến thức ăn cho vịt, giúp giảm chi phí về thức ăn, do giá thức ăn hỗn hợp công nghiệp tăng cao, qua đó, giúp giảm chi phí về giá thành sản phẩm và tăng lợi nhuận. Đồng thời, mô hình nuôi vịt xiêm Pháp hướng thịt kết hợp chế phẩm vườn sinh thái, kháng sinh thảo dược HN đã mang về kết quả tích cực khi đã giúp giảm tỷ lệ vịt mắc các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp, sản phẩm tạo ra an toàn cho tiêu dùng, do không có dư lượng kháng sinh hóa học.
Ông Hứa Long Sơn, phó Trưởng trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu cho biết: “ Đối với các chế phẩm sinh học hiện nay, thành phần của trong các chế phẩm, các vi sinh vật hữu ích có các loại vitamin, các axit amin thiết yếu, các khoáng chất như trung vi lượng, cấu thành một sản phẩm…
Như vậy, sẽ đầy đủ dinh dưỡng để bổ sung cho vật nuôi cũng rất là tốt, giúp cho cải thiện tiêu hóa của con vịt, các vi sinh vật sẽ tạo ra hàng rào bảo vệ qua các men vi sinh vật đường ruột, để chống lại các điều kiện bất lợi của môi trường bên ngoài, đào thải các loại vi khuẩn bất lợi có trong cơ thể, để tạo kháng thể cho cơ thể chống lại mầm bệnh”.
Đối với chăn nuôi vịt nói riêng và chăn nuôi gia cầm nói chung, yếu tố con giống là quan trọng bậc nhất hàng đầu, cấu thành sản phẩm chăn nuôi, bà con nông dân muốn chăn nuôi tốt nên chọn cơ sở cung cấp con giống uy tín, chất lượng, có kiểm dịch, kiểm soát dịch bệnh của ngành thú y sẽ đem lại năng suất cao, tỷ lệ sống và độ đồng đều cao, góp phần tăng năng suất trong quá trình chăn nuôi.
“Vấn đề sử dụng các chế phẩm sinh học, bà con cần lưu ý, thứ nhất đó vật nuôi phải mạnh khỏe, khi con vật nuôi bị bệnh nhất là bệnh về đường tiêu hóa, tiêu chảy hay những cái bệnh liên quan khác về đường hô hấp, v..v…thì chúng ta tạm ngưng không có sử dụng đến khi nào chúng ta điều trị vật nuôi hết bệnh, mình mới sử dụng tiếp.
Thứ hai là mình muốn sử dụng các chế phẩm sinh học hiệu quả, tốt nhất là chúng ta cho uống vào buổi sáng trước khi ăn khoảng 30 phút hoặc là chúng ta trộn vào thức ăn, để khi trộn vào thức ăn phải để trong 30 phút để cho vi sinh vật sẽ hoạt động lên, sẽ làm tăng tác dụng của các chế phẩm sinh học, khi mà cho con vật ăn vào hoặc là cho uống”, ông Hứa Long Sơn, phó Trưởng trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu lưu ý.
Trong thời gian tới, để nông dân Tân Châu tiếp cận được với mô hình chăn nuôi hiệu quả, Trạm Khuyến nông thị xã sẽ có những đề xuất Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang, ngành nông nghiệp có những dự án, chương trình phát triển chăn nuôi trên gia cầm nói chung và chăn nuôi vịt nói riêng theo hướng an toàn sinh học, đạt năng suất, chất lượng.
Các mô hình chăn nuôi hiệu quả cũng đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng về sản phẩm sạch và an toàn, cũng như chăn nuôi theo hướng Vietgab hoặc hữu cơ theo hướng an toàn để xuất khẩu cho những thị trường khó tính.
Ông Hứa Long Sơn, phó Trưởng trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu cho biết: “Trong thời gian tới, đối với dưới góc độ Trạm Khuyến nông sẽ tìm ra những giống vịt mới ví dụ như các giống vịt xiêm Pháp nhưng tỷ lệ máu về cái giống vịt xiêm Pháp cao hơn. Như vậy, chúng tôi phải tìm Viện trường, những cơ sở giống có uy tín; cũng như các cơ quan của nhà nước để có thể giúp chúng tôi liên hệ, thông qua trình diễn, nếu bà con nhu cầu. Chúng tôi có thể tập hợp lại với số lượng nhiều, có thể giới thiệu những cơ sở giống uy tín, để cho bà con mua được giống đó….”
Theo ông Long Sơn, hướng tới, nếu bà con muốn chăn nuôi phát triển tốt hơn, chúng ta nên thành lập tổ nhóm chăn nuôi, hay là tổ hợp tác cùng mục đích hợp tác lại nhiều thành viên, chúng ta mua giống, mua thức ăn, hay mua thuốc cùng một lúc.
Các thành viên tổ hợp tác chia sẻ với nhau thì giá thành cũng thấp hơn so với mình nuôi nhỏ lẻ, còn nếu chúng ta thành lập tổ nhóm hợp tác như vậy thì thuận lợi cho quá trình sản xuất cũng như trong quá trình đầu ra của sản phẩm…
Từ những kết quả mang lại khi thực hiện mô hình chăn nuôi vịt xiêm Pháp hướng thịt kết hợp chế phẩm sinh học hạn chế ô nhiễm môi trường đã góp phần tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận thêm phương pháp nuôi mới mang lại hiệu quả cao và tăng lợi nhuận trong chăn nuôi.
Huyền Thoại (Đài TT TX Tân Châu/Sở NNPTNT An Giang)