Ở vùng nông thôn Nam Anh, xã Cư Kpô, huyện Krông Buk, tỉnh Đăk Lăk, nơi kinh tế chủ yếu là cây cà phê, hồ tiêu, có một thanh niên dám khởi nghiệp bằng cách rất mới lạ: Nhân nuôi giống chó cảnh.
Nhân giống chó cảnh đang là một mô hình kinh tế mới cho những thanh niên vùng dân tộc tỉnh Đăk Lăk muốn khởi nghiệp.
Năm 2016, tốt nghiệp Đại học Giao thông vận tải nhưng không tìm được công việc ổn định, anh Hoàng Văn Tiến, sinh năm 1991, trở về xã Cư Kpô, huyện Krông Buk, tỉnh Đăk Lăk, theo đuổi niềm đam mê với chó cảnh.
Sau nhiều lần thử nghiệm nuôi chó cảnh sinh sản không được như mong muốn, anh tiếp tục tìm đến các trang trại chó lớn ở thành phố Hồ Chí Minh học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm, với quyết tâm gây dựng mô hình mới tại địa phương.
Hoàng Văn Tiến lập trang trại nuôi chó với diện tích 1.400m2 nằm trên triền đồi giữa vùng hồ tiêu, cà phê. Hiện trang trại có 30 con chó ngoại giống thuộc các dòng Poodle, Pug, Bulldog, Alaska, Husky. Cùng với việc nuôi chó sinh sản, anh Tiến còn mở các dịch vụ ký gửi, chăm sóc, trị bệnh cho chó, tạo được nguồn thu hàng trăm triệu đồng.
Sau hơn 1 năm “khởi nghiệp” với chó cảnh, tháng 12/2018, được sự hỗ trợ của Hội liên hiệp thanh niên huyện Krông Buk, anh Hoàng Văn Tiến thành lập Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi Hoàng Gia với 7 thành viên, tạo việc làm cho thanh niên địa phương. Vốn điều lệ của HTX là 1 tỷ 500 triệu đồng, hoạt động chủ yếu là nuôi chó mèo cảnh sinh sản và kinh doanh các dịch vụ kèm theo.
Anh Hoàng Văn Tiến chia sẻ, từ những thành công ban đầu, Hợp tác xã đang mở rộng trang trại lên quy mô 100 con chó giống. Hướng phát triển của Hợp tác xã sắp tới là đẩy mạnh hỗ trợ kỹ thuật cho những bạn trẻ muốn khởi nghiệp dòng thú cưng.
“Kỳ vọng của HTX là đẩy mạnh thương hiệu để khách du lịch biết tới tham quan và tìm hiểu thú cưng thì mình có cơ hội để quảng bá thêm những sản vật của địa phương như bơ, sầu riêng, tiêu và cà phê”, anh Tiến nói.
Nói về HTX chăn nuôi Hoàng Gia, anh Vũ Minh Cường, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Krông Buk, Chủ nhiệm câu lạc bộ Thanh niên làm kinh tế giỏi của huyện cho rằng, đây là cách làm mới giúp các đoàn viên, thanh niên địa phương học hỏi kinh nghiệm, tự tin hơn trên bước đường lập thân lập nghiệp.
“Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Gia là mô hình mới đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của xã hội, nó tạo thêm được việc làm cho đoàn viên thanh niên, qua đó khích lệ được tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên. Rất nhiều bạn thấy bạn Tiến cũng như nhiều thanh niên ở Krông Buk phát triển được thì cũng quay trở về địa phương để làm thêm những mô hình khác”, anh Cường cho hay./.
Theo Nam Trang (Báo VOV)