Nông dân trẻ Ngô Chiến Thắng là người đầu tiên tại xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) đầu tư vừa sản xuất giống, vừa nuôi thương phẩm đặc sản giống cá chình. Đây là giống cá đặc sản cho giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cá thịt, cá cảnh khác.
Chàng trai trẻ này còn tận dụng các kênh mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm nhằm kết nối, mở rộng mạng lưới khách hàng; đảm bảo các loại đặc sản giá cao vẫn có đầu ra ổn định.
Nuôi con đặc sản không đụng hàng
Chia sẻ về lý do chọn nuôi đặc sản cá chình, anh Thắng cho biết, tìm hiểu về các giống đặc sản cho giá trị kinh tế cao, anh chọn thử nghiệm nuôi con cá chình.
Anh Thắng so sánh: “Hiện cá chình bông bán lẻ ra thị trường đang ở mức khoảng 450 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, đây là vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cá thịt, cá cảnh khác”.
Khoảng 2 năm trước, Cơ sở cá giống, cá thịt Trường Sơn do anh Thắng làm chủ đầu tư vừa sản xuất giống, vừa nuôi thương phẩm đặc sản cá chình.
Việc cho sinh sản nhân tạo ở cá chình khá khó khăn vì nguồn cá giống chủ yếu vẫn được đánh bắt trong tự nhiên. Theo đó, cơ sở phải mua cá giống con, cần thời gian để nuôi lớn từ đó chọn lọc ra nguồn cá bố mẹ.
Nói về kỹ thuật nuôi cá chình, anh Thắng cho hay, nuôi cá chình cũng khá kỳ công so với các loại cá khác vì khoảng 30 ngày là phải thực hiện lựa phân loại con lớn, con nhỏ tách ra nuôi riêng để cá tăng trưởng tốt đồng thời hạn chế tình trạng con lớn nuốt con bé.
Cá chình bông cũng kén chọn hơn về thức ăn, người nuôi phải bỏ công pha trộn thức ăn từ cá tươi xay trộn với cám vì giống cá đặc sản này không ăn cám tổng hợp như các loài cá khác. Mặt khác, nuôi cá chình cần thời gian hơn 1 năm mới cho thu hoạch nên lâu thu hồi vốn hơn.
Anh Ngô Chiến Thắng, nông dân trẻ xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) giới thiệu mô hình nuôi cá chình trong bể xi măng. Ảnh: Song Lê.
Theo anh Thắng, vì cơ sở không chỉ làm mô hình nuôi cá thịt mà còn cung cấp con giống nên làm 2 mô hình nuôi ao lót bạt và nuôi cá trong bể xi măng để trình diễn, giới thiệu cho nông dân.
Đây đều là những mô hình nuôi ứng dụng kỹ thuật mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi ao truyền thống. Cụ thể, mô hình nuôi cá chình trong ao lót bạt đạt hiệu quả cao vì giữ được đầu con, lượng oxy trong nước dồi dào giúp cá nhanh lớn.
Còn nuôi cá chình trong bể xi măng là mô hình nuôi công nghiệp cũng khá hiệu quả và dễ giới thiệu đến nông dân muốn tìm hiểu kỹ thuật nuôi loài đặc sản này.
Ngoài thị trường hiện nay, nguồn giống cá chình vẫn cung không đủ cầu nên cơ sở không lo đầu ra cho loại đặc sản bán với giá cao này.
Khách lẻ đến mua cá cảnh tại cơ sở cá giống, cá thịt Trường Sơn, huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: Song Lê
Mở rộng kênh tiêu thụ
Ngoài đặc sản cá chình, cơ sở cá giống, cá thịt Trường Sơn còn cung cấp ra thị trường nhiều loại cá cảnh, lươn giống… với sản lượng lớn tại địa phương.
Anh Thắng kể, ban đầu cơ sở sản xuất cá giống là của gia đình anh đầu tư, chủ yếu cung cấp giống các loại cá nước ngọt.
Sau này, anh về tiếp quản hoạt động sản xuất, kinh doanh của gia đình mới đa dạng thêm chủng loại cá giống, cá thịt cung cấp ra thị trường.
Trong đó, thế mạnh của cơ sở hiện nay là sản xuất giống các loài đặc sản da trơn như: lươn, chình, trạch và các loại cá cảnh.
Theo anh Thắng, sản xuất con giống đòi hỏi người nuôi nắm vững hơn về kỹ thuật, phải đầu tư dài hạn để gầy dựng nguồn giống bố mẹ. Bí quyết của cơ sở để sản xuất được nguồn giống chất lượng cao là ứng dụng giải pháp vi sinh trong xử lý môi trường nước.
Giải pháp này giúp tiết kiệm công và chi phí vì người nuôi không phải thay nước hàng ngày như trước. Ngoài ra, đây là giải pháp giữ môi trường nước sạch để phòng, chống dịch bệnh cho cá, lươn.
Anh Thắng chia sẻ thêm: “Từ sau dịch Covid-19 đến nay, thị trường tiêu thu gặp khó khăn nên tôi thử nghiệm đa dạng hơn các mô hình nuôi đặc sản, nuôi cá thương phẩm rải vụ để chủ động hơn về đầu ra.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và các giải pháp giảm chi phí đầu tư, tăng chất lượng con giống cũng giúp tăng lợi thế khi áp lực cạnh tranh của thị trường cá giống, cá thương phẩm ngày càng lớn”.
Để có đầu ra ổn định hơn, chàng nông dân trẻ này còn tận dụng các kênh mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm nhằm kết nối, mở rộng mạng lưới khách hàng. Nhờ đó, khoảng 40% sản lượng các loại cá cảnh, cá giống, cá thịt của cơ sở được anh bán lẻ trực tiếp cho khách mua với giá cao hơn hẳn so với bỏ sỉ cho thương lái.
Theo nông dân Ngô Chiến Thắng, trang trại sử dụng 100% thảo dược trong phòng, trị bệnh trong chăn nuôi chứ không sử dụng kháng sinh. Cơ sở còn nuôi bèo trong ao để làm thức ăn cho các loại cá thịt, góp phần giảm khoảng 20% chi phí thức ăn cho cá
Song Lê (Cổng TTĐT Đồng Nai)