Người Nga luôn mơ ước được sống trong căn nhà của riêng mình. Thế nhưng, dù đang ở đất nước có diện tích lớn nhất thế giới, đa số họ vẫn sống theo kiểu tập thể, quây quần bên nhau.
“Không khí trong lành, tận hưởng bữa sáng ngoài hiên, làm việc xong có thể ra vườn ngắm con cái chơi đùa, nơi không có những hàng rào bao quanh”, Diana Laretskaya – chuyên gia tư vấn hình ảnh đang sống tại Moscow (Nga) – liệt kê những lợi ích của việc có nhà vườn.
Vài năm trước khi kết hôn, gia đình Diana phải đối mặt với câu hỏi nên chuyển đi đâu: nhà vườn hay chung cư. Cuối cùng, người phụ nữ này chọn một ngôi nhà ở ngoại ô, rộng khoảng 300 m2, cách vành đai thành phố khoảng 15 km. Cô mất khoảng 15 phút để di chuyển vào thành phố, sau đó sẽ gặp cảnh tắc đường thường thấy.
“Tôi đã lên kế hoạch cả tuần: vài ngày làm việc ở nhà qua máy tính và điện thoại, vài ngày làm việc ở Moscow. Tôi xếp lịch hẹn khách hàng liền nhau. Hôm nào mua sắm cũng đã được tính toán trước. Nếu chẳng may có cuộc hẹn đột xuất vào giờ cao điểm, chắc chắn tôi sẽ kẹt ở ngoài đường”, cô nói.
Roman Alekhin – một doanh nhân ở Moscow – cũng mua cho mình một ngôi nhà vườn. Anh thú nhận: “Khi mua nhà, tôi nghĩ mình sẽ dành thời gian cùng gia đình quây quần bên lò sửa hoặc ngắm nhìn bờ sông. Thế nhưng, mọi chuyện lại khác hẳn tưởng tượng”.
Hỏi bất kỳ người Nga nào về nơi ở mơ ước, gần 70% sẽ chọn nhà vườn thay vì căn hộ chung cư. Không ai muốn mình sống trong những chung cư cao tầng với mật độ dân số dày đặc, sử dụng cầu thang chung và phải tuân thủ quy định về tiếng ồn.
Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có 1/3 dân số Nga đang sống ở nhà vườn, dù đây là một quốc gia có diện tích rộng lớn với nhiều mảnh đất tương đối rẻ.
Xa trung tâm, thiếu tiện nghi, tốn tiền
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, dân thành thị ở Nga rất thích sở hữu một ngôi nhà cho riêng mình.
“Đó là mơ ước của nhiều người. Thế nhưng, việc sống trong một căn nhà vườn đầy đủ tiện nghi, thứ nhất là đắt đỏ, thứ hai là một cơn ác mộng quan liêu”, Mikhail Alekseevsky – người đứng đầu Trung tâm Nhân chủng học Đô thị tại công ty tư vấn Strelka KB – cho biết.
Thông thường, chủ nhà là người chịu trách nhiệm thu gom rác, cắt cỏ, dọn bể bơi, kiểm soát côn trùng và các dịch vụ bảo trì khác, hoặc là trả phí cho công ty quản lý. Những căn nhà xây sẵn được bán trên thị trường lại không được trang bị sẵn các tiện nghi và cơ sở vật chất: chủ nhà sẽ phải tự lắp đặt hệ thống khí đốt, điện và nước.
“Chúng tôi đã phỏng vấn các chủ nhà vườn – những người từng mong có không gian sinh hoạt riêng tư. Họ cho biết, việc bảo trì nhà là điều thường xuyên khiến họ bực bội và khó chịu. Họ thường tự hỏi bản thân: Tại sao mình không sống trong một căn hộ chung cư bình thường, nơi có thể báo cho ban quản lý và gọi thợ đến sửa?”, ông nói.
Năm 2001, Konstantin mua một miếng đất rộng 300 m2 và xây nhà ở làng Dudino gần Moscow, cách trạm tàu điện ngầm gần nhất khoảng 1,5 km. Số tiền anh bỏ ra cho công trình này bằng một căn hộ 2 phòng ngủ ở thủ đô. Hệ thống khí đốt được kết nối riêng biệt, tốn của anh khoảng 1 triệu RUB (313 triệu VNĐ).
“Ở đây không có trường học, nhà trẻ hay khu liên hợp thể thao. Bạn phải lái xe để tới các cửa hàng. Nơi duy nhất có thể đi bộ ra là một cửa hàng nhỏ bán bánh mì, mì Ý và bia. Sống ở đây mà không có xe hơi sẽ rất khó khăn, đặc biệt là nếu nhà có trẻ nhỏ”, anh chia sẻ.
Tuy nhiên, người đàn ông này khẳng định mình không muốn quay lại cuộc sống nơi chung cư trước đây. “Chúng tôi đã tính toán để đảm bảo rằng mọi cơ sở vật chất cần thiết đều nằm trong thành phố, chỉ mất khoảng 7 phút lái xe”, Konstantin bổ sung.
Ngoài ra, gia đình Konstantin cũng đã biết trước điều gì đang chờ đợi mình nếu sở hữu nhà vườn.
“Bạn sẽ phải tự quyết định mọi thứ. Chúng tôi đã chuẩn bị trước tinh thần, nhưng nhiều người khác vẫn cảm thấy khá sợ hãi. Nó phá vỡ quan niệm về một ‘cuộc sống yên tĩnh’. Với nhiều người, đây là một trở ngại tâm lý: nếu chưa từng sống trong nhà vườn, bạn sẽ không biết phải làm thế nào”, anh giải thích.
Khả năng tài chính cũng là một yếu tố cần cân nhắc. “Thông thường, chỉ những người rất giàu mới dám bỏ công xây dựng ngôi nhà mơ ước của mình. Những ngôi nhà đầy đủ tiện nghi ít khi có sẵn. Giá đất không phải vấn đề mà là sự thiếu tiện nghi dẫn đến chi phí phát sinh”, Alekseevsky cho biết.
Chủ nhà phải tự hoàn thiện công trình từ A-Z
Nếu muốn sống trong một căn nhà vườn, rất có thể bạn sẽ phải tự mình xây dựng. Ngành xây dựng ở Nga chỉ tập trung chủ yếu vào các tòa nhà chung cư.
“Một trong những chỉ số truyền thống để xác định thành công của một vùng là số lượng nhà ở được xây dựng. Vì thế, chính quyền và các thống đốc yêu cầu tận dụng từng m2”, Roman Popov – Phó Giáo sư Khoa Phát triển Đô thị và Khu vực thuộc Trường Cao học Kinh tế tại Moscow – giải thích.
Giống như trước đây, ngành xây dựng tại Nga đang xóa bỏ ranh giới giữa các cao ốc và nhà chung cư. Năm 2018, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, các tiểu vùng đồng nhất (với môi trường xây dựng dày đặc và cơ sở vật chất chưa hẳn lúc nào cũng tốt) đang chiếm 77% nguồn cung nhà ở.
Mặt khác, khu vực tư nhân là cuộc chơi của thị trường xa xỉ (thường nằm ở ngoại ô thành phố), nơi các gia đình đã sống qua hàng thế hệ.
Konstantin – người dành một nửa cuộc đời sống ở Hà Lan – đánh giá, các quy định về xây dựng là điểm khác biệt lớn giữa Nga và châu Âu.
“Chất lượng cuộc sống ở Hà Lan không phụ thuộc vào chuyện bạn sống ở thành phố hay đồng không mông quạnh. Bạn sẽ luôn có một hệ thống xả thải tốt, hệ thống chiếu sáng ổn định, một vài cơ sở y tế gần đó và một cửa hàng tiện lợi. Nếu không, theo quy định quy hoạch đô thị, chủ thầu sẽ không thể lấy được giấy phép xây dựng”, anh tiết lộ.
Trong khi đó, ở Nga, cơ sở hạ tầng sẵn có không phải là yếu tố tiên quyết. Hơn nữa, kể từ năm 2018, người dân thậm chí còn không phải xin giấy phép để xây dựng nhà vườn. Họ chỉ cần thông báo cho chính quyền trước và sau khi hoàn thành công trình.
“Bạn lắp đặt và trang bị tiện nghi gì là việc của bạn. Hàng xóm của tôi từng nói: ‘Chúng tôi không cần hệ thống điện. Chúng tôi chỉ cần bật máy phát, rán vài miếng thịt rồi lại tắt đi’. Họ hoàn toàn có quyền sống như vậy tại Nga, nhưng Hà Lan thì không”, anh Konstantin chia sẻ.
Tư duy Xô viết: Ở nhà chung cư mới là thành công
Dù mơ ước sở hữu nhà vườn, nhiều người Nga vẫn duy trì quan niệm sống theo lối Xô viết cũ.
“Người dân vẫn có xu hướng coi nhà vườn là một không gian sống tạm thời, giống như biệt thự nghỉ dưỡng vào mùa hè. Kể cả khi đó là một căn nhà tiện nghi, được trang bị đầy đủ”, Popov lý giải.
Phần lớn người Nga cho rằng, sống trong các tòa nhà chung cư vẫn thoải mái và danh giá hơn. Thời Xô viết, việc có nhà chung cư, xe hơi và biệt thự nghỉ dưỡng vào mùa hè được coi là thước đo cho sự thành công. Ngày nay, kể cả những người đã có nhà vườn riêng cũng cũng không từ bỏ căn hộ chung cư của mình.
“Nói cách khác, nhà vườn không được coi là một giải pháp thay thế cho căn hộ chung cư. Đó chỉ là một thứ tài sản bổ sung, hoặc là lựa chọn khi về già. Nhà vườn được coi trọng ở phía nam nước Nga, hơn là ở miền trung hoặc các thành phố lớn như Moscow và St. Petersburg”, Popov cho biết.
Tatiana Fedortseva – một cư dân miền nam đang sống ở Taganrog – chính là ví dụ điển hình. Suốt 25 năm qua, cô sống cùng chồng trong một ngôi nhà 6 phòng và không muốn quay lại chung cư.
“Ngày nay, các khu dân cư toàn nhà cao tầng. Trước đó, khu vực nhà ở tư nhân phát triển khá mạnh: chúng tôi có một thị trấn cổ rộng lớn với các tòa biệt thự từ thế kỷ 18. Giờ đây, tỷ lệ nhà vườn so với chung cư là 1:1”, bà nói.
Rất nhiều cư dân mua nhà ở phía nam nước Nga là người chuyển từ phía bắc xuống. Cách đây 10 năm, Lyubov Aleksandrovna đã từ Yakutia chuyển về Taganrog.
“Vào nam nghỉ hưu là ước mơ của đời tôi”, bà tâm sự.
Gia đình Lyubov đã mua một căn nhà 2 tầng rộng 240 m2 với giá 4,5 triệu RUB. Nơi này không được trang bị bất cứ tiện nghi gì, nên họ phải tự lắp đặt và hoàn thiện ngôi nhà. Trong khu vực có một trường học, một nhà trẻ và một cửa.
“Khoảng 5 năm trước, số lượng người đổ về đây sống rất đông. Họ tìm đến tận nhà chúng tôi, hỏi xem liệu chúng tôi có muốn bán ngôi nhà này hay không”, bà nói.
Theo Popov, một đặc trưng của các vùng tỉnh lẻ ở Nga là số lượng lớn nhà vườn. Tuy nhiên, chúng thường khá tồi tàn và thiếu tiện nghi.
“Dù có không gian sống tách biệt, những ngôi nhà vườn như vậy chỉ được coi là hạng hai ở Nga. Mọi người muốn chuyển đến sống ở những khu dân cư ‘bình thường’, mà trong mắt họ chính là căn hộ chung cư. Tư duy từ thời Xô viết, chính sách quy hoạch đô thị và thực tiễn kinh tế đều đang cổ vũ quan niệm này”, ông nhận định.
Trong giai đoạn dịch bệnh, khi người dân phải thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu về nhà vườn đã tăng lên. Tuy nhiên, Alekseevsky tin rằng xu hướng này sẽ không kéo dài bao lâu nữa.
“Biệt thự nghỉ dưỡng từng là yếu tố quan trọng thể hiện huyền thoại về sự thịnh vượng của Liên Xô. Thế nhưng, giờ đây những ngôi nhà như vậy đem đến nhiều phiền phức hơn là giá trị. Quá chán nản cảnh tắc đường mỗi ngày và phí bảo trì đắt đỏ, nhiều người dân muốn bán nhà đi, nhưng lại chẳng có ai chịu mua”, ông cho biết.
(Theo RBTH)-Linh Hân-Theo Tri thức trẻ