Con cà cuống đang bị tuyệt chủng bởi đồng ruộng bị ô nhiễm thuốc trừ sâu, phân hóa học được sử dụng vô tội vạ. Thế nhưng, có một người ở Tuyên Quang đang gây dựng lại môi trường sống cho cà cuống và biến đó thành cơ hội làm giàu.
Câu chuyện khởi nghiệp trái ngành đầy ấn tượng của thầy giáo Nguyễn Chí Thanh, tổ dân phố Thịnh Tiến, thị trấn Sơn Dương (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) khiến nhiều bạn trẻ tò mò và ngưỡng mộ.
Con cà cuống là đặc sản khó nuôi
Dẫn chúng tôi tham quan các bể nuôi cà cuống, anh Thanh bắt lên một con rồi chỉ những đặc điểm thú vị của nó. Anh nói, đây là loài côn trùng sống tự nhiên dưới nước, nơi đồng ruộng, ao hồ.
Do môi trường hiện nay có nhiều thay đổi, cà cuống đang dần biến mất trong tự nhiên. Trong một lần hướng dẫn học sinh nghiên cứu loài cà cuống, tìm hiểu về sinh vật này với những món ăn đặc sản từ chúng, anh rất mê.
Anh bắt đầu mày mò nghiên cứu qua sách, báo. Gom góp được ít tiền, anh bèn bắt xe vào miền Nam “mục sở thị” và lân la học nghề nuôi cà cuống.
Anh Thanh nhớ lại, khi bắt tay vào nuôi loài côn trùng độc đáo này anh gặp không ít khó khăn. Cà cuống là loài đặc biệt khó nuôi, do chưa có kinh nghiệm nên tỷ lệ hao hụt khoảng 70% trên tổng số đàn. Khi đó, thay vì bán lứa đầu để lấy vốn nuôi lứa mới, anh quyết định để toàn bộ cà cuống nuôi sinh sản.
Anh nghiệm ra, vấn đề mấu chốt có lẽ do mình chưa hiểu hết đặc tính của loài cà cuống. Quyết không buông bỏ, anh lại mày mò, tìm hiểu và đúc kết nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật để phát triển và nhân rộng mô hình độc đáo này cho đến hôm nay.
Chia sẻ về cách nuôi cà cuống, anh Thanh cho biết, cà cuống được nuôi trong các bể có kích thước 1m2, mỗi bể nuôi được tầm 100 con. Bên trên có nắp đậy bằng lưới để cà cuống không bay ra ngoài. Các bể nuôi được đặt cây gỗ xung quanh để cho cà cuống có chỗ bám vào đẻ trứng.
Thông thường, cà cuống nuôi khoảng 70 ngày tuổi là có thể sinh sản. Để tỷ lệ trứng nở cao, người nuôi cần lấy ổ trứng ra ngoài để vào thùng xốp chứa nước, đặt mặt trứng quay xuống và cách mặt nước khoảng 30cm. Chỉ cần xịt nước lên ổ trứng mỗi ngày 3 lần, khoảng 5-7 ngày sau nở ra ấu trùng. Ấu trùng sẽ trải qua 5 lần lột xác trong khoảng 27-35 ngày để trở thành con cà cuống trưởng thành.
Anh Thanh chia sẻ, cà cuống là loài rất nhạy cảm với môi trường bên ngoài. Do đó, trong quá trình nuôi, phải tạo môi trường gần giống với tự nhiên, nguồn nước không bị ô nhiễm. Thức ăn của cà cuống chủ yếu là cá nhỏ, phải cung cấp nguồn thức ăn đầy đủ để tránh tình trạng cà cuống cắn nhau, dẫn đến hao hụt.
Hiện nay, tại cơ sở của anh có hơn 15 bể nuôi với khoảng 60 con giống và 2.000 con thương phẩm. Số cà cuống này được xuất ra theo phương thức cuốn chiếu – nghĩa là lứa này xuất đi, lứa khác lớn lên và lứa sau cùng sinh sản thế vào.
Trung bình mỗi năm, anh xuất ra thị trường trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, Yên Bái, Vĩnh Phúc… hơn 5.000 cà cuống thương phẩm với giá 20.000 đồng/con. Ngoài ra, anh còn bán con giống trong thời gian đẻ trứng với giá 300.000 đồng/cặp cho người có nhu cầu nuôi, nghiên cứu.
Khôi phục các sản phẩm từ cà cuống
Cà cuống là loài sinh sản nhanh với số lượng lớn, hiện nay người tiêu dùng chủ yếu chỉ biết đến các món ăn được chế biến từ thịt cà cuống, nhưng giá trị cao nhất là tinh dầu. Tinh dầu trong vắt, có mùi thơm ngào ngạt. Một số vùng phía Bắc, người dân dùng tinh dầu chế biến một món nước mắm nức tiếng.
“Ắt hẳn ít người biết đến loại mắm thượng hạng này. Nếu có dịp ra Hà Nội, bạn sẽ thấy cà cuống như một thứ gia vị đặc trưng của nghệ thuật ẩm thực kinh kỳ. Trong đó, những món ăn truyền thống, mang đậm hương vị Hà Thành như bún chả, chả cá, bánh cuốn, bún thang…phải có thêm nước mắm cà cuống thì mới là điệu nghệ. Ngoài ra, tinh dầu cà cuống có công dụng bổ thận tráng dương, chữa bệnh tiểu đêm, bởi vậy có thể dùng con đực ngâm rượu làm thuốc” – anh Thanh chia sẻ.
Nắm bắt được điều này, ngoài bán cà cuống giống, thịt, anh Thanh nhận thấy nước mắm cà cuống, rượu cà cuống là một trong những sản phẩm còn lưu giữ được tinh dầu của cà cuống, mùi vị thơm ngon, lạ, được thị trường đón nhận.
Tháng 11-2020, anh Thanh cùng 5 người bạn đã liên kết, thành lập Công ty cổ phần Thương mại Hà Tuyên Phú để đầu tư vào dây chuyền sản xuất, chế biến cà cuống nhằm “đi tắt đón đầu” đa dạng hóa các sản phẩm từ cà cuống. Sau một thời gian dài thử nghiệm, công ty đã chế biến thành công nước mắm cà cuống Gia Bảo, rượu cà cuống Hương Xưa, tinh dầu cà cuống Hương Xưa.
Kể từ khi sản phẩm cà cuống được kiểm định bởi llac – MRA đảm bảo đạt chất lượng, khách hàng muốn ăn cà cuống đến với anh ngày một đông hơn.
Thương hiệu nước mắm cà cuống Gia Bảo nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ các đối tác và ngày càng có nhiều đơn hàng đặt hàng từ khắp mọi miền đất nước. Trung bình mỗi năm, công ty xuất bán ra thị trường hơn 20.000 chai nước mắm, 10.000 chai tinh dầu, 5.000 chai rượu. Với giá bán nước mắm cà cuống Gia Bảo là 200.000 đồng/300ml, rượu cà cuống Hương Xưa 100.000 đồng/300ml, tinh dầu 250.000 đồng/5ml, mỗi năm công ty thu lãi hơn 500 triệu đồng.
Câu chuyện của tôi và anh bị đứt quãng bởi một nhóm khách từ Hà Nội đến mong tìm được thứ đặc sản quý này. Họ đến một phần vì hiếu kỳ, muốn ăn thử xem cà cuống thế nào mà được nhiều lời tán tụng đến thế. Nhưng quan trọng nhất là những người trẻ đam mê như anh, họ đến để nhờ anh nhượng lại con giống và tìm hiểu cách nuôi.
Anh Thanh luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm nuôi cà cuống, nhượng con giống và mua lại tất cả thành phẩm cho mọi người để cùng nhau nhân rộng loại côn trùng quý hiếm này. Có như thế, mới cứu được cà cuống khỏi nguy cơ tuyệt chủng và mang lại nguồn thu nhập cao cho người nuôi.
Chia sẻ về giá trị của cà cuống, ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Tuyên Quang cho biết, cà cuống là loài được xếp vào hàng sơn hào hải vị của người xưa. Ngày nay, món cà cuống được nhiều thực khách ưa chuộng làm thức ăn quý.
Nếu thịt của cà cuống cái là món cao lương mỹ vị thì bọng tinh dầu của cà cuống đực có một mùi thơm đặt biệt, là gia vị quý được pha chế vào nước mắm, không thể thiếu trong các món ăn truyền thống như bún chả, bún thang, chả cá…
Ở miền Nam đã có nhiều mô hình nuôi cà cuống thành công và đem lại hiệu quả kinh tế. Đây là một loài có giá trị lớn về kinh tế và khoa học. Do vậy, nếu các mô hình nuôi con cà cuống này ở tỉnh Tuyên Quang có thể nuôi và chế biến chuyên sâu các sản phẩm từ cà cuống thì sẽ có nhiều tiềm năng phát triển.
Lý Thu (Báo Tuyên Quang)