Ông Tường, nông dân nuôi chim két, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) cho biết: “Chim két thì cũng có nhiều chủng loại, nhưng loài chim két bố mẹ có giá thấp nhất cũng từ 4 – 5 triệu đồng/cặp, có loại lên đến 30 triệu đồng/cặp…”.
Dám nghĩ, dám làm và quyết tâm tìm ra hướng đi riêng để phát triển kinh tế gia đình, vượt qua nghèo khó là những gì chúng tôi cảm nhận được khi tiếp xúc với ông Danh Tường, nông dân xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) – người đã và đang thành công với mô hình nuôi chim két sinh sản.
Khi mới lập gia đình ra ở riêng, ông Danh Tường được cha mẹ chia cho hơn 1ha đất nuôi tôm kết hợp với trồng lúa.
Do bản tính cần cù, siêng năng, học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm quảng canh từ vùng lân cận, nên năm nào ông cũng có lợi nhuận khá từ mô hình này.
Chưa dừng lại ở đó, trong một chuyến tham quan cơ sở chuyên nuôi chim kiểng, thấy bản thân có thể phát triển với nghề mới này, ông Tường đã khăn gói lên TP Hồ Chí Minh xin vào làm công cho cơ sở nuôi chim kiểng.
Sau gần một năm “vừa làm, vừa học”, ông Tường đã mua một số loại trứng chim két cùng với máy ấp trứng để thử nghiệm.
Ông Danh Tường chăm sóc bầy chim két đang nuôi trong gia đình tại xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu). Ảnh: C.L.
Sau khi cho ấp trứng chim két thành công, ông Tường đã đầu tư hơn 30 triệu đồng để mua lưới làm chuồng trại, đồng thời tự mày mò làm tổ cho chim ở và tự “biên soạn bí kíp” nuôi chim két sinh sản mỗi tháng đẻ 2 lứa.
Từ những quả trứng bé như viên kẹo, sau gần 2 năm gây nuôi, đến nay ông Tường đã có đàn chim két lên đến vài trăm con.
Khi nuôi và cho chim két sinh sản thành công, ông Tường bắt đầu tìm đầu ra và thị trường mà ông hướng đến là các cơ sở buôn bán, kinh doanh chim cảnh mà trước đây ông từng làm công học lõm kỹ thuật nuôi chim.
Chẳng mấy chốc, ông đã tìm được đơn hàng cho bầy chim két nuôi của gia đình. Mới đây, ông đã xuất bán gần 100 cặp chim két bố mẹ, thu về khoản tiền lãi hơn 50 triệu đồng.
Hiện trong trại nuôi của ông còn gần 200 cặp chim lứa và chim két bố mẹ. Ông Tường cho biết: “Chim két thì cũng có nhiều chủng loại, nhưng loài chim két bố mẹ có giá thấp nhất cũng từ 4 – 5 triệu đồng/cặp, có loại lên đến 30 triệu đồng/cặp.
Do đó, vốn đầu tư ban đầu nuôi chim két là khá lớn nhưng khi nuôi thành công thì chỉ trong thời gian ngắn là mình có thể thu hồi vốn.
Mặt khác, nuôi chim két là mô hình khá mới nên sức mua của thị trường còn rất lớn. Tôi ước tính tết này xuất trại hết chắc lãi khoảng hơn 200 triệu đồng”.
Thấy ông Danh Tường, nông dân xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) nuôi chim két thành công, nhiều người trước đây hoài nghi về tính hiệu quả cũng như lợi nhuận mang lại thì nay thường tới lui đến tham quan.
Ông Tường cũng không giấu nghề, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình với bà con trong xóm ấp, với mong muốn nhiều người có chung niềm đam mê sẽ đạt lại lợi nhuận cao.
Với tính cần cù lao động, siêng năng, sáng tạo, luôn chịu khó tìm tòi học hỏi kinh nghiệm những mô hình làm ăn mới, ông Danh Tường là một tấm gương nông dân Khmer tiêu biểu trong sản xuất, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giúp đỡ cho bà con trong xóm ấp cùng phát triển.
Khôi Nguyên (Báo Bạc Liêu)