Từ một học sinh có thành tích xếp cuối lớp, cô gái nông thôn đã không ngừng nỗ lực, cố gắng để tạo ra kỳ tích.
Triển Thanh Vân là một cô gái bình thường, sinh ra và lớn lên từ một vùng nông thôn tại Trung Quốc. Mẹ cô là giáo viên tiếng Anh, bố cô là công nhân bình thường. Tuy nhiên, bố của Triển Thanh Vân không vì hoàn cảnh khó khăn mà chùn bước. Năm Thanh Vân học cấp ba, dù đã ngoài lớn tuổi, bố cô vẫn nhất quyết đi học tại một trường Cao đẳng để nâng cao kiến thức.
Được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình như vậy, Triển Thanh Vân từ nhỏ đã thích đọc sách và am hiểu nhiều kiến thức khác nhau. Khi mới 4 tuổi, cô đã có thể kể rành mạch truyện “Thủy Hử” và “Tam Quốc Chí” cho bố mẹ nghe một cách sống động. Lúc đó, bố mẹ cô rất tự hào về con cái và luôn nghĩ rằng cô chính là một thiên tài.
Tuy nhiên, từ khi bắt đầu đi học, việc học một cách dồn dập và phải tiếp xúc với đủ loại kiến thức khó nhằn khiến cô không thể tiếp thu được bài giảng trên lớp. Trong lớp, những người bạn đồng trang lứa khác luôn được giáo viên khen thưởng, còn cô chỉ xếp loại trung bình, thành tích thường đứng cuối lớp. Thậm chí, có một thời gian cô còn bị các bạn xa lánh, kỳ thị.
Đối với Triển Thanh Vân khi ấy, việc học giống như một cực hình mà cô phải chịu đựng. May mắn, cô luôn nhận được sự an ủi, động viên từ gia đình.
Đặc biệt, trong một buổi họp phụ huynh trên lớp, bố cô đã đứng trước bục giảng và tuyên bố rằng: “Khả năng tiếp thu của con gái tôi không tốt, chỉ cần con đạt được 6 điểm mỗi môn học là chúng tôi đã cảm thấy rất vui và tự hào rồi”.
Mỗi lần nhớ đến chuyện này, Triển Thanh Vân luôn cảm thấy bản thân thật may mắn khi được sinh ra và lớn lên trong gia đình có bố mẹ khoan dung và thấu hiểu con cái.
Nỗ lực tạo nên kỳ tích
Đối với các giáo viên, thành tích học tập của Triển Thanh Vân rất tệ. Thậm chí, khi Triển Thanh Vân học cấp ba, trong một buổi họp phụ huynh, giáo viên đã nói với bố mẹ cô rằng: Với tình trạng học tập kém như vậy, con gái anh chị sẽ “không có cửa vào đại học”.
Sau buổi họp phụ huynh, bố mẹ cô về nhà thuật lại, đồng thời khuyên nhủ và đốc thúc cô nhiều hơn để cô cải thiện tình hình. Không chỉ bị tác động bởi lời nói của giáo viên, Thanh Vân còn phải đối mặt với áp lực của kỳ thi tuyển sinh Đại học sắp tới. Cô không thể kìm nén được cảm xúc mà tủi thân bật khóc, âm thầm hứa nhất định phải chứng minh cho người khác thấy năng lực.
Cô dần bình tĩnh lại, nghiêm túc đề ra kế hoạch học tập phù hợp. Mỗi ngày, ngoài việc học trên lớp, cô luôn tranh thủ từng giây phút một để chú tâm vào việc học, thậm chí có những ngày cô quên ăn uống, thức trắng đêm để học bài tới sáng.
Mặc dù sức khỏe dần trở nên không tốt, nhưng cô luôn tự nhủ rằng bản thân đang kém cỏi hơn người khác, việc đỗ vào một trường Đại học là cơ hội để chứng minh năng lực nên phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn.
Những nỗ lực trong học tập của Triển Thanh Vân đã được đền đáp xứng đáng. Điểm thi đại học của cô đỗ vào trường Đại học Bắc Kinh (một trong những trường Đại học hàng đầu tại Trung Quốc).
Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình nghèo khó, cô đã từ chối nhập học để theo học tại trường Đại học Trung văn Hồng Kông do trường hứa sẽ trao học bổng cho cô.
Sau khi vào đại học, những kiến thức mới lạ khiến nhận thức và tầm nhìn của cô đã được mở rộng. Cô nhận ra mình chỉ là “ếch ngồi đáy giếng”, nếu không tiếp tục nỗ lực, cố gắng sẽ bị tụt hậu và kém cỏi hơn người khác. Vì vậy, trong những năm học Đại học, cô luôn phấn đấu học tập, thậm chí còn học tới bậc Thạc sĩ tại trường.
Tuy nhiên, Triển Thanh Vân luôn thấy bản thân còn nhiều thiếu sót và muốn cải thiện trình độ học tập. Vào thời điểm này, cô bất ngờ được Đại học Bắc Kinh mời về trường làm Nghiên cứu sinh. Nhưng Triển Thanh Vân lại từ chối cơ hội quý giá này.
Đối với cô, mặc dù Đại học Bắc Kinh là một môi trường học tập tốt để phát triển bản thân, nhưng cô luôn muốn mình có thể mở rộng vốn kiến thức nhiều hơn và được trải nghiệm trong môi trường quốc tế. Do đó, cô quan tâm tới Trường Luật Harvard. Với số điểm xuất sắc 174/180, cô đã thành công được nhận vào ngôi trường danh giá này.
Gia đình túng thiếu, mẹ quyết tâm vay khoản tiền lớn cho con ăn học thành tài
Dù đã đỗ vào Trường Luật Harvard nhưng vì hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Triển Thanh Vân rơi vào bế tắc. Cô cần có một khoảng 1 triệu NDT (khoảng 3 tỷ đồng) để đi du học Mỹ. Với số tiền khổng lồ như vậy, bố mẹ cô dù bới tung tất cả sổ tiết kiệm trong gia đình vẫn không đủ trang trải tiền học phí cho con gái.
Ngay lúc cô đang bối rối, mẹ cô không ngần ngại đứng tên mình vay 1 triệu NDT để giúp cô thực hiện ước mơ. Bà động viên: “Con đã học hành chăm chỉ suốt nhiều năm, mãi mới đỗ vào một trường Đại học hàng đầu thế giới, làm sao bố mẹ có thể để con phải từ bỏ ước mơ chỉ vì hoàn cảnh nghèo khó?”.
Được người thân, bạn bè động viên, cô đã lên đường tới Mỹ để nhập học vào Trường Luật Harvard. Tuy nhiên, sau khi học tại ngôi trường này một thời gian, cô dần trở nên chán nản và nghi ngờ năng lực của mình.
Trong một cuộc phỏng vấn, cô tiết lộ: “Trước đây, tôi luôn nghĩ rằng mình là một trong số những người giỏi giang hàng đầu ở Trung Quốc, nhưng tại ngôi trường này, tôi thấy bản thân rất tầm thường. Xung quanh tôi là những người thuộc tầng lớp tinh anh, họ thông minh và am hiểu đủ điều trên đời”.
Nhưng khi nghĩ đến 1 triệu NDT mà mẹ đã vay, Triệu Thanh Vân đã vực lại tinh thần và lại tiếp tục dùng sự nỗ lực để “thắp sáng” tương lai phía trước. Cuối cùng, cô lấy được bằng Tiến sĩ.
Thậm chí, khi tham giá cuộc thi “World Universities Debating Championships” (Giải tranh biện lớn nhất thế giới, được tổ chức hàng năm bằng tiếng Anh với những đội tham gia đại diện cho các trường Đại học khắp các quốc gia) vào năm 2018, cô đã xuất sắc đứng đầu nhờ kiến thức phong phú và tư duy nhanh nhạy. Đồng thời, cô nhận được danh hiệu “Nhà tranh biện Trung Quốc xuất sắc nhất”.
Sau khi đi du học về nước, cô được một công ty trong nước mời về làm việc với mức lương cao. Công việc tốt giúp cô chỉ mất một năm để trả hết nợ nần trong gia đình.
Từ một một học sinh nghèo, không bao giờ được mọi người coi trọng, Triển Thanh Vân đã không ngừng vươn lên, trở thành Tiến sĩ Harvard. Không có gia thế hiển hách hay dựa dẫm vào mối quan hệ, Triển Thanh Vân chỉ thông qua những kiến thức và sự cố gắng để thay đổi vận mệnh của mình.
Ứng Hà Chi-Theo Đời sống Pháp luật