Giáo dục con cái không phải ngày một ngày hai mà thành công, đó là cả quá trình dài cố gắng.
Nhà tâm lý học nổi tiếng Fromm đã từng nói: “Người cha là người giáo dục con cái và chỉ đường cho con bước vào thế giới”.
Ngay từ những năm 1960 tại vùng nông thôn Trung Quốc đã xuất hiện một người cha như vậy. Ông giành cả cuộc đời để tìm hiểu và áp dụng những triết lý giáo dục nhằm nuôi dạy những dứa con nên người. Trong thời buổi giáo dục còn chưa được coi trọng, ông đã cẩn thận nuôi dạy 6 đứa con học hành cẩn thận và trở thành những nhân tài.
Trong số 6 đứa con của ông có tới 5 tiến sĩ và 1 thạc sĩ đều tốt nghiệp từ các trường đại học nổi tiếng hàng đầu nước Mỹ. Sau khi ra trường họ trở thành tinh anh của xã hội, dấn thân vào giới thượng lưu. Ông bố vĩ đại trong câu chuyện chính là Cai Xiaowan.
Không ngừng hy vọng vào một tương lai tươi sáng
Cai Xiaowan (SN 1941) trong một gia đình trí thức khá giả ở Ôn Châu (Chiết Giang – Trung Quốc). Gia đình ông có 10 anh chị em và Cai Xiaowan là con trai cả. Từ nhỏ, ông đã có ước mơ đọc sách muốn được học tập để mở rộng tương lai. Tuy nhiên, dù có thành tích xuất xắc nhưng Cai Xiaowan cũng không có cơ hội học đại học vì hoàn cảnh gia đình không cho phép.
Nhưng Cai Xiaowan chưa từng có ý định từ bỏ con đường học tập. Ông chuyển sang làm giáo viên giảng dạy tại một trường tiểu học ở địa phương. Trong quá trình công tác, ông được đánh giá cao nhờ những thành tích đạt được.
Sau đó, được sự giới thiệu của nhà trường ông đã trúng tuyển vào khoa Vật lý của trường Đại học Hàng Châu với ba môn đạt điểm tuyệt đối, hoàn thành ước mơ học tập của mình.
Tuy nhiên, số phận trớ trêu, Cai Xiaowan khi đang chăm chỉ học tập thì cha của ông qua đời vì bạo bệnh. Điều này khiến ông phải bỏ học trở về quê nhà. Đây chính là nỗi đau khiến suốt đời ông không thể quên.
Sau khi trở về quê ông kết hôn, năm 1967 khi 26 tuổi Cai Xiaowan đã chào đón đứa con đầu lòng. Thời khắc đó, ngoài niềm hạnh phúc có con, trong đầu ông lóe lên suy nghĩ: Con sẽ thay ông hoàn thành ước mơ học đại học còn dang dở.
Kể từ đó, Cai Xiaowan đặt hết hy vọng vào con, ông vận dụng tri thức cùng những kinh nghiệm mà bản thân đã học được để giáo dục thế hệ tiếp theo của mình.
Ông đã quyết định đổi tên thành Xiaowan với ý nghĩa là nếu bạn lựa chọn sống thoải mái, không cố gắng khi còn trẻ thì sẽ bị coi thường khi tuổi già.
Trong những năm tháng tiếp theo, Cai Xiaowan luôn coi trọng sự giáo dục dành cho các con. Ông tin rằng thành công trong sự nghiệp đến từ sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu trong thời gian dài, ngay từ nhỏ.
Giáo dục tại nhà từ sớm giúp con định hình tương lai
Mấy năm đầu khi mới có con, cả gia đình ông sống trong một căn hộ cũ kỹ tại nông thôn, với hai tầng rộng 16m2. Vì nhà quay về hướng Bắc nên mùa hè phải chịu cảnh nóng nực, mùa đông thì rét buốt. Cửa hàng để gia đình ông mưu sinh, kiếm tiền ở tầng 1, còn vợ chồng ông cùng các con sống trên tầng 2.
Trong căn nhà cũ, trên những bức tường gỗ nứt nẻ của gia đình Cai Xiaowan luôn treo đầy chân dung các nhà khoa học nổi tiếng như Einstein, Marie Curie và Newton,…
Cai Xiaowan tin rằng trí thông minh của con người giống nhau, Và điều quyết định thành công chính là những yếu tố cơ bản như ý chí, đạo đức, sức khỏe, khả năng giao tiếp xã hội,… Những điều này phải được rèn luyện ngay từ nhỏ.
Mỗi ngày cứ 6 giờ sáng, Cai Xiaowan sẽ chơi đàn nhị ở tầng dưới để gọi các con thức dậy. Các con của ông cũng rất hứng thú hơn với các chương trình phát thanh bằng tiếng nước ngoài trên đài vào buổi sáng. Vì vậy sau này, ông thay đổi, dùng tiếng đài phát thanh nước ngoài để đánh thức trẻ.
Tối đến sau khi ăn cơm cũng là lúc học bài và đọc sách, cả nhà sẽ quây quần dưới ánh đèn. Cai Xiaowan ngồi giữa những đứa trẻ, các con của ông sẽ học sách giáo khoa và có chỗ nào không hiểu có thể hỏi cha ngay lập tức.
Ngoài việc giáo dục con trong học tập và cách cư xử thì Cai Xiaowan cũng chú trọng việc khai sáng kỹ thuật số cho những đứa trẻ.
Cách giáo dục đặc biệt của ông là ngay khi con trai cả Cai Tianwen mới ra đời được 10 ngày, Cai Xiaowan đã vuốt cằm và nói 1, vuốt hai lần và nói số 2,… Sau đó khoảng 2 – 3 tháng, ông vỗ nhẹ vào lòng bàn tay và đếm 1, 2, 3, 4, 5. Lặp đi lặp lại hành động này nhiều lần trong ngày khiến Cai Tianwen trở nên nhạy cảm với các con số.
Vào năm 15 tuổi, con trai cả của Cai Xiaowan đã đỗ đại học, tiếp tục học cao học khi mới 19 tuổi. Rồi tới khi 28 tuổi tốt nghiệp bậc tiến sĩ tại trường Đại học Cornell (một thành viên của Ivy League – nhóm các trường Đại học hàng đầu nước Mỹ).
Có thể thấy Cai Xiaowan đã thành công trong việc dạy con nhận biết những con số. Ông còn thành lập “ngân hàng riêng” tại nhà cho các con, và mỗi đứa đều có một sổ tiết kiệm cho riêng bản thân.
Năm con trai cả 3 tuổi đã nói với Cai Xiaowan là muốn đi học. Lúc đó ông đã đặt mục tiêu cho con: “Nếu con tiết kiệm được 50 NDT (169 nghìn đồng) trong sổ tiết kiệm thì cha sẽ cho con đến trường”.
Có mục tiêu, Cai Tianwen chăm chỉ phụ giúp cha mẹ và kết quả là khi chưa đầy 5 tuổi cậu đã tiết kiệm đủ số tiền mà cha đề ra. Cai Xiaowan đã giữ đúng lời hứa và cho con đi học.
Khi cậu bé Tianwu 4 tuổi nghe tin anh được đi học đã đòi cha cho đi học cùng anh trai. Và dù Tianwu chưa thể tiếp thu kiến thức, nhưng hàng ngày, cậu bé vẫn theo anh trai đến trường rồi đứng ở cửa sổ nghe giảng.
Sau này khi mới 25 tuổi, Cai Tianwu – con trai thứ hai của Cai Xiaowan xuất sắc nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Rochester, Hoa Kỳ.
Tianxi là cô con gái duy nhất cũng là con út của gia đình Cai Xiaowan cũng rất hiếu học và có ước mơ lớn. Lúc nhỏ, cô thường chỉ tay lên bức tranh treo trên tường và nói với Cai Xiaowan: “Bố ơi, con chính là Marie Curie của Trung Quốc”.
Và Tianxi cũng chứng minh cho bố thấy cô không hề nói suông. Năm 9 tuổi khi vừa tốt nghiệp tiểu học, Tianxi đã tham gia cuộc thi Toán học ở thành phố Ruian. Cuộc thi có quy mô lớn với hơn 600 người tham gia, chủ yếu là trẻ em ở lứa tuổi từ 14 – 15 tuổi, và xuất sắc đạt giải Nhất.
Khi lên sân khấu nhận giải, chứng kiến dáng người nhỏ bé của Tianxi, nhiều khán giả phải bất ngờ, đặt câu hỏi là cô bé này có lên nhầm sân khấu hay không.
Tháng 6/1999, Cai Tianxi tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Harvard khi chỉ mới 22 tuổi, và hiện đang là giáo sư chính thức tại đây.
Tôn trọng lựa chọn của con, chú ý đến trí tuệ cảm xúc
Có thể nói những điều kỳ diệu, tưởng như không thể lần lượt xuất hiện tại gia đình Cai Xiaowan. Những đứa trẻ giống như những “tay đua cừ khôi”. Ông Cai Xiaowan luôn dành tất cả sự tôn trọng và ủng hộ các quyết định của con. Với ông một gia đình hạnh phúc và chú ý đến trí tuệ cảm xúc chính là cách giúp trẻ phát triển hết khả năng.
Cai Xiaowan vẫn luôn tự hào về các con khi những đứa trẻ không bao giờ học một cách thụ động. Mà các con sẽ tạo ra môi trường thoải mái, dễ chịu nhất để học tập. Hơn nữa, ông cho rằng với những đứa trẻ chỉ có động lực học mạnh mẽ khi bản thân thấy hững thú và có mục tiêu rõ ràng.
Cả cuộc đời của Cai Xiaowan đúc kết ra được 3 quan điểm giáo dục con đó là: “Giáo dục từ nhỏ, rèn cho con sự quyết tâm và dạy trẻ phương pháp học tập đúng đắn”.
Cai Xiaowan luôn hy vọng những đứa con của mình có cả IQ lẫn EQ cao để bình tĩnh trước mọi vấn đề. Bởi trí tuệ cảm xúc rất quan trọng trong cuộc đời.
Để nuôi dưỡng sự thông minh cùng trí tuệ cảm xúc của các con mà năm 1978, Cai Xiaowan đã đưa vợ con đi du lịch khắp nơi. Ông thiết kế các chuyến đi và các điểm tham quan cẩn thận từ Đại Liên, Thẩm Dương, Trường Xuân, Cáp Nhĩ Tân, qua sông Tùng Hoa (Hắc Long Giang) đến Đảo Mặt Trời, rồi đến Xích Phong (Khu tự trị Nội Mông), Cẩm Châu, Bắc Kinh, Thiên Tân, Tần Hoàng Đảo, Bắc Đại Hà, Thanh Đảo, Thượng Hải.
Qua mỗi danh lam thắng cảnh, ông sẽ giới thiệu cho các con về câu chuyện lịch sử ở đây để kích thích sự quan tâm cũng như trí tưởng tượng của trẻ.
Đến năm 1990, gia đình ông tiếp tục chuyến du lịch tự túc, ăn ngủ tự do trên đường đến Hàng Châu (Chiết Giang – Trung Quốc). Và thực sự được ra ngoài trải nghiệm nhiều khiến các con của Cai Xiaowan đều có kiến thức phong phú về cuộc sống. Những đứa trẻ độc lập, không hề non nớt khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Năm lên 4 tuổi, Tianwu con trai thứ hai của Cai Xiaowan không may bị lạc ở bến tàu. Nhưng với kinh nghiệm được đi nhiều nơi, cùng khả năng nhận biết đường, Tianwu đã liều lĩnh một mình đi bộ 15 dặm về nhà.
Một lần khác con gái út của Cai Xiaowan bị bắt nạt khi đi học nên cô đã viết thư về cho cha. Ông chỉ gửi lại con gái một câu nói là: “Hãy cảm ơn kẻ thù, bởi những thành tựu của con ngày hôm nay được tạo ra bởi sự cười chê từ họ”.
Cai Tianxi chia sẻ: “Nhờ sự giáo dục của cha mà anh em chúng tôi có nhiều kinh nghiệm sống, nhiều kiến thức để đối mặt với những khó khăn. Cha dạy chúng tôi phải là người có bản lĩnh, không dễ dàng bỏ cuộc trong cuộc sống”.
Thành công trong phương pháp giáo dục con ngay từ nhỏ, nhưng Cai Xiaowan cũng gặp khó khăn trong giao tiếp khi các con dần lớn lên. Vào năm 1986, con trai thứ 4 của ông trịnh trọng từ biệt gia đình đến Thiếu Lâm tự ở Tùng Sơn (Hà Nam – Trung Quốc) học tập võ thuật chân chính.
Với quyết định của con trai mình, Cai Xiaowan rất băn khoăn nhưng ông không phản đối. Ông nói với con hãy làm những điều bản thân muốn nhưng phải chịu trách nhiệm trước những lựa chọn ấy.
Người con trai thứ 4 bướng bỉnh cam đoan sẽ không hối hận trước quyết định của mình. 2 cha con vẫn thường xuyên liên lạc qua thư tay. Và đến một ngày con trai của Cai Xiaowan gửi thư cho cha: “Học võ tuy có ích nhưng con hiểu trong tương lai muốn thành công thì phải cố gắng học tập, nắm vững kiến thức cần thiết”.
Sau một năm xa nhà, cậu bé quyết định trở lại học cấp ba và sau này được nhận vào Đại học Y Tây Trung Quốc rồi trở thành bác sĩ phẫu thuật.
Không chỉ viết thư tay với con trai thứ 4 mà hầu như với các con trong nhà, Cai Xiaowan đều sẽ liên lạc bằng thư thường xuyên, mỗi học kỳ không dưới 10 bước thư. Cai Xiaowan thậm chí còn lập hồ sơ trưởng thành cho từng đứa trẻ, ghi nhật ký để lưu giữ từng chi tiết, sự kiện cuộc đời cho các con.
Cai Xiaowan vẫn thường nói: “Làm cha là sự nghiệp vĩ đại cả đời của tôi, nhìn tất cả các con thành đạt trong sự nghiệp thật sự là niềm hạnh phúc lớn”.
Khi được hỏi về phương pháp giáo dục con, Cai Xiaowan luôn mỉm cười và đáp: “Giáo dục sớm, định hướng cho con và giúp đỡ con rèn khả năng độc lập với phương pháp học tập đúng đắn. Cha mẹ hãy tạo nền tảng, phương hướng và phương pháp cho con thì thành công chỉ là vấn đề thời gian”.
Theo Ứng Hà Chi–Thể thao & văn hóa