Hiện trại ếch của ông Trần Công Danh lên đến 2.500m2 (tại ấp Nhơn Hòa 1, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), được chia thành 40 hồ nhỏ với tổng mức đầu tư gần 400 triệu đồng. “Tôi tự mua nòng nọc, ếch con, ếch bố mẹ về nuôi thử nghiệm, xem vòng đời phát triển của chúng, sau đó tự phối giống để nuôi…
“Tôi tự mua nòng nọc, ếch con, ếch bố mẹ về nuôi thử nghiệm, xem vòng đời phát triển của chúng, sau đó tự phối giống để nuôi, khi thiếu mới mua thêm ếch giống. Từ lúc ếch đậu trứng đến khi bán được con giống khoảng 40 ngày. Trung bình mỗi tháng, tôi bán được hơn 200.000 con ếch giống”, ông Trần Công Danh, nông dân nuôi ếch, nuôi lươn thành công ở xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, (tỉnh Long An) cho biết thêm.
Với tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, dù trước đó nhiều lần thất bại nhưng ông Trần Công Danh (SN 1965, ngụ ấp Bàu Sen, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) vẫn không nản lòng, quyết tìm hướng đi mới để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Trước đó, ông Danh có công ty (Công ty) vận tải của gia đình, chuyên chở thuê cho các Công ty, sau vì một vài lý do nên ông dừng công việc này. “Năm 2010, Công ty của tôi hợp tác nhiều với Công ty Atad (nhà máy ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) nên tôi về đây thuê nhà để thuận tiện cho công việc và gắn bó với mảnh đất này đến ngày nay” – ông Danh tâm sự.
Sau khi dừng lại công việc vận tải, ông tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình, thử nuôi qua nhiều loại như vịt xiêm, thỏ, trùn quế, dế,… nhưng đều thất bại. Không nản chí, ông tìm hiểu và quyết định chuyển sang nuôi lươn từ đầu năm 2018.
Theo ông Danh, tất cả kiến thức nuôi lươn được học qua Internet rồi làm theo cách của riêng mình. “Nhiều nơi lót bạt để nuôi lươn, còn tôi xây hồ xi măng rồi đổ bêtông; chỗ khác cho lươn đẻ đất, còn tôi cho lươn đẻ chậu, đẻ bao, đẻ ống,… Đầu tư khoảng 5-6 lần mới hoàn thiện trại nuôi lươn, tổng chi phí hơn 500 triệu đồng” – ông Danh chia sẻ.
Ông Danh cho biết: “Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm và mua con giống kém chất lượng nên tỷ lệ hao hụt cao. Sau khi tìm hiểu, tôi tuyển chọn được giống lươn chất lượng để nuôi”.
Hiện tại, trại lươn của ông Danh chủ yếu bán con giống cho các cơ sở nuôi lươn bán thịt. Khách hàng của ông chủ yếu ở miền Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Theo ông, từ thời điểm lươn đẻ trứng đến lúc bán được con giống khoảng 3 tháng trở lên.
“Với lươn giống, mỗi ngày, tôi thay nước 2 lần. Tôi cho lươn ăn cám viên nổi 44 độ đạm. Nuôi theo cách này, lươn sinh sản quanh năm.
Vào đợt, cứ 3 ngày thu được 0,4-0,5kg trứng (khoảng 12.000-15.000 con, tỷ lệ sống 70%). Hiện tại, giá lươn có phần giảm so với lúc trước, người nuôi lươn thịt nếu không khéo có thể huề vốn, thậm chí lỗ, từ đó ảnh hưởng đến việc nuôi và bán lươn giống của tôi” – ông Danh nói.
Từ đầu năm 2023, ông Danh thuê thêm 1.500m2 đất để nuôi ếch.
Hiện trại ếch của ông lên đến 2.500m2 (tại ấp Nhơn Hòa 1, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa), được chia thành 40 hồ nhỏ với tổng mức đầu tư gần 400 triệu đồng.
“Tôi tự mua nòng nọc, ếch con, ếch bố mẹ về nuôi thử nghiệm, xem vòng đời phát triển của chúng, sau đó tự phối giống để nuôi, khi thiếu mới mua thêm ếch giống. Từ lúc ếch đậu trứng đến khi bán được con giống khoảng 40 ngày. Trung bình mỗi tháng, tôi bán được hơn 200.000 con ếch giống” – ông Danh cho biết thêm.
Nếu nuôi ếch giống, tỷ lệ hao hụt khoảng 20%, ếch bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết. Thức ăn của ếch là viên cám nổi 30 độ đạm, trường hợp có mưa sẽ thêm thuốc vào cám cho ếch ăn vì lúc đó độ pH giảm đột ngột, rất nguy hiểm.
Được biết, hiện nay, trừ hết các khoản chi phí, mỗi tháng, ông Danh có lợi nhuận hơn 100 triệu đồng từ 2 trại lươn và ếch.
“Tuy thu nhập cao nhưng trải qua nhiều thất bại, có được kết quả như ngày hôm nay cũng là điều đáng mừng. Theo tôi, muốn làm công việc gì đầu tiên cần yêu nó và bản thân phải kiên trì, nỗ lực, học hỏi và sáng tạo mới có thể thành công” – ông Danh chia sẻ thêm.
k.Duy (Báo Long An)