Ông Bùi Duy Nguyện (ngụ ấp 9, xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) đang “nổi” lên như một nông dân có tư duy độc đáo trong nghề chăn nuôi heo rừng khi hợp tác với các nhà vườn thu mua chuối, thanh long, mít, đu đủ…về làm thức ăn cho heo.
Nhờ cách nuôi heo này, ông Nguyện không phải lo lắng khi giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã, chất lượng thịt heo ngon hơn và giá bán tốt hơn.
Heo rừng ăn trái cây, uống nước lọc
Nhiều năm trước, gia đình ông Nguyện là hộ nuôi heo thịt lớn nhất nhì xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Sau vài lần heo bị dịch bệnh, giá xuống thấp dẫn đến thua lỗ, ông Nguyện quyết định “treo” chuồng.
Được khoảng 3 năm, ông Nguyện nuôi heo trở lại, nhưng lần này không phải là nuôi heo trắng mà là heo rừng.
“Lúc nuôi heo trắng, tôi đã nuôi một số con heo rừng. Kỳ lạ là mấy đợt xảy ra dịch lở mồm long móng, dịch heo tai xanh, mấy con heo rừng không hề hấn gì. Vì vậy, tôi chọn loại này nuôi trở lại” – ông Nguyện chia sẻ.
Ông Nguyện phá bỏ toàn bộ vách ngăn trại cũ, lên tận Tây nguyên tìm heo rừng giống. 2 năm đầu, ông tập trung phát triển đàn, sau đó vừa phát triển đàn, vừa nuôi heo rừng thịt, heo rừng giống để bán.
Hiện trang trại heo của ông Nguyện có khoảng 300 con heo rừng bố mẹ, mỗi năm xuất bán khoảng 500 heo rừng giống và 300 heo rừng thịt. Tất cả đều sử dụng chung một loại thức ăn, trong đó 90% là trái cây tươi, 10% là bắp xay hoặc cám gạo.
Để không bị “hụt” nguồn thức ăn chăn nuôi, ông Nguyện hợp tác với nhiều nhà vườn thu mua trái cây dạt và đầu tư 2 kho mát để bảo quản.
Theo tính toán của ông Nguyện, trung bình 1 con heo rừng từ 2 tháng tuổi đến khi xuất chuồng tiêu thụ khoảng 1 tấn trái cây, với mức giá trung bình 700-900 đồng/kg, cộng cả cám tốn khoảng 1,2 triệu đồng chi phí thức ăn.
Nếu bán heo rừng giá 110.000 đồng/kg heo hơi thì lời khoảng 3 triệu đồng/con heo rừng thịt, bán giá heo rừng giống 1 triệu đồng/con thì lời khoảng 800.000 đồng.
Theo ông Nguyện, vài năm nay, tại Đồng Nai có nhiều người nuôi heo rừng, nhưng nuôi heo rừng số lượng lớn và heo ăn trái cây thì chỉ có mình ông.
Cách nuôi heo rừng lạ đời này không chỉ đảm bảo chất lượng thịt heo rừng, chất lượng heo rừng giống sinh sản mà hạn chế tối đa dịch bệnh. “Heo rừng trên 10 tháng ăn trái cây, uống nước lọc, chuồng trại sạch nên rất hiếm bị bệnh” – ông Nguyện khẳng định.
Vài năm đầu, ông Nguyện phải nhờ các con, các cháu và mối bán heo trước đây giới thiệu sản phẩm heo rừng đến các nhà hàng, lò mổ, mối chuyên tiêu thụ thịt heo rừng. Nhưng hiện tại, trại heo của ông Nguyện luôn không đủ hàng bán, khách phải hẹn trước.
Xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi heo rừng hữu cơ
2 năm trở lại đây, nhiều trại heo gặp khó vì giá heo hơi bấp bênh, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá, nhưng trang trại heo của ông Nguyện không bị tác động nhiều. Thậm chí, thời điểm dịch bệnh Covid-19 căng thẳng, trái cây bị ùn ứ do không xuất khẩu được, ông đầu tư thêm kho mát vừa để bảo quản được thức ăn, vừa giúp nhà vườn tiêu thụ thêm nông sản.
Thịt heo rừng nuôi ở trang trại của ông Nguyện được đánh giá là ít mỡ, thịt thơm, khi chế biến, đun nấu không bị ra nước.
Bà Trương Thị Kim Nương, cán bộ phụ trách chăn nuôi Phòng NNPTNT huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai) cho rằng, nuôi heo rừng ở huyện Cẩm Mỹ thì nhiều nhưng heo rừng ăn trái cây như ông Nguyện thì chưa có.
Nguồn thức ăn gần như hoàn toàn là trái cây tươi, không chỉ cải thiện chất lượng thịt heo rừng mà còn góp phần giải quyết lượng lớn trái cây thải loại, tồn đọng trên địa bàn huyện, mang lại giá trị kinh tế cao. Phòng NNPTNT huyện đang hướng dẫn trang trại xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi hữu cơ.
Theo ông Nguyện, thức ăn chăn nuôi chiếm đến 80% giá thành trong chăn nuôi heo. Heo rừng của ông ăn các loại trái cây từ các nhà vườn thải loại với giá chưa đến 1.000 đồng/kg nên bán chỉ 110.000-120.000 đồng/kg heo hơi là đã có lợi nhuận tốt.
Ngoài ra, do chế độ dinh dưỡng khác biệt, chất lượng và mùi vị thịt heo rừng cũng khá đặc biệt so với các sản phẩm trên thị trường.
Ông Nguyện cho rằng, nhiều hộ mua heo giống chỗ ông về nhưng nuôi không đạt vì cho ăn cám nhiều, heo lớn nhanh, thịt nhiều mỡ. Về chất thải chăn nuôi, ông phơi khô, ủ hoai rồi bán lại cho các nhà vườn bón cây theo mô hình khép kín, tuần hoàn.
Heo rừng được người nuôi thuần chủng, lai tạo nhiều lần. Hiện ở Đồng Nai có khá nhiều hộ, trang trại nuôi heo rừng nhưng nuôi heo rừng quy mô lớn và ăn trái cây như của ông Bùi Duy Nguyện chưa có ai làm. Nhờ tận dụng được nguồn thức ăn thải loại là trái cây nên thịt heo ngon, giá thành thấp.
Ban Mai (Báo Đồng Nai)