Kể cả khi bị bắt, khi thả ra trích cồ vẫn lăn xả vào vừa đá vừa kêu to hơn. Chính vì vậy, người ta cho loài chim này rất “nóng tính” và có khả năng giữ nhà như chó.
Trích cồ-loài chim hoang dã vốn trước kia xuất hiện rất nhiều ở đồng ruộng nông thôn từ Bắc chí Nam. Do môi trường thay đổi và nạn săn bắt tràn lan, số lượng chim trích cồ giảm hẳn. Hiện nay, ở nhiều địa phương xuất hiện mô hình nuôi chim trích cồ mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo tồn loài chim “nóng tính” khi bị chọc phá và biết giữ nhà như chó này.
Chim trích cồ có tên khoa học là Porphyrio poliocephalus, thuộc họ Gà nước phân bố ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
Ở các tỉnh Bắc Bộ, những năm từ cuối thập niên 1990 đổ về trước trên các đầm lầy, đầm hoang, những vùng chiêm trũng thời điểm gặt lúa vụ Xuân hay Hè Thu đều bắt gặp rất nhiều chim trích cồ.
Chúng thường gặp đôi phát ra tiếng kêu khác lạ so với các loài chim khác và thường làm tổ giữa ruộng lúa. Chính vì thế, ngày xưa nông dân miền Bắc liệt trích cồ là một trong loài chim phá lúa nhiều nhất.
Trích cồ là loài chim quý hiếm, có màu sắc đẹp với bộ lông đen ánh xanh thẫm rất đặc trưng. Chim trích cồ có mào màu đỏ thắm tựa như son, cặp chân cao cũng nổi bật với màu son lẫn với khoang đen ngắn.
Màu lông, màu mào, màu chân và bản tính nhanh nhẹn của chim trích cồ đã tạo nên sự hài hòa và có tính thẩm mỹ rất cao. Chính vì vậy, chim trích cồ thường được nhiều người nuôi chơi như nuôi chim kiểng.
Anh Phạm Văn Thế-1 chủ trang trại hiện đang nuôi cả trăm con chim trích cồ ở Vĩnh Phúc cho biết, điều chú ý khi nuôi giống chim trích cồ là chất lượng con giống. Con giống phải được mua từ việc ấp nhân tạo hoặc bắt ngoài tự nhiên thì khi chim mẹ vừa ấp nở thì bắt tách chim con nuôi ngay (nếu không để chim non lớn thì chim mẹ sẽ dẫn đi mất).
Ở ấp Thuận Tiến, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) có ông Hà Văn Ô là người lão luyện trong nghề nuôi chim trích cồ và “luyện” chim trích cồ mồi (chim dùng để dẫn dụ những con chim trích cồ hoang dã). Ông Ô là người nuôi chim trích cồ từ ngày mới 10 tuổi và sống bằng nghề nuôi chim trích cồ, dụ chim trích cồ.
Ở thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu có ông Trần Văn Nam đang sở hữu đàn chim trích cồ hơn 30 con. Đàn chim trích cồ được vợ chồng ông nhân nuôi từ 2 con chim trích cồ giống mà người con trai đang làm việc ở tỉnh Kiêng Giang mang về tặng.
Hiện, vợ chồng ông Nam thả nuôi đàn chim trích cồ như thả gà. Mỗi năm trích cồ mái đẻ ba đợt (khoảng thời gian từ tháng 4 – 6), trung bình mỗi đợt đẻ từ 2 – 4 trứng. Trích cồ non nuôi sau 1 tháng có thể bán với giá 500.000 đồng/cặp chim. Đối với trích cồ lớn, sau 6 tháng nuôi, lông chim trổ màu xanh và được ông Nam bán với giá 1 – 1,5 triệu đồng/con.
Chim trích cồ khi đã nuôi thuần và quen nhà thì gia chủ có thể thả nuôi cho chúng đi lang thang như nuôi gà. Là loài chim hoang dã nên chim trích cồ khá “nóng tính”, kể cả khi đã nuôi thuần. Ngày trước, ở đồng bằng Bắc Bộ, việc bắt chim trích cồ rất khó, trừ khi dùng bẫy.
Khi bị bắt, mặc dù hoảng loạn, sợ hãi nhưng chim trích cồ vẫn có thể “chống” lại bằng những cú mổ “trăm phát trăm trúng” với chiếc mỏ nhọn và dùng cặp chân để đá. Vì vậy, ngày xưa khi bắt được trích cồ người ta phải để xa tầm đôi mắt và nhanh chóng chụm lấy cái mỏ nhọn cũng như nhanh chóng buộc cặp chân của chúng.
Theo ông Trần Văn Nam, trích cồ nuôi thuần vẫn giữ bản tính “hung dữ” đối với người lạ. Khi có người lạ vào nhà, hoặc nếu bị chọc phá là chúng nhảy vào đá và kêu lớn tiếng. Kể cả khi bị bắt, khi thả ra trích cồ vẫn lăn xả vào vừa đá vừa kêu to hơn. Chính vì vậy, người ta cho loài chim này rất “nóng tính” và có khả năng giữ nhà như chó.
Theo DV